Cùng với tích cực tham gia các phong trào thi đua ở địa phương thì đồng bào dân tộc Mường ở giáo xứ Lạc Bình, xã Thạch Bình, huyện Nho Quan rất chú trọng gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống.Ninh Bình là tỉnh có đông tín đồ tôn giáo, với hai tôn giáo chính là Phật giáo và Công giáo. Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 162 nghìn tín đồ Công giáo, chiếm 16% dân số toàn tỉnh, phân bố ở 110/143 xã, phường, thị trấn. Phật giáo hiện có hơn 318 tăng ni, 190.000 phật tử, chiếm 19% dân số toàn tỉnh.
Trong đó, hoạt động Công giáo ở vùng DTTS của tỉnh chủ yếu tập trung tại 4 giáo xứ (Giáo xứ An Ngải, giáo xứ Đồng Bài, xã Quảng Lạc; giáo xứ Lạc Bình, xã Thạch Bình, huyện Nho Quan và giáo xứ Yên Sơn, Tp. Tam Điệp), với 7.334 tín đồ.
Với tinh thần “tốt đời, đẹp đạo”, các tín đồ tôn giáo tại Ninh Bình đã khẳng định vai trò của tôn giáo trong sự phát triển bền vững của địa phương. Nhiều cơ sở tôn giáo tổ chức các buổi thuyết giảng, hướng dẫn tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, tuân thủ pháp luật và tích cực tham gia các phong trào thi đua ở địa phương.
Tuy nhiên, trên địa bàn Ninh Bình đã và đang xuất hiện nhiều hiện tượng tôn giáo mới, tôn giáo lạ. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh Ninh Bình, toàn tỉnh hiện có những loại hình hiện tượng tôn giáo mới, như: Năng lượng gốc trống đồng Việt Nam; Hội Thánh của đức Chúa trời mẹ; Thiền Sant Mat; Pháp môn Diệu Âm; Long Hoa Di Lặc; Sứ điệp trời; Nhất Quán đạo; Hoàng Thiên Long...
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có một số người dân tham gia tổ chức hoạt động của Pháp Luân công. Thời gian gần đây, ở các khu du lịch nổi tiếng, nơi có nhiều người qua lại (chùa Bái Đính, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, Phố cổ Hoa Lư…) xuất hiện một số đối tượng tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia Pháp Luân công, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến hoạt động du lịch và an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Trước tình hình đó, trong Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 3/3 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo năm 2025, UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan chú trọng công tác năm tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời theo dõi các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới; vấn đề đất đai, xây dựng, y tế, giáo dục, dạy nghề, tiếp nhận tài trợ, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo, xuất bản liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo vi phạm, lệch chuẩn; công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo…
Đây cũng là chỉ đạo của Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh Ninh Bình tại Hội nghị tổng kết công tác tôn giáo năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, tổ chức ngày 9/1/2025.
Tại cuộc họp này, ông Đoàn Minh Huấn - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh Ninh Bình, đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục nắm chắc tình hình, phát hiện từ sớm, từ xa những vấn đề về hiện tượng tôn giáo mới; những vụ việc phát sinh về công tác tôn giáo, không để xảy ra “điểm nóng” về tôn giáo trên địa bàn. Lực lượng chức năng cần chủ động triển khai các nghiệp vụ, nhận diện và phòng ngừa các thủ đoạn lợi dụng tôn giáo nhằm chống phá Đảng, Nhà nước.
Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh Ninh Bình Đoàn Minh Huấn cũng lưu ý, cần tiếp tục phát huy nguồn lực tôn giáo; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần “tốt đời, đẹp đạo”, đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, xây dựng Ninh Bình ngày càng giàu mạnh.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh Ninh Bình, năm 2024, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng về công tác tôn giáo được tăng cường; đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành làm tốt công tác nắm tình hình, tổ chức gặp mặt, giao lưu với các chức sắc tôn giáo, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, tăng cường quản lý, chủ động phòng ngừa, đấu tranh với “đạo lạ”, chỉ đạo giải quyết dứt điểm một số vụ việc phát sinh về công tác tôn giáo, không để xảy ra “điểm nóng” về tôn giáo trên địa bàn.