Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Những tấm gương điển hình tiên tiến ở Mường Ảng

Vân Khánh - 12:35, 02/11/2024

Vượt lên trên nhiều khó khăn, thách thức, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều cá nhân vùng đồng bào DTTS tại huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) đã tiên phong đi đầu về phát triển kinh tế, từng bước giúp gia đình và người dân thoát nghèo bền vững trên chính mảnh đất quê hương mình.

Với vai trò là Bí thư chi bộ bản Tát Hẹ, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng, ông Lý Giống Khá luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương.
Với vai trò là Bí thư Chi bộ bản Tát Hẹ, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng, ông Lý Giống Khá luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương

Tinh thần dám nghĩ, dám làm

Từ một xã có nhiều khó khăn, Ẳng Nưa từng bước vươn mình trở thành xã đầu tiên của huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên đạt chuẩn nông thôn mới, nhờ đó, chất lượng cuộc sống người dân ngày một được nâng cao.

Để làm nên thành công đó của Ẳng Nưa, bên cạnh dấu ấn đậm nét trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, ý chí tự vươn lên của người dân, không thể không kể tới vai trò đặc biệt của những gương sáng điển hình trong vùng đồng bào DTTS.

Ông Lý Giống Khá, Bí thư Chi bộ bản Tát Hẹ (xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) từ nhiều năm nay là gương sáng điển hình trong đồng bào DTTS, được người dân địa phương tin yêu.

Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình, ông Khá luôn phát huy tinh thần đi đầu trong việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chú trọng đến việc phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Với khát vọng mở lối thoát nghèo, ông Khá tích cực tham gia các lớp nghề do Trung tâm dạy nghề của huyện Mường Ảng phối hợp với chính quyền xã mở trên địa bàn để lĩnh hội các kiến thức về cách trồng và chăm sóc cây cà phê.

Bà Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên và ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư huyện Mường Ảng cùng Đoàn Công tác thăm mô hình trồng cây cà phê của người dân tại địa bàn huyện Mường Ảng.
Bà Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên và ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư huyện Mường Ảng cùng Đoàn Công tác thăm mô hình trồng cây cà phê của người dân tại địa bàn huyện Mường Ảng

Vượt qua những trăn trở, khó khăn bước đầu về hướng đi, chọn cây gì, nuôi con gì, để phát triển kinh tế hộ gia đình, bằng những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn tiếp thu được từ các lớp dạy nghề, gia đình ông Khá đã mạnh dạn đầu tư trồng mới 3ha cây cà phê. Ban đầu, gia đình ông Khá gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ.

Tuy vậy, sau 2 năm bắt tay vào cuộc, bằng những trải nghiệm thực tế, gia đình ông Khá đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm hữu ích. Nhờ đó diện tích cây cà phê của gia đình dần ổn định, sinh trưởng và phát triển tốt.

Nhận thấy hướng phát triển nhiều tiềm năng, gia đình ông Khá mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng, đầu tư trồng thêm 3ha cây cà phê. Đến nay, gia đình ông Khá có tổng cộng 6ha cây cà phê đã cho thu hoạch ổn định. Sau khi trừ các khoản chi phí mỗi năm, gia đình thu về trên dưới 300 triệu đồng. Với nguồn thu nhập trên, gia đình ông Khá đã mua sắm được nhiều phương tiện, như: Xe máy, ô tô tải và các máy móc nông nghiệp khác phục vụ cho việc chăm sóc diện tích cây cà phê và sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Không những phát triển kinh tế hộ gia đình, ông Khá còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ dân khác trong xã, giúp họ từng bước tự vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Lầu Chồng Lử là một trong những gương sáng điển hình về phát triển kinh tế tại địa bàn xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên.
Ông Lầu Chồng Lử là một trong những gương sáng điển hình về phát triển kinh tế tại địa bàn xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên

Giúp người dân thay đổi nhận thức trong phát triển kinh tế

Tương tự ông Lý Giống Khá, ông Lầu Chồng Lử, dân tộc Mông ở xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên cũng là gương sáng điển hình về phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS.

Nhìn vào cơ ngơi hiện tại của gia đình, ông Lử cho biết đó là sự đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi và nước mắt.

Theo lời ông Lử (tháng 4/1998, từ bản Hua Sa A, Hua Sa B, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo), gia đình ông cùng 11 hộ người dân tộc Mông khác dắt nhau về vùng đất mới theo chương trình đưa thanh niên đi lập nghiệp do Tỉnh đoàn Lai Châu (nay là Tỉnh đoàn Điện Biên) triển khai. Tài sản các gia đình đem theo không có gì đáng giá ngoài con dao quắm và mấy cái nồi.

Sau đó, do cuộc sống nơi mới gặp muôn vàn khó khăn, nhiều hộ trong tổng số 12 gia đình đã dắt nhau trở về quê cũ.

Là một trong số ít những người quyết tâm bám trụ lại với vùng đất Ẳng Nưa ngày nay, ông Lử miệt mài ăn ngủ trên các vườn cà phê tự trồng, tỉ mẫn vun từng gốc, dẫn nước về tưới từng hàng cây. Bằng sự kiên trì, vượt khó, không quản ngại khó khăn vất vả, một thời gian sau, những vườn cà phê do ông Lử chăm sóc đã đua nhau đơm bông kết trái trong niềm vui khôn tả.

Tiếp nối những mùa vui, gia đình ông Lử và một số hộ khác quyết tâm không bỏ cuộc đã thực sự bước sang trang mới của cuộc đời. Nhờ vào cây cà phê, họ không còn phải lo cái ăn, cái mặc, bởi mỗi năm, gia đình ông Lử thu hàng trăm triệu đồng sau thu hoạch. Giờ đây, gia đình ông Lử đã sở hữu gần chục ha cà phê.

Cấp cây giống cà phê trồng mới năm 2024 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS tại huyện Mường Ảng
Cấp cây giống cà phê trồng mới năm 2024 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS tại huyện Mường Ảng

Bên cạnh phát triển cây cà phê, gia đình ông Lử còn mở rộng thêm diện tích chăn nuôi gia súc và thuỷ sản.

Học tập mô hình làm kinh tế của gia đình ông Lử, nhiều hộ gia đình khác tại địa bàn xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng đã mạnh dạn vay vốn, để đầu tư làm ăn, qua đó từng bước thoát nghèo bền vững.

Trao đổi với Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Lù Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng, cho biết: Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, trên địa bàn xã Ẳng Nưa xuất hiện nhiều gương sáng điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của xã. Họ đều là những tấm gương sáng, để Nhân dân trong xã học theo về phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, qua đó góp phần rất quan trọng về việc xây dựng gia đình văn hoá, bản văn hoá, bản nông thôn mới và xã nông thôn mới.

Thời gian tới, nhằm tiếp tục phát hiện, nhân rộng những gương điển hình tiên tiến vùng đồng bào DTTS, xã Ẳng Nưa sẽ tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua lao động sản xuất chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, tỉnh, huyện. Đồng thời, lãnh đạo xã tích cực tham mưu, phối hợp với cấp có thẩm quyền tạo điều kiện để Nhân dân tham gia các cuộc hội thảo, lớp tập huấn, thăm quan học tập kinh nghiệm, cách làm hay về phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững trên chính quê hương mình.

Tin cùng chuyên mục
Động lực xóa bỏ “5 nhất” ở Cao Bằng: Tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (Bài cuối)

Động lực xóa bỏ “5 nhất” ở Cao Bằng: Tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (Bài cuối)

Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Một trong những động lực tăng trưởng của tỉnh là nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719).
Đọc nhiều