Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Ninh Bình: Dự án Công viên động vật hoang dã 10 năm xây dựng vẫn dở dang!

Thiên An - Diệu Anh - 22:09, 24/10/2023

Dự án Công viên động vật hoang dã quốc gia được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt quy hoạch xây dựng với diện tích gần 1.488ha, tại 2 xã Phú Long và Kỳ Phú, huyện Nho Quan, Ninh Bình. Tổng mức đầu tư cho dự án là khoảng 7.368 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai xây dựng, đến nay, dự án vẫn dở dang.

Dự án Công viên động vật hoang dã quốc gia tại Ninh Bình được triển khai xây dựng từ năm 2014
Dự án Công viên động vật hoang dã quốc gia tại Ninh Bình được triển khai xây dựng từ năm 2014

Phản ánh với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, người dân huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình cho biết: Dự án Công viên động vật hoang dã quốc gia tại Ninh Bình được triển khai xây dựng từ năm 2014, sau gần 10 năm triển khai xây dựng, đến nay dự án này mới chỉ thi công xong khu nhà làm việc của Ban quản lý và các hạng mục tuyến đường kết nối. Nhiều hạng mục khác như hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước tạm, hệ thống đường nội bộ, hàng rào hổ, hồ cảnh quan... đang thi công dở dang.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, nguyên nhân Dự án Công viên động vật hoang dã quốc gia tại Ninh Bình bị chậm tiến độ và dở dang là do thiếu vốn và vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Với tổng mức đầu tư cho dự án là khoảng 7.368 tỉ đồng, trong đó, vốn xã hội hóa khoảng 5.247 tỉ đồng (71,2%) và vốn Ngân sách Nhà nước khoảng 2.121 tỉ đồng (28,8%). Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư, thời gian hoàn thành và đưa vào khai thác chậm nhất là cuối năm 2025.

Dự án được triển khai nhằm bảo tồn các loài động vật quý hiếm, với quy mô bao gồm 6 phân khu chính: Phân khu động vật hoang dã; Phân khu chăm sóc - nghiên cứu và phát triển; Phân khu Trung tâm dịch vụ; Phân khu vui chơi giải trí theo chủ đề; Phân khu cây xanh sinh thái; Phân khu tái định cư và nhà công vụ.

Khu nhà điều hành dự án được xây dựng từ nhiều năm nay đang xuống cấp
Khu nhà điều hành dự án được xây dựng từ nhiều năm nay đang xuống cấp

Dự án được đầu tư xây dựng không chỉ mang giá trị về nghiên cứu, bảo tồn, mà còn góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, nâng tầm về du lịch của Ninh Bình, tạo sự phát triển bền vững.

Được biết, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình khẩn trương xây dựng cụ thể kế hoạch các công việc và thực hiện các thủ tục lập điều chỉnh đề án Công viên động vật hoang dã, đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của Chương trình công tác năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiên cứu, triển khai lập các quy hoạch có liên quan đến Dự án Công viên động vật hoang dã Quốc gia tại tỉnh Ninh Bình.

Bản đồ quy hoạch Dự án Công viên động vật hoang dã quốc gia tại Ninh Bình
Bản đồ quy hoạch Dự án Công viên động vật hoang dã quốc gia tại Ninh Bình

Ông Tô Văn Vượng, Giám đốc Ban Quản lý Công viên động vật hoang dã Quốc gia tại Ninh Bình cho biết: Vướng mắc lớn nhất hiện nay trong việc triển khai dự án là công tác giải phóng mặt bằng và lập hồ sơ giao đất. Bên cạnh đó, việc triển khai dự án cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của Dự án Công viên động vật hoang dã Quốc gia đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, rất mong các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Bình sớm khắc phục những khó khăn về vốn và vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng… để dự án sớm được hoàn thành và đưa vào khai thác đúng thời gian theo quy định đề ra.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm cơ sở thu mua, chế biễn gỗ keo trái phép

Thanh Hóa: Yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm cơ sở thu mua, chế biễn gỗ keo trái phép

Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa có văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát hoạt động trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật mà không có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.