Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Hoạch định chính sách từ kết quả điều tra thực trạng kinh tế hộ DTTS: Đẩy lùi hủ tục từ các giải pháp đa chiều (Bài 2)

Sỹ Hào - 08:59, 19/08/2024

Cũng như hai lần trước, cuộc điều tra năm 2024 sẽ thu thập thông tin về tình trạng hôn nhân của các hộ DTTS. Các thông tin điều tra, thu thập được xem là một trong những cơ sở để nghiên cứu, xây dựng chính sách để giải quyết một trong những vấn đề tồn tại dai dẳng trong các DTTS là tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, từ đó thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ở vùng DTTS và miền núi.

Hoạch định chính sách từ điều tra thực trạng kinh tế hộ DTTS: Thúc đẩy giải quyết vấn đề tảo hôn (Bài 2)
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện hiệu quả Đề án 489 và Tiểu dự án 2 – Dự án 9 của Chương trình MTQG 1719

Can thiệp từ chính sách

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là vấn đề xã hội tồn tại dai dẳng, gây những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em; làm suy giảm chất lượng dân số; ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững của vùng DTTS và miền núi.

Cuộc điều tra thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần đầu tiên (năm 2015) đã đưa ra kết quả, trong 210.197 người DTTS kết hôn trong năm 2014, thì có 55.894 người kết hôn khi chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình (tảo hôn), chiếm tỷ lệ 26,6%. Trong đó, có những dân tộc có tỷ lệ tảo hôn cao như: Mông (59,7%), Xinh Mun (56,3%), La Ha (52,8%), Rơ Măm, Brâu (50,0%)...

“Khó khăn về kinh tế là một yếu tố rõ ràng dẫn đến tảo hôn ở các DTTS. Hôn nhân được coi đồng nghĩa với việc mang lại an ninh về sinh kế. Các em gái DTTS sau khi kết hôn sẽ trở thành lao động chính trong gia đình nhà chồng và làm hầu hết công việc nội trợ, chăm sóc”.
Báo cáo rà soát 05 năm thực hiện Đề án 498 của UN Women tại Việt Nam và Vụ Dân tộc thiểu số.

Thông tin điều tra, thu thập được xem là một trong những cơ sở để nghiên cứu, xây dựng chính sách giải quyết tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS và miền núi.

Trước năm 2020, một số chương trình, đề án, dự án nhằm can thiệp giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS và miền núi đã được ban hành, triển khai; nổi bật trong đó là Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong khu vực DTTS giai đoạn 2015 - 2025”, được phê duyệt tại Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015 (Đề án 498).

Tuy nhiên, Đề án 498 được xây dựng, ban hành trước thời điểm có kết quả của cuộc điều tra thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ nhất (ngày 30/12/2015, Tổng cục Thống kê mới có báo cáo kết quả sơ bộ). Do đó, Đề án 498 chỉ đưa ra 05 nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện; chưa thể hiện rõ các hoạt động can thiệp nhằm giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng DTTS và miền núi. Hơn nữa, việc bố trí kinh phí để thực hiện Đề án 498 ở các địa phương bị thiếu hụt, bị động.

Kết quả rà soát 05 năm thực hiện Đề án 498 thể hiện rõ: Từ năm 2015 đến năm 2020, Thanh Hóa là tỉnh bố trí nguồn kinh phí cao nhất trong các địa phương để triển khai Đề án 498 (5,081 tỷ đồng); thấp nhất là tỉnh Quảng Ninh (188 triệu đồng), kế đó là An Giang (200 triệu đồng)... Đây là báo cáo rà soát được thực hiện bởi Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam và Vụ Dân tộc thiểu số - Ủy ban Dân tộc, xuất bản lần đầu năm 2020.

Hoạch định chính sách từ điều tra thực trạng kinh tế hộ DTTS: Thúc đẩy giải quyết vấn đề tảo hôn (Bài 2) 2
Ảnh minh họa

Sự can thiệp từ chính sách chưa đủ mạnh nên đến năm 2019, kết quả từ cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ hai cho thấy, mặc dù tình trạng tảo hôn đã giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao, cứ 10 người DTTS kết hôn thì có 2 người tảo hôn. Giai đoạn 2014 - 2018, bình quân mỗi năm giảm được 1% tỷ lệ tảo hôn, chưa đạt mục tiêu đề ra của Đề án 498 (giảm từ 2 - 3%/năm). Các dân tộc có tỷ lệ tảo hôn cao, dù đã giảm so với trước, nhưng vẫn ở mức cao: Mông (51,5%), Xinh Mun (44,8%),...

Tác động cụ thể hơn từ số liệu rõ ràng

Trong Báo cáo rà soát 05 năm thực hiện Đề án 498, do UN Women tại Việt Nam và Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) thực hiện có nêu rõ, một trong những nguyên nhân khiến các hoạt động giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa đạt mục tiêu là do “thiếu thông tin, số liệu phản ánh chính xác, có hệ thống về thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở các địa phương”.

Đây cũng là vấn đề được Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc đặc biệt lưu ý khi thực hiện cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS lần thứ hai – năm 2019. Trong lần điều tra này, để nhận diện rõ tình trạng tảo hôn, Điều tra viên không chỉ xác định độ tuổi kết hôn của toàn vùng và của các dân tộc mà còn thu thập thông tin về trình độ chuyên môn kỹ thuật của người DTTS tảo hôn.

Việc điều tra thông tin này là nhằm định hướng xây dựng, triển khai các chính sách nhằm nâng cao trình độ văn hoá, chuyên môn kỹ thuật cho đồng bào DTTS từ đó góp phần giảm thiểu các hủ tục trong vùng DTTS, trong đó có tình trạng tảo hôn.

Tiểu dự án 2 – Dự án 9 của Chương trình MTQG 1719 đặt mục tiêu: Giảm bình quân 2 - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3 - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, DTTS có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao; đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS và miền núi.

Từ kết quả điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS lần thứ hai - năm 2019, để đạt được kết quả cao hơn trong thực hiện Đề án 498, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ tích hợp nội dung của Đề án thành một tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTSvà miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Tiểu dự án 2 – Dự án 9).

Đặc biệt, từ những số liệu cụ thể của cuộc điều tra năm 2019, Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê đã tiến hành phân tích các nguyên nhân để đề ra các giải pháp chính sách can thiệp để giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: 2021 - 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719) đã quy định rõ các nội dung hoạt động và các đối tượng áp dụng triển khai Tiểu dự án 2 - Dự án 9; kinh phí thực hiện cũng được bố trí cho cả giai đoạn 2021 - 2020 (hơn 727,7 tỷ đồng).

Triển khai Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9 nhiều địa phương đã có cách làm rất đa dạng, hiệu quả, qua đó góp phần giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đơn cử tại Lào Cai, năm 2023, còn 112 người chưa đủ tuổi kết hôn sống chung với nhau, giảm hơn 30% so với năm 2022. Còn tại huyện Đồng Văn của tỉnh Hà Giang - địa phương có trên 97% dân số là đồng bào DTTS, trong đó dân tộc Mông chiếm 87%, nếu như ở giai đoạn 2018 - 2021, trên địa bàn huyện xảy ra 738 vụ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thì đến giai đoạn 2021 - 2023, toàn huyện giảm xuống còn 237 vụ...

Xây dựng các giải pháp can thiệp đa chiều

Tại thời điểm này, Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc đang triển khai điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ ba - năm 2024. Cuộc điều tra bắt đầu từ ngày 1/7 và kết thúc ngày 15/8, trên phạm vi 54 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Kết quả điều tra sẽ đưa ra những chứng cứ chính xác để đánh giá những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, tồn tại sau 10 năm triển khai Đề án 498; 05 năm thực hiện Tiểu dự án 2 - Dự án 9 của Chương trình MTQG 1719.

Sau đó các bên liên quan sẽ tiến hành phân tích các số liệu, thông tin thu thập được, từ đó tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách phù hợp để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS và miền núi cho giai đoạn 2026 - 2030.

Cũng cần xác định rằng, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS đã tồn tại từ rất lâu đời, là tập tục đã ăn sâu vào lối sống và quan niệm hôn nhân của mỗi cá nhân, cộng đồng. Việc xóa bỏ tảo hôn là công việc rất khó khăn, đòi hỏi phải có cách tiếp cận toàn diện và hệ thống giải pháp đồng bộ và kiên trì thực hiện.

Hoạch định chính sách từ điều tra thực trạng kinh tế hộ DTTS: Thúc đẩy giải quyết vấn đề tảo hôn (Bài 2) 3
Cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ ba – năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung, đối với việc thực hiện mục tiêu giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng DTTS và miền núi nói riêng. (Trong ảnh: Điều tra viên thu thập thông tin tại hộ dân xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn ngày 01/7/2024)

Các chuyên gia, thời gian tới cần đặt vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong bối cảnh rộng lớn và đa chiều hơn. Trong đó, cần tiếp tục nghiên cứu toàn diện và sâu sắc hơn về tình hình, nguyên nhân của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở từng cộng đồng, từng nhóm dân tộc, từng địa phương (nghiên cứu, lập bản đồ và đánh giá), làm căn cứ cho đề xuất các chiến lược, giải pháp can thiệp, ứng phó phù hợp; kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng để có thể xác định chính xác những nguyên nhân của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống ở các cộng đồng, các địa phương khác nhau.

Để thực hiện được những giải pháp này, thì cần có những số liệu, thông tin chính xác. Vì vậy, cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ ba - năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung, đối với việc thực hiện mục tiêu giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng DTTS và miền núi nói riêng.

Kết quả điều tra năm 2024 sẽ tác động đến việc triển khai Tiểu dự án 2 – Dự án 9 của Chương trình MTQG 1719. Từ thông tin thu thập được, các cơ quan, đơn vị thực hiện sẽ phân tích nhu cầu của nhóm đối tượng nam và nữ trong cộng đồng DTTS trước khi triển khai xây dựng kế hoạch, nội dung, phương pháp, công cụ, tài liệu tập huấn và truyền thông về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS; biên soạn tài liệu truyền thông đơn giản, dễ hiểu, trọng tâm và phù hợp với trình độ của cán bộ và người dân vùng DTTS; đồng thời có những hoạt động, hình thức tuyên truyền đặc thù, gắn với những tình huống phát sinh trong đời sống hằng ngày, phù hợp với tập quán, văn hóa của đồng bào các DTTS.