Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Ninh Thuận đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp để phát triển vùng DTTS, miền núi

Minh Thu - 10:12, 07/09/2024

Những năm gần đây, các cấp, ngành trong tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng DTTS và miền núi. Trong đó, tập trung xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị sản xuất, hỗ trợ đồng bào DTTS vươn lên phát triển kinh tế hiệu quả.

Đồng bào DTTS xã Phước Bình, huyện Bác Ái phát triển kinh tế từ mô hình trồng cây bưởi da xanh.
Đồng bào DTTS xã Phước Bình, huyện Bác Ái phát triển kinh tế từ mô hình trồng cây bưởi da xanh

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Tại huyện vùng cao Bác Ái, từ chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc do Vườn Quốc gia Phước Bình triển khai và hỗ trợ cây giống cách đây 5 năm, nhiều hộ đồng bào dân tộc Raglai trên địa bàn huyện đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh.

Từ nhiều năm qua, Ninh Thuận đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nông thôn và có các chính sách thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; thúc đẩy liên kết sản xuất, đổi mới công nghệ. Từ đó, đóng góp tích cực vào việc phát triển các mô hình sản xuất lớn, các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân, từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Ông Đặng Kim CươngGiám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận

Qua quá trình trồng và chăm sóc, cây bưởi da xanh cho thấy rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương; hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa rẫy, trồng bắp. Đến nay, nhiều hộ đồng bào DTTS ở huyện Bác Ái đã có thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng nhờ trồng bưởi da xanh.

Đơn cử như hộ ông Pi năng Chiên, thôn Bạc Rây 1, xã Phước Bình - một trong những người tích cực chuyển đổi từ trồng bắp, lúa rẫy kém hiệu quả sang trồng cây bưởi da xanh. Sau 5 năm trồng thử nghiệm 150 gốc bưởi, ông Pi năng Chiên đã thu về hơn 70 triệu đồng, sau khi đã trừ các chi phí.

Còn ở Ninh Phước, địa phương có đồng bào Chăm sinh sống, chính quyền huyện đã chọn cách phát triển nông nghiệp theo mô hình “cánh đồng lớn”, phát triển các loại cây mang lại giá trị kinh tế cao như nho, táo, đặc biệt là những cánh đồng măng tây. So sánh về giá trị kinh tế, mô hình “cánh đồng lớn” và sản xuất lúa giống tại các xã Phước Hậu, Phước Thái tăng thêm lợi nhuận 5,8 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa thương phẩm; sản xuất gạo sạch tại thôn Hữu Đức lợi nhuận tăng thêm 7 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa đại trà. Nhờ đó, đời sống đồng bào Chăm ở huyện Ninh Phước ngày càng phát triển, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng được nhà ở khang trang.

Cán bộ BĐBP Ninh Thuận trao đổi với người dân xã An Hải, huyện Ninh Phước cách chăm sóc lúa nước (Ảnh: Lĩnh Kiên).
Cán bộ BĐBP Ninh Thuận trao đổi với người dân xã An Hải, huyện Ninh Phước cách chăm sóc lúa nước. (Ảnh: Lĩnh Kiên)

Đặc biệt, triển khai Dự án “Ứng dụng khoa học và kỹ thuật trong chăn nuôi bò hướng thịt tại các xã khó khăn, vùng DTTS” tại các xã vùng DTTS của các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Bắc Ái, đến nay, đã có hàng trăm hộ đồng bào DTTS được đào tạo, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò hướng thịt. Nhiều hộ dân đã phát triển đàn bò hàng chục con với số vốn hàng trăm triệu đồng, tạo ra nguồn thu nhập ổn định.

Đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp

Cùng với việc tăng cường xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tại vùng DTTS và miền núi, tỉnh Ninh Thuận đã đẩy mạnh việc hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị tại các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Bác Ái...

Bên cạnh đó, các địa phương hình thành nhiều mô hình liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm cừu, dê, bò, heo đen, gà bản địa với cơ sở giết mổ. Các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất, chế biến tiêu thụ được 15 sản phẩm gắn với Chương trình OCOP trên địa bàn, chuỗi giá trị này được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao.

Đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng được 31 “cánh đồng lớn” trồng lúa, nho, măng tây, hành tím, ngô giống… với tổng diện tích khoảng 4.242ha.
Đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng được 31 “cánh đồng lớn” trồng lúa, nho, măng tây, hành tím, ngô giống… với tổng diện tích khoảng 4.242ha

Qua đánh giá, tham gia vào chuỗi liên kết, người dân không chỉ được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn mà giá trị thu được của các mô hình liên kết cũng cao hơn từ 15-20% so với sản xuất truyền thống, hạn chế được tình trạng được mùa, mất giá.

Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, từ nhiều năm qua, Ninh Thuận đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nông thôn và có các chính sách thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; thúc đẩy liên kết sản xuất, đổi mới công nghệ. Từ đó, đóng góp tích cực vào việc phát triển các mô hình sản xuất lớn, các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân, từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Có thể khẳng định, các mô hình sản xuất nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận triển khai trong thời gian qua đã và đang góp phần gia tăng giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đời sống đồng bào DTTS từng bước được nâng cao, nhiều hộ đồng bào DTTS thoát nghèo và vươn lên làm giàu, có điều kiện hỗ trợ các hộ DTTS còn khó khăn cùng phát triển kinh tế.

Đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng được 31 “cánh đồng lớn” trồng lúa, nho, măng tây, hành tím, ngô giống… với tổng diện tích khoảng 4.242ha. Đồng thời, thực hiện 57 liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị (43 liên kết thông qua hợp tác xã và 14 liên kết do doanh nghiệp liên kết trực tiếp với nông dân) sản xuất lúa, bắp giống, nho, măng tây xanh, nha đam, tỏi, kiệu, ớt, hành tím, chanh không hạt, đậu xanh, điều, mía đường, mỳ với tổng diện tích 14.267ha.

Tin cùng chuyên mục
Sơn La: Tạo đột phá để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị

Sơn La: Tạo đột phá để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị

Sơn La là tỉnh có thế mạnh về sản xuất lâm nghiệp, trong đó có một số vùng có tiềm năng phát triển dược liệu. Thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh đang tập trung hỗ trợ người dân phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng, tạo đột phá để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.