Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Niềm tin và khát vọng

Phương Hạ - 07:15, 13/02/2021

Niềm tin luôn đi liền với khát vọng. Trong thời khắc thiêng liêng đầu Xuân 2021, dẫu còn vô vàn khó khăn, nhưng trong tâm thế mỗi người con đất Việt, khát vọng về một Việt Nam hùng cường đang mãnh liệt hơn bao giờ hết. Bởi đó cũng chính là khát vọng mùa Xuân cho dân tộc.

Các y bác sĩ lan tỏa thông điệp cả nước chung tay quyết tâm chống dịch Covid-19.
Các y bác sĩ lan tỏa thông điệp cả nước chung tay quyết tâm chống dịch Covid-19.

Nhìn lại, năm 2020, mở màn với đòn giáng phủ đầu của con virus SARS-CoV-2 (về sau, gọi là đại dịch Covid-19). Cả nhân loại choáng váng. Nhiều cường quốc ban đầu ngạo nghễ, tự tin, chẳng mấy chốc lâm vào lúng túng, rối tung lên trước những cú đánh hiểm hóc của con virus vô hình.

Chung đường biên giới qua 7 tỉnh, dài gần 1.500km với Trung Quốc – nơi có ổ dịch Vũ Hán phát hiện đầu tiên, Việt Nam còn là nền kinh tế đang hội nhập có độ mở rất cao, trong đó, Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất, với cả trăm tỷ USD/năm. Sát ổ dịch, lại còn nghèo, Việt Nam có nguy cơ bị dịch tràn vào, tàn phá nghiêm trọng hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Và cũng chẳng phải đợi lâu, Việt Nam với ca bệnh ghi nhận đầu tiên ngày 23/1/2020. Trái dự đoán. Việt Nam chống chọi quyết liệt. Và đứng vững. Đứng vững vì đã chủ động tham vấn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngay khi Tổ chức này còn chưa định hình tính chất, quy mô, tên gọi của dịch. Việt Nam đứng vững vì đã triển khai các biện pháp ứng phó đơn giản mà hiệu quả: phát hiện, truy vết, chữa trị, tuyên truyền... Đứng vững vì là nước đi đầu áp dụng khai báo y tế bắt buộc, với người nhập cảnh từ vùng dịch. Đứng vững còn là vì nước đi đầu nhận thấy tính chất dị thường của virus SARS-CoV-2, từ đó thực hiện sớm nhất biện pháp khoanh vùng, cách ly...

Công nhân của một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh may khẩu trang kháng khuẩn để xuất khẩu sang các nước Trung Đông.
Công nhân của một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh may khẩu trang kháng khuẩn để xuất khẩu sang các nước Trung Đông.

Không phải không có những tình huống lo lắng đến thắt tim, như sự cố bệnh nhân 17 mở màn cho làn sóng dịch thứ hai, gây xáo trộn cục bộ. Rồi ngày 27/7/2020, bệnh nhân 416 ở Đà Nẵng xuất hiện như báo hiệu dịch trở lại càn quét đúng mùa cao điểm du lịch, làm nát tan hy vọng phục hồi kinh tế vừa le lói trở lại.

Vậy mà Việt Nam đã vững vàng cùng với những giải pháp “du kích” như trên, nhưng được vận dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt, hiệu quả hơn đợt dịch đầu rất nhiều. Nói như một nhà báo nước ngoài: Việt Nam là “câu chuyện thành công ngoại lệ” trong đại dịch.

Việt Nam còn là quốc gia có tỷ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch Covid-19 của Chính phủ cao nhất thế giới. Không phải “ta khen ta”. Đây là kết luận cuộc khảo sát do Tổ chức Dalia Research, có trụ sở tại Berlin (CHLB Đức) công bố ngày 30/3/2020. Tin rằng, nếu có một cuộc khảo sát tương tự lúc này, kết quả sẽ không thay đổi. Cơ sở niềm tin này là cuộc sống đang nhộn nhịp gần như bình thường. Cảnh giác với đòn “hồi mã thương” của con virus, nhưng người Việt Nam vẫn đầy tự tin và rạng rỡ thưởng lãm những màn hoa đăng rực rỡ. Nó là minh chứng sinh động rằng: Thành công trong chống dịch đã thổi bùng lên ngọn lửa niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.

Năm 2020, các nhà chuyên môn dùng đến từ “dị thường” để nói về thiên tai Việt Nam. Thống kê, có tới 16/21 loại hình thiên tai dồn dập ập đến. Riêng về mưa lũ, như chưa bao giờ, câu thơ “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/Mà mưa xối xả, trắng trời Thừa Thiên” của Tố Hữu đúng với miền Trung đến thế. 15 ngày liên tục trong tháng Mười, mưa không dứt; lượng mưa nhiều nơi vượt so với trung bình năm 2019 đến 200%, thậm chí hơn nữa. Cả miền Trung bị nhấn chìm trong màu nước vàng ệch. Những quả đồi lớn bị nước ngâm nhũn như cháo, bỗng nổ bùm: Cả triệu mét khối bùn đất, đá, ào ào lao xa hàng km, gây thảm cảnh kinh hoàng ở khu vực Thủy điện Rào Trăng 3, ở Quảng Bình, ở Quảng Nam...

“Rằng qua cơn hoạn nạn, mới hiểu tận lòng nhau”. Những ngày tháng 10/2020 chưa xa mịt mù dông bão và nước mắt ấy, lại cũng là những ngày sáng lên tình đồng bào; sáng lên những tấm lòng cao cả. “Hướng về miền Trung ruột thịt” vang lên như mệnh lệnh tâm can mỗi người. Tình cảm sâu nặng càng khiến người dân tin hơn vào ý nghĩa, giá trị của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc...

Những ngày chưa xa. Vào thời điểm khó khăn, thách thức nhất của làn sóng dịch đầu tiên, cùng với nhất quán, kiên trì quan điểm “sức khỏe người dân là trên hết”, nhận thấy tính chất phức tạp của cuộc chiến chống Covid-19, ngay từ tháng 3/2020, Chính phủ đề ra “mục tiêu kép”: Vừa "chống dịch như chống giặc", vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống Nhân dân. Thời điểm dịch giã nóng bỏng, đó là quyết định cân não, thử thách sự quả cảm, thể hiện tầm nhìn xa, sự nhạy bén của Đảng, Chính phủ, có tác dụng định hướng công tác chống dịch và tổ chức hoạt động kinh tế trong bối cảnh, điều kiện mới.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang tăng mạnh cả về giá trị và khối lượng.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang tăng mạnh cả về giá trị và khối lượng.

Không chỉ thử thách khả năng chống chịu, khó khăn còn làm bật lên tiềm năng sáng tạo để thích ứng với điều kiện mới. Cả xã hội chuyển động. Làm việc trực tuyến, học trực tuyến, thương mại điện tử, khám chữa bệnh từ xa... đã chứng minh hiệu quả và mở ra những khả năng bất ngờ trong nhiều lĩnh vực. Chuyển đổi số quốc gia thực sự đang trở thành cuộc chạy đua, bởi ai cũng hiểu, đó là cơ hội không chỉ cho từng doanh nghiệp, từng ngành, mà còn là cơ hội để đất nước thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển...

Trong bức tranh u ám kinh tế toàn cầu, tăng trưởng GDP 2,91% thật sự là kỳ tích, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới, là cơ sở để các tổ chức quốc tế lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021 và những năm tiếp theo.

Đó chính là khát vọng mùa Xuân cho dân tộc!