Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Nỗ lực chuyển hóa “điểm nóng” ma túy

Lê Hường - 20:17, 10/09/2024

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy nên tình hình ma túy trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt là ở vùng đồng bào DTTS, nhiều địa bàn từng là “điểm nóng”, nay đã ra khỏi danh sách xã trọng điểm, phức tạp về tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy.

Công an huyện Ea H’leo tuyên truyền cho thanh niên về tác hại của ma túy
Công an huyện Ea H’leo tuyên truyền cho thanh niên về tác hại của ma túy

Đồng bộ nhiều giải pháp

Thôn 9 và thôn 11 xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo chủ yếu dân tộc phía Bắc sinh sống. Nơi đây từng là "điểm nóng" về ma túy, gây mất an ninh trật tự. Trong suốt 5 năm qua, ngoài việc các lực lượng đã phát hiện, triệt phá và kịp thời ngăn chặn nhiều vụ việc mua bán, tàng trữ ma túy, thì các cấp chính quyền luôn chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến từng người dân thông qua các buổi họp thôn, qua loa phát thanh, băng rôn và tuyên truyền trên mạng xã hội...; các hội, đoàn thể và ban tự quản thôn còn xây dựng các mô hình “Gia đình không ma túy”; “Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình” và “Camera an ninh”.

Từ việc triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, cách làm phù hợp tình hình thực tế, tình hình an ninh trật tự đã có chuyển biến tích cực. Số người nghiện ma túy giảm, tội phạm ma túy được kiểm soát, các tệ nạn xã hội khác cũng được đẩy lùi dần.

Tương tự, trước tình trạng ma túy len lỏi vào cuộc sống của người dân, đặc biệt vùng đồng bào DTTS xã Ea Sol, huyện Ea H’leo, chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, triển khai hiệu quả kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy. Đến nay, trên địa bàn xã không còn tụ điểm mua bán, tàng trữ ma túy, 6 đối tượng nghiện đều đã đưa đi cai nghiện bắt buộc.

Để có được kết quả đó, năm 2017, xã Ea Sol đã triển khai dự án “Xây dựng xã không có tệ nạn ma túy” nhằm huy động các ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân tham gia. Công an xã là lực lượng nòng cốt, chủ động nắm tình hình, tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức các nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm và tệ nạn ma túy. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật giúp người dân hiểu về tội phạm và tệ nạn ma túy, đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh và đồng bào DTTS. Thực hiện chặt chẽ kiểm tra hành chính và giám sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà nghỉ, nhà trọ để ngăn chặn các hoạt động liên quan đến ma túy…

Lực lượng Công an phối hợp với các tổ chức, đoàn thể xã Cư Kbang, huyện Ea Súp đến nhà đối tượng buôn bán ma túy đang được tại ngoại vì nuôi con nhỏ để tuyên truyền
Lực lượng Công an phối hợp với các tổ chức, đoàn thể xã Cư Kbang, huyện Ea Súp đến nhà đối tượng buôn bán ma túy đang được tại ngoại vì nuôi con nhỏ để tuyên truyền

Thượng tá Phùng Minh Trí, Trưởng Công an huyện Ea H’leo nhấn mạnh, ngăn ngừa, đấu tranh, phòng, chống ma túy trong đồng bào DTTS là giải pháp then chốt và lâu dài, là công tác tuyên truyền. Hằng năm, lực lượng Công an huyện tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy cho thanh thiếu niên, quần chúng Nhân dân, đặc biệt là trường học, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào DTTS. Các bài viết về đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy cũng được đăng tải trên các trang mạng xã hội của huyện, của xã, giúp người dân nâng cao nhận thức.

 Cán bộ các ngành, đoàn thể xã Cư Kbang đến nhà dân tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao hiệu quả phòng chống ma túy
Cán bộ các ngành, đoàn thể xã Cư Kbang đến nhà dân tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao hiệu quả phòng chống ma túy

Chuyển biến tích cực

Xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk có 2.606 hộ, với 12.798 khẩu, trong đó tỷ lệ người đồng bào DTTS chiếm 98%, chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp. Mấy năm trước, nơi đây là “điểm nóng” về tình trạng mua bán, vận chuyển và sử dụng chất ma túy.

Năm 2019, lực lượng Công an chính quy được triển khai về xã, đã tập trung nắm bắt tình hình địa phương, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt kiềm chế tội phạm ma túy. Ngoài đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, lực lượng Công an còn phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội địa phương, tiến hành tuyên truyền pháp luật tại các buổi họp thôn và đến từng nhà dân. Qua đó, giúp người dân hiểu rõ tác hại của ma túy, ký cam kết không tham gia vào các hoạt động liên quan đến ma túy.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng, công tác phòng, chống ma túy ở đây đã có chuyển biến tích cực, “điểm nóng” về ma túy Cư Kbang đã hạ nhiệt. Năm 2023, xã Cư Kbang được Bộ Công an ban hành quyết định đưa ra khỏi danh sách xã trọng điểm, phức tạp về tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy.

Theo Trung tá Nguyễn Lưu Nguyên, Phó Trưởng Công an huyện Ea Súp, mặc dù Cư Kbang đã ra khỏi danh sách các xã trọng điểm về ma túy, nhưng cuộc chiến chống tội phạm ma túy vẫn chưa kết thúc. Tình hình tội phạm ma túy luôn có khả năng tái phát nếu không có sự cảnh giác, nỗ lực liên tục từ cộng đồng và cơ quan chức năng. Để duy trì thành quả đã đạt được và tiếp tục giảm thiểu tình trạng ma túy, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống ma túy.

Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đạt nhiều kết quả quan trọng. Số người nghiện ma túy đã giảm, từ hơn 1.500 người nghiện năm 2021, đến tháng 5/2024 còn 834 người. 

Ngoài ra, lực lượng Công an toàn tỉnh cũng nắm, quản lý 383 người sử dụng ma túy lần đầu và 280 người đi cai nghiện ma túy trở về. Đặc biệt, địa phương không có ma túy tăng nhanh, năm 2019 toàn tỉnh có hơn 20 xã, phường, thị trấn không có ma túy, đến hết năm 2023 tăng lên khoảng 40 xã, phường, thị trấn.

Tin cùng chuyên mục
Công ty Cổ phần Tấn Phát chậm chi tiền tài trợ, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ngọc Hồi bỗng dưng “mang nợ”

Công ty Cổ phần Tấn Phát chậm chi tiền tài trợ, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ngọc Hồi bỗng dưng “mang nợ”

Trong quá trình thi công Thủy điện Plei Kần, Công ty Cổ phần Tấn Phát cam kết tài trợ huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) 3 tỷ đồng để làm cầu treo qua sông Pô Kô phục vụ Nhân dân đi lại sản xuất. Tuy nhiên, cầu treo hoàn thành và đưa vào sử dụng đã gần 3 năm mà Công ty vẫn chưa chi đủ số tiền tài trợ. Việc này khiến cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Ngọc Hồi - đơn vị được UBND huyện giao làm chủ đầu tư, bỗng dưng “mang nợ”. Bởi chủ đầu tư không có tiền để thanh toán cho đơn vị thi công.