Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Tiếp tục khẳng định mình sau khi rời bục tuyên dương

Hồng Minh - Thúy Hồng - 09:49, 15/10/2019

Được vinh danh tại Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số (DTTS) tiêu biểu, xuất sắc năm 2018, em Lý Cố Hoa, dân tộc Si La ở bản Seo Hai, xã Can Hồ, huyện Mường Tè (Lai Châu) và Tráng Seo Ché, dân tộc Mông, quê ở bản Mo 1, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên (Lào Cai) là hai trong số những gương mặt sinh viên đã được tuyên dương đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu để thực hiện được ước mơ của mình.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho các em học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu trong đêm Gala tại Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu năm 2018. Ảnh: TL
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho các em học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu trong đêm Gala tại Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu năm 2018. Ảnh: TL

Lý Cố Hoa - Nữ sinh Si La vượt khó học giỏi

Thấu hiểu sự vất vả và những khó khăn của bố mẹ, không phụ lòng gia đình em Lý Cố Hoa luôn cố gắng nuôi ước mơ được học tập và rồi em đã “vượt dòng Đà Giang hùng vĩ” thi đỗ vào Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung, chuyên ngành Du lịch.

“Nơi em sinh ra có dòng Đà Giang hùng vĩ rất đẹp, nhưng vẫn còn nghèo lắm, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, đường sá hay bị sạt lở, người dân bản em dân trí vẫn còn thấp. Gia đình em có ba chị em, bố mẹ là nông dân, gia đình thuộc diện hộ nghèo vì vậy em cũng chẳng có điều kiện được đầu tư như các bạn dưới xuôi”, Hoa tâm sự.

Dù khó khăn là thế, nhưng em luôn có một sự lạc quan, vui vẻ và tràn đầy quyết tâm thay đổi cuộc đời bằng con đường tri thức. Khi học THCS, Hoa bắt đầu cuộc sống xa nhà vì phải học nội trú. Hoa kể, đi học nội trú vất vả lắm, nhiều khi nhớ gia đình nhưng vì ở cách xa nhà quá mà chi phí đi lại và thời gian học tập cũng nhiều… Em chỉ về thăm gia đình vào dịp lễ, tết hay những lúc được nghỉ dài ngày để tiết kiệm chi phí.

Em Lý Cố Hoa rèn luyện bản thân, trau dồi kiến thức để thực hiện ước mơ của mình
Em Lý Cố Hoa rèn luyện bản thân, trau dồi kiến thức để thực hiện ước mơ của mình

Những ngày tháng học nội trú sống tự lập cũng là những ngày tháng rèn luyện bản thân tốt nhất đối với Lý Cố Hoa về các kỹ năng thích nghi với cuộc sống. Giờ đây, cô bạn từ miền núi xa xôi nay đã thành sinh viên năm thứ hai tự tin, năng động.

Để có tiền chi trả cho việc sinh hoạt học tập của mình, Lý Cố Hoa còn tranh thủ làm thêm ngoài giờ. Hoa chia sẻ: “Em chỉ đi làm thêm khi không phải tới lớp học, việc quan trọng nhất vẫn là học tập để sau này còn làm được công việc yêu thích của mình”.

Tâm sự về ước mơ của mình, Hoa nói sau khi học xong với kiến thức được học về ngành Du lịch, em sẽ trở về quê hương để giới thiệu cho bạn bè nhiều hơn về du lịch của tỉnh Lai Châu. Tỉnh Lai Châu có rất nhiều cảnh đẹp được thiên nhiên ban tặng, ngay tại quê em có nhiều di tích lịch sử, khí hậu ôn hòa đã là một lợi thế để làm du lịch cộng đồng. Nhưng vì người dân còn thiếu kinh nghiệm nên chưa biết khai thác những tiềm năng đó. Nếu du lịch phát triển sẽ giúp cuộc sống của người dân đỡ nghèo khó hơn, trẻ em sẽ được quan tâm, đầu tư để học tập hơn.

Tráng Seo Ché - Niềm tự hào của dòng họ

Tráng Seo Ché là một trong 166 em được vinh danh tại Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2018. Với thành tích tốt nghiệp xuất sắc thủ khoa đầu ra, Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì (Phú Thọ), ngay tại đêm Giao lưu “Kết nối - Hội tụ - Lan tỏa”, Tráng Seo Ché đã được Công ty Cổ phần Nano Phạm Gia nhận vào làm việc.

Tráng Seo Ché tại Lễ Tuyên dương học sinh,sinh viên DTTS xuất sắc năm 2018
Tráng Seo Ché tại Lễ Tuyên dương học sinh,sinh viên DTTS xuất sắc năm 2018

Sinh ra và lớn lên ở bản Mo 1, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên (Lào Cai), Tráng Seo Ché là con thứ hai trong gia đình có 5 người con. Hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bố mẹ em ở nhà làm ruộng, chỉ biết đi nương phát rẫy hoặc làm thuê làm mướn. Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của bố mẹ, ngay từ nhỏ Tráng Seo Ché đã có ý thức vượt khó, vươn lên trong học tập.

Đạt thành tích tốt trong học tập, năm lên lớp 6, Ché được đi học tại trường DTNT của huyện, điều này cũng đồng nghĩa phải xa bố mẹ, anh chị em để đi học. Chia sẻ về những ngày tháng phải đi học, xa gia đình, Ché bồi hồi nhớ lại: Những ngày đầu xa nhà, có lần nhớ bố mẹ quá, đến chiều tan học, em đã đi bộ về nhà với quãng đường hơn 20km. Về tới nhà đã gần 10 giờ đêm, em mở cửa, leo lên giường ngủ cạnh mẹ, mẹ tỉnh giấc giật mình ôm em, cả hai mẹ con đều khóc…

Từ năm học lớp 8 đến lớp 12, Tráng Seo Ché đều phấn đấu liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi, đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi học sinh giỏi và thi đỗ vào Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì (Phú Thọ).

Sau 4 năm học tập bằng sự cố gắng nỗ lực trong học tập, Tráng Seo Ché đã tốt nghiệp xuất sắc thủ khoa đầu ra, Khoa Công nghệ Thông tin, được vinh danh tại Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số (DTTS) xuất sắc, tiêu biểu năm 2018 do Ủy ban Dân tộc tổ chức. Những cố gắng nỗ lực của em đã được đền đáp xứng đáng, được Công ty Cổ phần Nano Phạm Gia tại TP. Hồ Chí Minh nhận vào làm việc ngay tại đêm Giao lưu “Kết nối - Hội tụ - Lan tỏa” của Lễ Tuyên dương.

Chia sẻ về cảm xúc tại Lễ Tuyên dương năm 2018, Tráng Seo Ché cho biết: “Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS năm 2018 thực sự rất ý nghĩa, là niềm vinh dự và tự hào cho học sinh, sinh viên DTTS như chúng em. Với riêng em đã mở ra một trang mới trong cuộc đời, giúp một sinh viên mới ra trường như em có được một công việt tốt. Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS góp phần động viên, khuyến khích con em các DTTS có thêm động lực để tiếp tục nỗ lực phấn đấu học tập, để xây dựng quê hương, bản làng vùng cao ngày một giàu đẹp”.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

Với mong muốn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, các trường học ở miền núi Quảng Ngãi đã mở lớp đào tạo hát múa dân ca, đánh chiêng… trong học đường. Điều này vừa tạo sự thích thú cho học sinh, vừa góp phần gìn giữ văn hoá truyền thống.