Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Niềm vui từ những lớp học xoá mù chữ

PV - 09:59, 30/08/2019

Từ năm 2014, Bắc Kạn triển khai Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020” với mục tiêu “đưa cái chữ” đến với đồng bào DTTS vì nhiều lý do chưa được đến lớp, chưa biết chữ. Theo đó, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, thực hiện hiệu quả giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học; chỉ đạo mở các lớp xóa mù chữ, giáo dục sau khi biết chữ và giáo dục thường xuyên cấp THCS…

Huyện nghèo xóa mù chữ

Pác Nặm là huyện vùng cao, nghèo nhất của cả nước và là nơi sinh sống của nhiều đồng bào DTTS như Sán Chỉ, Mông, Tày, Nùng, Dao… Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên tỷ lệ người dân mù chữ và tái mù còn cao.

Những năm qua, huyện Pác Nặm đã có nhiều nỗ lực triển khai xóa mù chữ. Thông qua việc thường xuyên mở các lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau biết chữ, hiện tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ hai (trong độ tuổi từ 15 đến 60) đạt 65,7%; có 10 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ một.

Một giờ học ở lớp xóa mù chữ tại bản Khâu Vai, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn). Một giờ học ở lớp xóa mù chữ tại bản Khâu Vai, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn).

Theo thông tin của tỉnh Bắc Kạn, mỗi năm, ở tỉnh có hàng trăm học viên được tốt nghiệp những lớp học xoá mù từ các lớp học rất đặc biệt. Ví dụ như, tại xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm. Lớp học dù không đồng đều về lứa tuổi, trong lớp có những học viên đã lên chức ông, bà, cũng có những người còn rất trẻ.

Nhiều học viên ở đây là bà con dân tộc Mông, quanh năm đầu tắt mặt tối với việc đồng áng. Mỗi người một nơi, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều có chung một ước mơ, đó là được biết chữ. Từ khi có những lớp học như thế này, họ trở nên bận rộn hơn, ngoài đi làm, họ còn đến đây để học chữ. Với họ, xoá mù chữ là tiến gần hơn với ước mơ thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.

Có dịp chứng kiến một buổi học của lớp học xóa mù, mới thấy hết được cái khát khao “con chữ” của bà con nơi đây. Những bàn tay chai sần vì cầm cuốc, vụng về cầm bút nắn nót viết từng chữ, khiến nhiều người khâm phục ý chí quyết tâm của những học sinh đặc biệt. Kết quả này mang dấu ấn rất lớn của các thầy cô giáo, những người đã và đang thầm lặng gieo chữ nơi rẻo cao.

Cô giáo Dương Thị Nội, điểm trường Khâu Vai, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm chia sẻ: “Khi đồng bào chưa biết chữ, cuộc sống của họ rất khó khăn. Đi chợ không biết tính toán, đọc viết cũng không biết, ký văn bản như hộ khẩu, giấy tờ thì điểm chỉ hết. Khó khăn lớn nhất là các chị chưa biết chữ cái nào, giống như học sinh lớp một là một tờ giấy trắng. Chúng tôi phải dạy từ đầu chữ a, chữ á… khi viết phải cầm tay từng học viên một để hướng dẫn. Tuy nhiên ao ước thoát khỏi cảnh mù chữ nên các học viên rất cố gắng trong học tập”.

Mừng vui con chữ

Sau những lớp học được mở ra, nhiều học viên đã có những tiến bộ rõ rệt, đã biết đọc biết viết thành thạo. Hoàng Thị Diễn là cô gái trẻ người Mông đã tốt nghiệp lớp xóa mù của xã Bộc Bố hơn 1 năm nay. Diễn tâm sự: mình rất vui mỗi lần đi họp thôn, được phát báo về mình đã biết đọc rồi. Con cái đi học về chữ nào không hiểu mình có thể bảo ban, đi chợ mua cái gì cũng có thể đọc bảng để hiểu, biết giá cả”.

Những thầy cô giáo ở lớp xóa mù chữ không chỉ giúp người dân ở đây biết chữ, mà còn hướng dẫn người dân biết làm ăn, biết áp dụng khoa học vào sản xuất. Họ bắt đầu biết phân biệt đâu là điều nên làm, đâu là những điều nên tránh trong cuộc sống. Biết chữ, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng đến với bà con dễ dàng hơn.

Ông Hoàng Văn Duy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Pác Nặm cho biết, từ đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”, nhiều lớp học xoá mù được mở ra. Các chính sách hỗ trợ học phẩm cho các học viên cũng được triển khai để khuyến khích, động viên bà con tham gia lớp xóa mù chữ trong thôn nên số lượng học viên ngày càng tăng lên.

Thông qua các lớp học này, học viên được nâng cao về năng lực, trình độ văn hóa của bản thân mình. Từ đó đồng bào DTTS ở đây có nhiều cơ hội để tiếp cận được khoa học-kỹ thuật, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Bắc Kạn phấn đấu, đến năm 2020, xóa mù chữ cho gần 2.210 người độ tuổi từ 15 đến 60, nâng tỷ lệ biết chữ đạt 95,09%; xóa mù chữ cho hơn 2.060 người DTTS, nâng tỷ lệ người DTTS biết chữ đạt 94,57%; 90% số người mới biết chữ tiếp tục tham gia học tập với nhiều hình thức nhằm củng cố vững chắc kết quả biết chữ.

HỒNG PHÚC

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.