Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Nỗ lực giảm thiểu tình trạng tảo hôn ở Con Cuông: Những lời ru chưa tròn (Bài 1)

An Yên - 12:20, 07/10/2024

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn đang là vấn nạn ở huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An). Hàng chục trường hợp tảo hôn mỗi năm ở các bản làng không chỉ phản ánh một thực tế về nhận thức và suy nghĩ lạc hậu. Mà hệ lụy ấy còn mang đến bao câu chuyện buồn, xót xa về những đứa trẻ chưa kịp lớn đã vội vã lập gia đình, chưa kịp trưởng thành đã vội vã làm cha, làm mẹ…

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn đang là câu chuyện dai dẳng ở các bản làng huyện Con Cuông
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn đang là câu chuyện dai dẳng ở các bản làng huyện Con Cuông

Hàng chục vụ tảo hôn mỗi năm

Qua thông tin chúng tôi nắm được, các trường hợp tảo hôn ở Con Cuông chủ yếu rơi vào cộng đồng người Đan Lai và người Thái ở các xã Môn Sơn, Đôn Phục, Châu Khê... Trong số này, rất nhiều trường hợp tuổi đời còn quá trẻ. Như năm 2012 có trường hợp La Thị Tuyết ở xã Châu Khê, sinh năm 2010, tảo hôn khi mới 12 tuổi. Tiếp đó là La Thị Báo ở xã Châu Khê và Lô Thị Việt Hà ở xã Đôn Phục, sinh năm 2007 và tảo hôn khi mới 15 tuổi.

Mới đây nhất, vào tháng 2/2024, La Thị Nguyệt sinh năm 2009 ở bản Khe Búng, xã Môn Sơn, tảo hôn khi mới 15 tuổi. Thậm chí, trong tháng 8/2024 vừa qua, xã Môn Sơn có đến 2 trong 3 trường hợp tảo hôn khi mới 16 tuổi và đã mang bầu, là La Thị Mới, La Thị Nguyên, Lô Thị Khánh Vân.

Bác sỹ chuyên khoa 1, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Con Cuông Vi Thị Hương trầm buồn khi kể về những trường hợp tảo hôn trên địa bàn: Các cháu còn quá trẻ, thiếu hiểu biết, thiếu các kỹ năng cần thiết… để làm cha, làm mẹ.

Nhìn danh sách bà Hương cung cấp, chúng tôi không khỏi nhíu mày. Từ năm 2020 đến tháng 8/2024, toàn huyện đã có gần 130 trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Theo đó, năm 2020 có 1 trường hợp hôn nhân cận huyết và 30 trường hợp tảo hôn; năm 2021 có 30 trường hợp tảo hôn, năm 2022 có 25 trường hợp tảo hôn, năm 2023 có 22 trường hợp tảo hôn; 8 tháng đầu năm 2024 có 21 trường hợp tảo hôn.

Nhiều đứa trẻ ở các bản làng huyện Con Cuông đã không trở lại trường sau tết, đối mặt với nguy cơ tảo hôn và lập gia đình sớm - Trong ảnh: Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thạch Ngàn vận động học sinh trở lại trường sau tết
Nhiều đứa trẻ ở các bản làng huyện Con Cuông đã không trở lại trường sau Tết, đối mặt với nguy cơ tảo hôn và lập gia đình sớm (Trong ảnh: Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thạch Ngàn vận động học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết)

Chúng tôi đặt ra băn khoăn, có hay không con số thống kê chỉ là một phần nổi của thực tế. Anh Vi Văn Quyết, chuyên viên Phòng Dân tộc huyện Con Cuông đã chia sẻ: Nhiều trường hợp tảo hôn nhưng các gia đình tổ chức liên hoan, gặp mặt kín đáo nên chính quyền cũng rất khó phát hiện. 

Cùng chung ý kiến này, Phó Chủ tịch UBND xã Môn Sơn Ngân Văn Trường nói thêm: Rất khó để phát hiện các trường hợp tảo hôn, vì thường các trường hợp hầu như xảy ra vào thời gian nghỉ hè, các cháu đi làm ăn xa, quen nhau rồi yêu nhau và dẫn đến mang bầu. Khi về, gia đình 2 bên cũng không tổ chức cưới hỏi, không đăng ký kết hôn…

Đúng là như thế thật. Do lo ngại bị phạt, bị ngăn cấm… nên các gia đình đã không khai báo với cấp ủy, chính quyền địa phương. Việc tổ chức liên hoan, gặp mặt giữa hai bên cũng rất kín đáo, càng dẫn tới khó phát hiện để tuyên truyền ngăn chặn, cấm đoán, xử lý.

Biết bao điểu trăn trở

Tìm hiểu nguyên nhân vấn nạn tảo hôn ở các bản làng huyện Con Cuông, nhận thấy có rất nhiều vấn đề trăn trở. Đó là do ảnh hưởng của phong tục, tập quán lạc hậu, những hủ tục như hứa hôn; sự thiếu quan tâm quản lý, giáo dục con em của các bậc phụ huynh; nhất là các bậc phụ huynh do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn phải đi xa để làm ăn; trình độ dân trí và nhận thức pháp luật về hôn nhân và gia đình của người dân còn hạn chế; tư tưởng cho con có vợ, có chồng sớm để khỏi gánh nặng cha mẹ; sự can thiệp của chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn chưa mạnh mẽ, thiếu kiên quyết.

Bên cạnh đó, có một bộ phận không nhỏ trẻ vị thành niên có lối sống buông thả, đua đòi và yêu đương sớm dẫn đến có thai ngoài ý muốn của bản thân và gia đình; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương, trường học; giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản vị thành niên chưa được quan tâm đúng mức; công tác đăng ký kết hôn và quản lý hộ tịch, hộ khẩu còn gặp nhiều khó khăn; cán bộ cơ sở chưa kịp thời nắm chắc tình hình tảo hôn tại địa phương.

Trung bình mỗi năm huyện Con Cuông có đến hàng chục trường hợp tảo hôn đầy nhức nhối
Trung bình mỗi năm huyện Con Cuông có đến hàng chục trường hợp tảo hôn đầy nhức nhối

Trong số các nguyên nhân nêu trên, thì nguyên nhân tảo hôn chủ yếu là do các nữ thiếu niên có thai ngoài ý muốn, nên thường “thúc ép” gia đình phải tổ chức cưới, hỏi để có “danh phận” trong gia đình, họ hàng hai bên; không bị xấu hổ với bà con xóm làng là có “con hoang”... là ngoài ý muốn của cha, mẹ, gia đình và cộng đồng.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết đang gây ra nhiều hệ lụy đau lòng cho thế hệ trẻ. Đáng lo lắng là, phần lớn các trường hợp tảo hôn đều là tự nguyện. Những trường hợp bị ép buộc thường rất ít.

Hệ lụy từ tảo hôn đã dẫn đến việc học bị gián đoạn, cơ hội trở lại trường của các em rất khó khăn. Vì thế, đa phần các em phải chịu cảnh vất vả, khó nhọc của một cuộc hôn nhân chóng vánh và quá sớm. Gián đoạn việc học vì tảo hôn, nhiều em đã đi làm thuê khi chưa đủ tuổi, tiềm ẩn nhiều hệ lụy và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi khi không có hợp đồng lao động; hoặc không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật khi ký kết hợp đồng lao động.

Trưởng phòng Dân tộc huyện Con Cuông Lương Viết Tùng buồn bã chia sẻ: Tình trạng học sinh bỏ học có thể nhìn thấy vấn đề nhức nhối về lao động trẻ em và tảo hôn. Bỏ học lập gia đình khi chưa đủ tuổi kết hôn, những người trẻ đang đối mặt với tương lai mờ mịt, vất vả phía trước. Và cuộc sống khó khăn lặp lại như một vòng luẩn quẩn không có hồi kết thúc.

Tảo hôn là khi những đôi vợ chồng trẻ chưa đủ sức khỏe, chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm… làm cha, làm mẹ. Chính những yếu tố đang dần cướp mất cơ hội có một cuộc sống tốt đẹp, cướp đi cơ hội được học hành đầy đủ để có nhận thức đúng đắn hơn của những bạn trẻ…/. 

Tin cùng chuyên mục
Ban Chỉ đạo 202 Bộ Quốc phòng kiểm tra, giám sát các dự án thành phần trong Chương trình MTQG 1719 tại BĐBP tỉnh Sóc Trăng

Ban Chỉ đạo 202 Bộ Quốc phòng kiểm tra, giám sát các dự án thành phần trong Chương trình MTQG 1719 tại BĐBP tỉnh Sóc Trăng

Ngày 11/12, tại cơ quan Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sóc Trăng, Tổ công tác Ban Chỉ đạo 202 Bộ Quốc phòng do Đại tá Lê Thành Công - Trưởng phòng Kinh tế sự nghiệp Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các nội dung, dự án thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2022 - 2023 và tình hình triển khai nhiệm vụ năm 2024 - 2025 của đơn vị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sóc Trăng.
Đọc nhiều