Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Nỗ lực học tập để xây dựng quê hương...

Tuấn Trình - Hiếu Anh - 14:31, 29/10/2019

Hoàng Thanh Tùng (dân tộc Tày) và Lê Quốc Mạnh (dân tộc Lô Lô) hiện là sinh viên năm thứ nhất của các trường Đại học lớn tại Thủ đô Hà Nội. Với thành tích học tập nổi bật của mình, cả hai sẽ được vinh danh tại Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu lần thứ VII năm 2019 tới đây tại thủ đô Hà Nội...

Hoàng Thanh Tùng (bên trái) đoạt giải Nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Bắc.
Hoàng Thanh Tùng (bên trái) đoạt giải Nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Bắc.

Mơ ước trở thành nhà sáng chế 

Sinh ra trong gia đình người dân tộc Tày thuần nông ở thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình (Hà Giang), em Hoàng Thanh Tùng có niềm đam mê đặc biệt với các thiết bị điện tử ngay từ nhỏ. 

Tùng kể, từ những ngày còn học tiểu học, em đã thích mày mò sửa chữa các đồ điện trong nhà như tivi, quạt… hay tự sáng tạo ra những vật dụng chạy bằng động cơ. Khi học lên THCS, trong một lần máy vi tính của thầy giáo bị hỏng, Tùng đã mạnh dạn xin thầy cho sửa. Kết quả là chiếc máy vi tính đã hoạt động trở lại. Phát hiện ra năng khiếu của Tùng, thầy giáo đã động viên, khích lệ em theo đuổi đam mê. 

Sản phẩm đầu tiên Tùng sáng chế là thiết bị tự động bật đèn khi trời tối, tắt đèn khi trời sáng vào năm lớp 6. Tuy nhiên, để làm được sản phẩm này, Tùng đã gặp khó khăn khi không có tiền mua đồ. “Bố mẹ không có điều kiện nên em đã đi làm thêm bằng việc sửa chữa điện dân dụng cho các gia đình khác để lấy tiền mua các vật dụng cần thiết để làm” , Tùng chia sẻ. 

Giữ niềm đam mê ấy, khi học lên THPT, Tùng đã phát huy được thế mạnh của mình khi 3 năm liên tiếp em đều tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Bắc.

Với sản phẩm Robot do thám chất lượng không khí, Hoàng Thanh Tùng đã giành được giải Nhì của cuộc thi. Kết quả này đã giúp em được tuyển thẳng vào Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. 

Chia sẻ về sáng chế này, Tùng nói “Em rất mong sản phẩm của mình sẽ được áp dụng vào thực tế. Robot do thám chất lượng không khí giống như một trạm khí tượng có thể điều khiển ở bất cứ đâu, có khả năng đọc được chất lượng không khí, nồng độ bụi trong không khí” . 

 Hiện nay, Hoàng Thanh Tùng đang là sinh viên năm thứ nhất của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Tại đây, Tùng được thỏa sức sáng tạo, học hỏi đề từng ngày biến ước mơ trở thành một nhà sáng chế trong tương lai.

Lê Quốc Mạnh (ngoài cùng bên phải) là một thành viên không thể thiếu của đội bóng của trường.
Lê Quốc Mạnh (ngoài cùng bên phải) là một thành viên không thể thiếu của đội bóng của trường.

Chàng thanh niên Lô Lô đa tài 

Trò chuyện với chúng tôi, chàng thanh niên dân tộc Lô Lô (SN 2001 ở Điện Biên) tỏ ra tự tin, bản lĩnh và giàu lòng tự hào dân tộc. Mạnh cho biết, ông nội em vốn là chiến sĩ Điện Biên, từng kinh qua những cuộc chiến ác liệt của dân tộc. Hòa bình lập lại, ông lập gia đình với bà là người dân tộc Lô Lô ở vùng biên cương Dào San, huyện Phong Thổ (Lai Châu). 

Suốt những năm tháng tuổi thơ, Mạnh vẫn thường được bà kể về văn hóa, truyền thống của dân tộc Lô Lô. Những câu chuyện, điệu hát, bộ trang phục rực rỡ sắc màu bà mặc trong mỗi dịp lễ đã in hằn trong tâm trí em, trở thành động lực giúp em vững bước trong cuộc sống. Chính mạch nguồn văn hóa sâu sắc đó đã giúp em thêm yêu, tự hào và luôn quyết tâm học tập để đạt được những tri thức vững vàng. Suốt 12 năm học phổ thông, em đã 10 lần đạt danh hiệu học sinh giỏi, 2 lần đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Năm 2019, Lê Quốc Mạnh xuất sắc thi đậu vào khoa Luật Kinh tế của Trường Đại học Luật Hà Nội. 

Không chỉ là học sinh giỏi, Lê Quốc Mạnh còn là chàng thanh niên đa tài. Năm 2017, em vinh dự tham gia cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh. Với vốn tiếng Anh lưu loát, khi về học tại Thủ đô, Mạnh luôn tự tin giao tiếp với các bạn bè quốc tế. 

Bên cạnh việc học tập, chàng thanh niên dân tộc rất ít người cũng năng động tham gia các hoạt động ngoại khóa. Em từng đạt giải Ba Cuộc thi viết thơ văn về phụ nữ nhân ngày 20/10, giải Ba Cuộc thi tìm kiếm tài năng trường THPT Lương Thế Vinh, TP . Điện Biên Phủ. Lê Quốc Mạnh còn là một cầu thủ quan trọng trong đội bóng của trường THPT trong mỗi dịp thi đấu giao lưu. 

Không chỉ học ở trường lớp, em còn tích cực tìm tòi học hỏi trên mạng xã hội. Vì vậy, Mạnh say sưa kể với chúng tôi về cây đàn Ukulele (loại đàn ghita có 4 dây). Cây đàn đặc biệt này đã thu hút em ngay từ cái nhìn đầu tiên, vì thế em tự học trên mạng và chơi khá thuần thục. Vào Chủ Nhật đầu tháng 10 vừa qua, em cùng nhiều bạn bè quê Điện Biên tự tin biểu diễn ngay trên phố đi bộ Bờ Hồ, Hà Nội nơi có đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế. Sự hòa âm này cũng chính là sự hòa nhập của chàng thanh niên dân tộc rất ít người trong thời đại 4.0, thời đại toàn cầu hóa. 

Nói về ước mơ của mình, Lê Quốc Mạnh tâm sự, em mong sau khi học xong đại học được trở về quê hương phục vụ người dân, nhất là với cộng đồng dân tộc rất ít người. Em hy vọng với những kiến thức học được sẽ giúp đỡ đồng bào DTTS về mặt pháp lý, giúp họ yên tâm phát triển kinh tế - xã hội.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.