Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khởi nghiệp

Những tỷ phú trẻ người DTTS nhờ Youtube

Giang Lam - 08:06, 21/03/2024

Chúng tôi ngược miền sơn cước được nghe những câu chuyện hành nghề Youtuber của các chàng trai, cô gái dân tộc Mông, Dao... ở Tuyên Quang mà cảm phục biết nhường nào. Từ kênh Youtube, họ đã tạo ra thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, làm giàu cho bản thân, gia đình mà họ còn đóng góp cho ngân sách địa phương.

 Youtuber Chúc Văn Sư, xã Khuôn Hà (huyện Lâm Bình) tác nghiệp quảng bá văn hóa dân tộc quê hương Lâm Bình.
Youtuber Chúc Văn Sư, xã Khuôn Hà (huyện Lâm Bình) tác nghiệp quảng bá văn hóa dân tộc quê hương Lâm Bình.

Bí quyết của những nhà sáng tạo nội dung

Năm 2023, trên mạng xã hội cả nước xôn xao hình ảnh một gia đình người Dao ở Phúc Yên (huyện Lâm Bình) mua một chiếc ô tô xịn nhãn hiệu Mercedes - Maybach. Chủ nhân chiếc xe đó là chàng trai 31 tuổi Triệu Mạnh Dương, chủ kênh Youtube Lý Thị Ca với 1,15 triệu người khắp nơi trên thế giới đăng ký theo dõi kênh.

Với nội dung xoay quanh cuộc sống hằng ngày, trong không gian núi rừng bình yên, hình ảnh cô gái miền núi Lý Thị Ca chăm chỉ làm việc như nấu nướng, dựng nhà, làm vườn, lên đồi thu hoạch mùa màng, đi chợ bán nông sản… đã khiến bạn bè ở Nga, Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ, Anh... say lòng và để lại bao bình luận gây thương nhớ. Họ bày tỏ sự mến mộ, yêu quý cô gái Việt Nam chăm chỉ, chịu thương, chịu khó.

 Kênh youtube Lý Thị Ca của Triệu Mạnh Dương, thôn Khau Cau, xã Phúc Yên (Lâm Bình) được cộng đồng mạng khắp nơi trên thế giới yêu thích.
Kênh youtube Lý Thị Ca của Triệu Mạnh Dương, thôn Khau Cau, xã Phúc Yên (Lâm Bình) được cộng đồng mạng khắp nơi trên thế giới yêu thích.

Hơn 400 video xoay quanh cuộc sống nông thôn ở Việt Nam đã thu hút hơn 600 triệu lượt xem. Đến nay, trang Lý Thị Ca đã nhận được nút vàng Youtube, mang đến một nguồn thu nhập khủng cho chủ kênh với hàng tỷ đồng mỗi năm.

Anh Triệu Mạnh Dương bắt đầu xây dựng kênh từ năm 2019. “Kiên trì đi trên con đường mình đã chọn, đó chính là bí quyết đầu tiên để trở thành một Youtuber thực thụ. Bởi nhiều người đi được nửa quãng đường nhưng thấy chưa thu được lợi nhuận lại vội vàng bỏ cuộc. Mình cứ nghĩ là mình trao đi giá trị cho cộng đồng đã, rồi cái gì đến sẽ đến thôi. Với Kênh Lý Thị Ca đó là trao đi thước phim bình dị để mang đến cho người xem cảm giác bình yên, thư giãn, thoải mái trong tâm hồn”, anh Dương tự tin chia sẻ.

Anh Triệu Huy Đường ở thôn Phiêng Mơ, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình là một trong những nhà sáng tạo nội dung đầu tiên ở Phúc Yên. Anh bắt đầu làm Youtuber từ năm 2016. Kênh “Kỹ năng nguyên thủy” hiện có trên 1,2 triệu người đăng ký theo dõi và trên hai trăm triệu lượt xem. Nhà sáng tạo nội dung trẻ này chia sẻ rằng, để xây dựng một kênh Youtube cho riêng mình thì mình phải biết lựa chọn làm một nội dung xuyên suốt thì mới có đối tượng khán giả nhất định. Bí quyết đó là mình tự tin ở lĩnh vực nào thì mình xây dựng nội dung ở lĩnh vực đó, có như thế mới đi đường dài được.

Kênh “Kỹ năng nguyên thủy” là kênh mang tính chất giải trí, nội dung chủ yếu xoay quanh vấn đề sinh tồn, thử thách sống trong rừng, cách tạo ra những vật dụng trong cuộc sống. Nhiều người xem trong nước và nước ngoài phải thực sự trầm trồ trước sự khéo léo tài năng đối với những video của nhà sáng tạo nội dung Triệu Huy Đường. Có nhiều video lên tới 10 triệu lượt xem với hàng nghìn lượt bình luận.

Cuộc sống đời thường hàng ngày được nhiều youtuber tái hiện góp phần quảng bá cảnh sắc con người xứ Tuyên
Cuộc sống đời thường hàng ngày được nhiều youtuber tái hiện góp phần quảng bá cảnh sắc con người xứ Tuyên.

Youtuber Nguyễn Thị Mười ở thôn Lũng Giềng, xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình tham gia sáng tạo nội dung số vào đầu tháng 7/2023. Nội dung xoay quanh cuộc sống nông thôn như làm nương, làm ruộng, chăm sóc con cái. Chị Mười nói rằng, ở bất cứ đâu, sự chân thực và gần gũi đời thường thì sẽ luôn dễ đi vào lòng người. Ở ngoài đời thế nào thì trong kênh mình cũng thế, mình phải là chính mình thì mới chân thực mới bền lâu được.

Đó chính là bí quyết để từng bước chị tiến đến thành công trên con đường này. Thế nên kênh mới xây dựng được hơn nửa năm thì đã được bật chế độ kiếm tiền với thu nhập trên 30 triệu đồng/tháng đã trừ thuế.

Đóng góp ngân sách và các công trình vì cộng đồng

Với xu hướng kiếm tiền, tạo thu nhập qua không gian mạng, nhiều gia đình Youtuber, làng Youtuber ra đời. Đó là làng Youtuber Khau Cau, Bản Bon, Phiêng Mơ ở Phúc Yên; làng Youtuber ở Xuân Lập (huyện Lâm Bình); làng Youtuber Nà Chác, xã Năng Khả (huyện Na Hang)...

Bí thư Chi bộ thôn Nà Chác - Triệu Hữu Phú cho biết, hiện thôn có hàng chục kênh Youtube do bà con trong thôn xây dựng hầu hết bằng tiếng Anh. Với thế mạnh là một vùng bán sơn thủy vô cùng tráng lệ, cảnh quan thiên nhiên có nhiều điểm độc đáo nên các kênh Youtube của bà con thu hút được rất nhiều lượt xem của người nước ngoài. Thu nhập từ sản xuất video khá cao nên nhiều người đầu tư xây dựng chương trình khá bài bản. Nội dung các video chủ yếu xoay quanh giới thiệu cảnh quan, công việc chăn nuôi, trồng trọt, làm rừng. Chính vì vậy, nhiều hộ đầu tư xây dựng cả trang trại chăn nuôi, tạo dựng cảnh quan để quay video số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Nhiều youtuber ở Phúc Yên (huyện Lâm Bình) tạo trường quay để phục vụ làm kênh youtube.
Nhiều youtuber ở Phúc Yên (huyện Lâm Bình) tạo trường quay để phục vụ làm kênh youtube.

Cái được rất lớn trong việc sản xuất video là thu hút hàng trăm lao động tham gia, vừa tạo dựng cơ sở sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt cho thêm thu nhập. Đặc biệt lại có nguồn thu lớn từ Youtube. Theo ước tính của anh Phú, mỗi tháng thôn có ít nhất 300 đến 500 triệu đồng được trả từ Youtube cho các kênh. Điển hình như kênh Youtube Triệu Thị Hoa, Triệu Thị Dương có thu nhập hàng trăm triệu sau khi đã trừ thuế.

Ông Chẩu Văn Đội, Chủ tịch UBND xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình chia sẻ, trong xã hiện nay có khoảng hơn 200 người làm Youtuber. Nhiều Youtuber có thu nhập cao, đóng góp ngân sách cho xã, chỉ tính riêng năm 2023 các Youtuber nộp ngân sách gần 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có nhiều bạn trẻ luôn có ý thức xây dựng quê hương bản làng như đầu tư làm đường, ủng hộ, giúp đỡ người nghèo. Điển hình như bạn trẻ Triệu Mạnh Dương, Lý Thị Ca sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu đồng làm những tuyến đường bê tông cho thôn Khau Cau.

Nông Cẩm Quỳnh, cô gái người Nùng 9x ở thôn Đồng Dài, xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) quảng bá đặc sản bưởi Soi Hà trên mạng xã hội.
Nông Cẩm Quỳnh, cô gái người Nùng 9x ở thôn Đồng Dài, xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) quảng bá đặc sản bưởi Soi Hà trên mạng xã hội.

Hành trình “du mục” của vợ chồng chị Lưu Thị Hoàng Yến, Nguyễn Văn Hợp, thôn Chanh 1, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn luôn được hàng nghìn người theo dõi qua kênh Youtube “Đôi đũa tre”. Hai vợ chồng chị đã có hàng năm trời trải nghiệm sống trên các đồi núi, quay lại video phản ánh chân thực cuộc sống nơi đây. Điều đặc biệt chỉ sau 6 tháng, chủ nhân của kênh “Đôi đũa tre” đã được Youtube trao nút Bạc.

Anh Hoàng Khánh Bằng, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội chia sẻ, những ngày tháng bí bách vì không được đi du lịch, đến những vùng đất mới lạ nhưng khi được xem những video của kênh “Đôi đũa tre”, anh được thỏa mãn cảm xúc trải nghiệm thực tế vùng đất, phong tục mới lạ.

Với tên rất gợi và khá hấp dẫn, đều đặn ra video hằng tuần, kênh “Tuyên Quang miền gái đẹp” đã thu hút được hàng triệu lượt xem và có hơn 40,1 nghìn người đăng ký theo dõi. Chủ nhân của kênh là anh Hà Phúc Hiện, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa. Anh Hiện chia sẻ, xuất phát từ tình yêu văn hóa của dân tộc mình, anh mong muốn được chuyển tải một cách chân thực nếp sống, nếp sinh hoạt của người dân nơi đây.

Các Youtuber ở xứ Tuyên đã và đang tạo một làn gió mới đầy năng lượng tích cực. Họ không chỉ góp sức làm giàu cho quê hương mà còn quảng bá con người, quê hương, đất nước Việt Nam đến với bạn bè năm châu.

Tin cùng chuyên mục
Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long: Hướng tới thành lập mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong

Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long: Hướng tới thành lập mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong

Ngày 15/11, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức khai mạc Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long lần II, năm 2024, với chủ đề “Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển”.