Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Những tấm gương sáng của ý chí và nghị lực

Trương Vui - 11:49, 21/12/2022

Trong năm học vừa qua, có hàng trăm em học sinh, sinh viên, DTTS đã nỗ lực vượt khó, học giỏi, đạt nhiều thành tích đáng khích lệ. Nhiều em xuất sắc giành được giải thưởng cao tại các kỳ thi Học sinh giỏi, kỳ thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, là tấm gương sáng của ý chí và nghị lực vươn lên.


Hoàng Thế Mạnh và bạn đồng hành trong Lễ Bế mạc và trao giải cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia
Hoàng Thế Mạnh và bạn đồng hành trong Lễ Bế mạc và trao giải cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia

Là một trong 142 học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu được Uỷ ban Dân tộc tuyên dương năm nay, em Hoàng Thế Mạnh, dân tộc Hoa có nghị lực, quyết tâm đáng nể phục. Em đã xuất sắc đạt giải Nhất trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm 2021-2022 với dự án “Nghiên cứu điều chế chế phẩm thảo mộc phòng trừ sâu hại rau họ Hoa thập tự (Brassicacae) từ hợp chất Cinnamyl acetate trong vỏ cây Quế”.

Chia sẻ với chúng tôi, Mạnh cho biết: Lớn lên từ mảnh đất quê hương Hà Giang, từ nhỏ, em đã được chứng kiến cảnh sâu hại rau vào mỗi mùa vụ, người nông dân phải trực tiếp phun thuốc trừ sâu để bảo vệ cây rau. Hơn ai hết, em hiểu được những tác động xấu mà loại thuốc này ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và môi trường tự nhiên. Do đó, ngay từ khi cuộc thi Khoa học kỹ thuật được phát động, em đã nảy ra ý tưởng sẽ thực hiện đề tài điều chế một loại chế phẩm thảo dược, vừa giúp người nông dân phòng trừ sâu bệnh, vừa giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường tự nhiên. Khi được nhà trường tin tưởng lựa chọn, được các thầy cô động viên, hỗ trợ, em đã cảm thấy rất hào hứng và luôn cố gắng nghiêm túc tìm hiểu, nghiên cứu đề tài.

Mạnh thực hiện thí nghiệm điều chế chế phẩm thảo mộc phòng trừ sâu hại
Mạnh thực hiện thí nghiệm điều chế chế phẩm thảo mộc phòng trừ sâu hại

Trong suốt quá trình tham gia cuộc thi, Mạnh và người bạn đồng tham gia dự án phải cố gắng cân bằng giữa việc học kiến thức tại trường phổ thông và việc tham gia nghiên cứu khoa học. Nói về khoảng thời gian đó với những khó khăn đã trải qua, ánh mắt em vẫn ánh lên niềm tự hào: Đây là một đề tài Khoa học đòi hỏi sự nghiên cứu nghiêm túc, kiên trì. Để điều chế được chế phẩm này, chúng em phải thực hiện rất nhiều thí nghiệm khác nhau, với yêu cầu khoa học đặc thù và những đòi hỏi về sự tính toán tỉ mỉ, cẩn thận, chính xác. Điều này là một thử thách tương đối khó khăn đối với lứa tuổi chúng em. May mắn thay, chúng em luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình không chỉ từ phía các thầy cô trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc mà của cả các thầy cô trường Đại học Nông Lâm. Nhờ đó, dự án của chúng em mới được hoàn thành xuất sắc và nhận được đánh giá cao từ phía Ban Giám khảo cuộc thi.

Khi được hỏi về mơ ước tương lai, Mạnh hào hứng: Em đang cố gắng học tập, tích lũy tri thức để có thể trở thành Sinh viên trường Đại học Y Hà Nội. Em mơ ước sau này mình sẽ là một bác sĩ giỏi để có thể giúp đỡ các bệnh nhân trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Thảo Vân tươi tắn sau những giờ học tập chăm chỉ
Thảo Vân tươi tắn sau những giờ học tập chăm chỉ

Cũng là một trong số những học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu, Lý Thị Thảo Vân, cô tân sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội nuôi ước mơ trở thành một Nhân viên Pháp chế Ngân hàng trong tương lai. Vân là người dân tộc Giáy, sinh ra trong một gia đình có 5 chị em, bố mẹ em đều làm nông nghiệp vất vả, lam lũ. Các chị gái của Vân đều không có cơ hội được học Đại học. Vân may mắn được cả gia đình ủng hộ và tạo điều kiện học tập. Có lẽ vì thế mà em luôn trân trọng cơ hội, cố gắng học tập, rèn luyện. Em hiểu, ước mơ của em cũng chính là ước mơ, niềm hy vọng và tự hào của cả gia đình.

Nhờ sự chăm chỉ, cần cù và ý chí quyết tâm học tập, trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, tại tổ hợp các môn thi khối C00, Vân đạt tổng 27,25 điểm (trong đó: Ngữ Văn: 9đ, Lịch sử: 9,5đ, Địa lý: 8,75đ) và xuất sắc trở thành Tân sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội – ngôi trường đào tạo pháp luật lớn và uy tín hàng đầu Việt Nam.

Khi được hỏi về kinh nghiệm học tập để đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Vân chia sẻ: Trên lớp, em luôn chú ý lắng nghe thầy cô giảng bài và tập trung ôn tập những nội dung tại Sách giáo khoa. Khi đã nắm vững các kiến thức cơ bản và quan trọng nhất, em có chọn lọc tham khảo thêm một số tài liệu từ những trang web uy tín trên mạng Internet. Ngoài ra, em cố gắng luyện làm nhiều đề thi thử của một số trường như: Trường THPT chuyên Lam Sơn, trường THPT chuyên Trần Phú…

Thảo Vân rạng rỡ bên cô giáo và bạn bè
Thảo Vân rạng rỡ bên cô giáo và bạn bè

Hiểu được những khó khăn, nhọc nhằn của bố mẹ, ngay từ những ngày đầu xuống Hà Nội nhập học, cô sinh viên nhỏ bé Thảo Vân đã cố gắng tìm kiếm công việc làm thêm, chi trả phần nào chi phí ăn, ở, học hành của bản thân. Ngoài giờ học, Vân gác lại những buổi hẹn bạn bè, dành thời gian làm thêm tại một cửa hàng nhỏ. Em nghẹn ngào: “Em biết để em được thực hiện ước mơ, bố mẹ em đã phải vất vả hơn rất nhiều. May mắn nhờ chính sách hỗ trợ của nhà nước, gia đình em có thể vay một khoản vay vốn sinh viên trang trải chi phí học tập. Em làm thêm cũng chẳng kiếm thêm được là bao, nhưng em hy vọng có thể đỡ đần gánh nặng phần nào cho bố mẹ.”

Tấm gương của Hoàng Thế Mạnh, Lý Thị Thảo Vân chính là những minh chứng sinh động cho những nỗ lực, vượt qua khó khăn của các em học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS trong quá trình học tập, rèn luyện vươn lên chiếm lĩnh tri thức đỉnh cao. Các em chính là những bông hoa đẹp đại diện tiêu biểu cho khát vọng, hoài bão lớn lao và niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng.



Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.