Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Những quyết sách làm thay đổi vùng DTTS và miền núi ở Quảng Ninh: Nâng cao chất lượng Y tế vùng khó (Bài 2)

Mỹ Dung-Việt Hà - 10:47, 10/12/2023

Ngoài chính sách đặc thù dành cho phát triển giáo dục đào tạo vùng đồng bào DTTS và miền núi, biên giới, hải đảo, những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đầu tư trong lĩnh vực y tế. Qua đó, đã từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân, góp phần cải thiện thể trạng, tầm vóc, trí tuệ nguồn nhân lực.

Tỉnh Quảng Ninh đang có nhiều quyết sách quan trọng nhằm nâng cao chất lượng y tế vùng khó
Tỉnh Quảng Ninh đang có nhiều quyết sách quan trọng nhằm nâng cao chất lượng y tế vùng khó

Đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU “Về phát triển bền vững kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng-an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND, trong đó, tiếp tục ưu tiên địa bàn 25 xã và 24 thôn mới hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 (Nghị quyết 16). Nội dung Nghị quyết 16 cũng đã đặt ra nhiều chỉ tiêu cụ thể cho việc đầu tư cơ sở vật chất trên các lĩnh vực, trong đó chú trọng lĩnh vực y tế tại vùng khó.

Cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 16, 177 trạm y tế tuyến xã đã được chính quyền địa phương cơ sở dành kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế, với nhiều trang thiết bị y tế hiện đại như: Máy siêu âm, máy điện tim, bàn khám sản khoa, ghế khám răng... phục vụ nhu cầu cũng như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho Nhân dân ngay tại tuyến cơ sở.

Cách trung tâm huyện Hải Hà gần 20km, xã Quảng Sơn được “liệt” vào danh sách xã miền núi khó khăn. Trước đây, do đường sá xa xôi và trắc trở, lại thêm nhiều hộ dân vẫn phải chạy ăn từng bữa; điều kiện chăm sóc sức khoẻ ban đầu ở trạm y tế xã hạn chế, nên chẳng mấy khi bà con tìm đến trạm y tế xã hoặc Bệnh viện đa khoa huyện để thăm khám, kiểm tra sức khoẻ. Do vậy, khi người dân có bệnh, tìm đến cơ sở y tế thì nhiều người đã trở bệnh nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống sau này.

Chị Đặng Thị Vương, thôn 4, xã Quảng Sơn, cho biết: “Trước đây, mang thai con đầu lòng, tôi ít đi kiểm tra sức khoẻ vì đến Trạm Y tế xã cũng chỉ kiểm tra huyết áp... Nếu xuống tận Bệnh viện huyện thì xa quá. Nhưng giờ Trạm có bác sĩ giỏi, tận tình, lại có siêu âm, xét nghiệm nước tiểu nên mang thai lần này, tôi đi khám đều đặn theo lời dặn của bác sĩ”.

Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện tại cho y tế cơ sở đã góp phần hạn chế tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến tỉnh. Đồng thời, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT tại tuyến cơ sở để người dân thụ hưởng các dịch vụ y tế ngày một tốt hơn.

Khu khám chữa bệnh của Trung tâm Y tế Ba Chẽ được đầu tư xây dựng khang trang
Khu khám chữa bệnh của Trung tâm Y tế Ba Chẽ được đầu tư xây dựng khang trang

Ông Đoàn Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Ba Chẽ cho biết: Từ khi tỉnh Quảng Ninh đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng cơ sở; đầu tư thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ và sự hỗ trợ của tuyến trên về chuyên môn đã giúp các y, bác sĩ ở tuyến dưới tiếp nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật mới và khó. Nhờ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại địa phương.

Tăng cường chính sách thu hút nguồn nhân lực

Song song với đầu tư trang thiết bị y tế cho tuyến cơ sở, hàng năm ngành Y tế Quảng Ninh đều có chính sách cử hàng trăm cán bộ, nhân viên các cơ sở y tế vùng miền núi, vùng DTTS tham gia các khóa bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong và ngoài nước; cử cán bộ tuyến trên tăng cường cho tuyến dưới, duy trì các kênh phối hợp chia sẻ chuyên môn… Nhờ đó, chất lượng nhân lực về chăm sóc sức khỏe cho vùng đồng bào DTTS ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh và phát triển thể chất của người dân khu vực này.

Bác sỹ Bệnh viện sản nhi tỉnh Quảng Ninh thăm khám miễn phí cho người dân vùng cao
Bác sỹ Bệnh viện sản nhi tỉnh Quảng Ninh thăm khám miễn phí cho người dân vùng cao

Để giải quyết bài toán nguồn nhân lực y tế chất lượng, ngành Y tế tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, nhằm thu hút đội ngũ bác sĩ có trình độ giỏi, chuyên môn cao về làm việc tại các cơ sở y tế, nhất là vùng khó khăn, miền núi, hải đảo. Trong đó, ưu tiên dành chỉ tiêu biên chế để tuyển dụng các đối tượng thu hút, các đối tượng còn lại chuyển sang chế độ hợp đồng hoặc hợp đồng theo gói dịch vụ.

Cuối năm 2022, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học với viên chức ở các đơn vị y tế công lập của Quảng Ninh giai đoạn 2023 - 2025.

Đặc biệt, tại Nghị quyết “Quy định một số chính sách thu hút và hỗ trợ bác sĩ luân phiên thuộc tỉnh đến năm 2025", vừa được Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIV thông qua ngày 8/12 mới đây, đã thống nhất quyết sách với 2 chính sách quan trọng gồm: Chính sách thu hút bác sỹ và chính sách luân chuyển bác sĩ.

Theo đó, tỉnh sẽ thu hút tối thiểu 288 bác sĩ trở lên theo vị trí việc làm cho 3 đơn vị y tế chuyên ngành đặc thù, 14 đơn vị y tế tuyến huyện, 47 trạm y tế tuyến xã (thuộc Sở Y tế) và Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh; thu hút tối thiểu 10 bác sĩ có trình độ sau đại học thuộc một số chuyên ngành chuyên sâu cho 4 bệnh viện tuyến cuối.

Mỗi bác sĩ về tuyến xã sẽ được chi trả từ 200 triệu đến 500 triệu đồng; Bác sĩ về tuyến huyện và các bệnh viện chuyên ngành đặc thù, cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh sẽ được chi trả từ 250 triệu đến 700 triệu đồng. Mức cao nhất là thu hút Tiến sĩ y khoa, bác sĩ CK II là 750 triệu đồng; Bác sĩ luân chuyển, luân phiên từ các đơn vị tuyến tỉnh đến làm việc tại các trung tâm y tế tuyến huyện, được hưởng mức hỗ trợ 12 triệu đồng/tháng/người; Bác sĩ luân phiên từ các bệnh viện tuyến huyện và trung tâm y tế tuyến huyện đến làm việc tại các trạm y tế tuyến xã chưa có bác sĩ trên cùng địa bàn, được hưởng mức hỗ trợ là 6 triệu đồng/tháng/người.

Ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh nhấn mạnh: Với Nghị quyết này, địa phương kỳ vọng sẽ giúp tăng số lượng bác sĩ đang thiếu hụt tại các cơ sở y tế, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời, tăng cường năng lực y tế chuyên sâu, giảm tỉ lệ chuyển tuyến. Đối với chính sách thu hút này, có tính lâu dài tạo nguồn nhân lực cơ hữu bền vững cho các đơn vị thụ hưởng chính sách. 

Riêng việc thực hiện chính sách luân phiên có thời hạn đối với bác sĩ, là giải pháp ngắn hạn, nhằm bổ sung ngay, tạm thời nhân lực bác sĩ làm việc tại các đơn vị y tế thụ hưởng chính sách trong thời gian triển khai thực hiện quy trình, thủ tục thu hút bác sĩ. 

"Hai chính sách này sẽ được thực hiện đồng thời để bổ trợ cho nhau nhằm tạo hiệu quả cao hơn so với thực hiện từng chính sách đơn lẻ”, ông Nguyễn Trọng Diện nhấn mạnh.

Có thể thấy, những giải pháp thiết thực, những quyết sách đột phá riêng có của Quảng Ninh nhằm nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở...thể hiện rõ tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau". Quyết sách này đang tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng DTTS, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được chăm sóc sức khỏe bằng những dịch vụ y tế có chất lượng, qua đó, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, giảm thiểu được chi phí tốn kém cho Nhân dân.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.