Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Những thí sinh “đặc biệt” của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021

Cát Tường (T/h) - 20:21, 08/07/2021

Trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm nay có nhiều thí sinh “đặc biệt”, họ đã nỗ lực vượt qua khó khăn, quyết tâm thi đỗ tốt nghiệp và mở ra những dự định cho tương lai

Anh Điểu Xuân Chế tự tin làm bài thi môn Toán buổi chiều ngày 7/7. Ảnh: BĐN
Anh Điểu Xuân Chế tự tin làm bài thi môn Toán buổi chiều ngày 7/7. Ảnh: BĐN

Dự thi ở tuổi 41

Đó là anh Điểu Xuân Chế (SN 1980), dân tộc M’nông, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng (Bình Phước). Năm 2018, anh Chế tham gia lớp học văn hóa tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Ngoại ngữ tin học tỉnh Đắk Nông. Cứ chiều thứ 6 hằng tuần, anh lại một mình đi xe máy gần 100 km từ xã Phú Sơn đến TP. Gia Nghĩa để học.

Sau 3 năm học tại trường, anh Chế tự tin tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, với hy vọng sẽ hoàn thành tốt Kỳ thi để có bằng tốt nghiệp như mong đợi từ nhiều năm nay.

Chia sẻ về việc lựa chọn đi học khi đã gần 40 tuổi, anh Chế cho biết: Ngày trước, do điều kiện kinh tế không cho phép, bố mẹ lại già yếu nên tôi chỉ học đến lớp 10, chưa có bằng tốt nghiệp THPT. Vì thế, tôi quyết định đăng ký đi học và thi  tốt nghiệp THPT.

Anh Chế cũng tâm niệm, việc học không bao giờ là muộn. Bản thân anh có vợ là giáo viên, hai con cũng đang tuổi đến trường, nên anh xác định việc học không chỉ là để có bằng cấp mà còn là tấm gương để con cái noi theo.

Anh Chế đã trang bị cho mình kiến thức để sẵn sàng bước vào Kỳ thi nên tâm lý nhẹ nhàng, ít áp lực. Đặc biệt, khi được gia đình, chính quyền địa phương động viên anh càng quyết tâm hoàn thành Kỳ thi.

Cùng với kinh nghiệm, vốn sống và khả năng ghi nhớ sẽ giúp anh thuận lợi hơn trong các môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn cùng tổ hợp tự chọn Khoa học xã hội.

Khi được hỏi về kết quả làm bài thi anh Chế cho biết: Thi xong các môn, tôi thấy rất thoải mái, sẵn sàng cho môn thi tiếp theo. Điều quan trọng nhất thời điểm này không còn là điểm số nữa mà chính là vượt qua những giới hạn, rào cản của bản thân, tự tin hoàn thành Kỳ thi.

Từ chối “đặc cách” để đi thi

Mặc dù được đặc cách, lại thuộc diện được tuyển thẳng đại học nhưng thí sinh Nguyễn Thái Cường, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (tỉnh Nghệ An) vẫn quyết tâm đến trường thi dù đang ở trong một hoàn cảnh đặc biệt. Hơn 1 tháng trước, khi đang trên đường đi học về Cường không may bị tai nạn. Vụ tai nạn khiến Cường bị gãy cột sống và xương bàn tay phải.

Khi trở về nhà để điều trị, Cường lại bị viêm rò vết mổ và tiếp tục phải nhập viện để mổ lần hai. Sau hai lần mổ, sức khỏe của Cường bị giảm sút rất nhiều, cột sống chưa bình phục và Cường thường xuyên bị đau mỏi.

Với thành tích liên tục 3 năm liền là học sinh giỏi, sự cố “tai nạn” của Cường cũng có thể được xét đặc cách trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Nhưng em vẫn quyết tâm đi thi bởi em chỉ có một suy nghĩ đơn giản 12 năm đèn sách, học sinh phải có một kỳ thi quan trọng và em muốn được đi thi để được thể hiện năng lực của mình, Cường cho biết.

Kết thúc hai môn thi Ngữ văn và Toán, thí sinh Nguyễn Thái Cường khá tự tin với kết quả của mình, “Em phải cố gắng gấp đôi so với các bạn để hoàn thành tốt các bài thi của mình để không phụ công 12 năm đèn sách và để đáp lại công ơn dạy dỗ của thầy cô và sự quan tâm, chăm sóc của gia đình”.

Chiến sĩ trẻ là đối tượng F2 quyết tâm vào đại học

Là một trong những thí sinh tự do, đăng ký dự thi để lấy kết quả tuyển sinh vào đại học, Nguyễn Văn Tuấn, quê huyện Anh Sơn, hiện là chiến sỹ phục vụ có thời hạn tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An mơ ước có thể bước chân vào cổng trường đại học.

Chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Tuấn đang nỗ lực để biến ước mơ trở thành hiện thực. Ảnh: BTP
Chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Tuấn đang nỗ lực để biến ước mơ trở thành hiện thực. Ảnh: BTP

Tại Điểm thi Trường THPT Hà Huy Tập, thành phố Vinh (Nghệ An) năm nay có hơn 80 thí sinh là chiến sỹ công an đang làm nhiệm vụ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Tuấn cũng là 1 trong 4 thí sinh đặc biệt nhất tại điểm thi Trường THPT Hà Huy Tập khi được bố trí riêng 1 phòng thi dành cho trường hợp là F2.

Qua tìm hiểu được biết, trước đó trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Tuấn cũng như một số đồng đội khác trở thành đối tượng F2 và phải “đóng đô”, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” tại bệnh viện.

Con đường đến với trường thi của Tuấn lại thêm gập ghềnh khi chiều 6/7, trong khi các thí sinh khác đến trường làm thủ tục dự thi thì Tuấn vẫn ở trong khu vực phong tỏa. Khi nhận được thông tin nếu xét nghiệm âm tính sẽ đủ điều kiện dự thi, Tuấn hết sức vui mừng.

Kỳ thi này, Tuấn đăng ký thi vào Học viện Chính trị Công an nhân dân lấy điểm xét tuyển Trung cấp Cảnh sát nhân dân, nuôi dưỡng ước mơ trở thành người lính cảnh sát. Trong 3 môn thi Văn, Lịch sử và Địa lý, Tuấn tự tin hơn cả là môn Địa lý.

Thí sinh Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ, em được đơn vị tạo điều kiện rất nhiều để có thêm thời gian ôn thi. Ở đơn vị, em được các anh có kinh nghiệm trong ôn tập, luyện thi chỉ bảo, hướng dẫn tận tình để vừa có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong việc làm bài.

Kết thúc hai môn thi đầu tiên, Tuấn khá vui vẻ chia sẻ: Được đến trường dự thi trong thời điểm này, với em đã là một niềm vui rồi. Đề Ngữ văn năm nay không quá khó và em rất thích câu hỏi nghị luận xã hội. Em cho rằng, tuổi trẻ thì dù ở bất cứ đâu, khi nhận nhiệm vụ nào  cũng phải cống hiến và em đang nỗ lực để biến ước mơ ấy trở thành hiện thực.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.