Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Nỗ lực kéo giảm tảo hôn ở Phước Sơn (Quảng Nam): Lan tỏa những cách làm hay (Bài 3)

T.Nhân – H.Trường - 10:06, 19/11/2024

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn, trong thời gian qua, huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã linh hoạt lồng ghép và lan tỏa nhiều hình thức tuyên truyền, vận động và bước đầu đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Đến nay, trên địa bàn huyện không còn trường hợp hôn nhân cận huyết thống, tỷ lệ tảo hôn giảm mạnh, còn 17 trường hợp.

Câu lạc bộ dạy kỹ năng sống tại Trường Phổ thông DTNT Phước Sơn trang bị cho học sinh nhiều kiến thức về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Câu lạc bộ dạy kỹ năng sống tại Trường Phổ thông DTNT Phước Sơn trang bị cho học sinh nhiều kiến thức về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Với mục tiêu đến cuối năm 2025, cơ bản đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, huyện Phước Sơn đã nỗ lực các triển khai các giải pháp tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật đến với người dân. 

Hiện nay, Phòng Dân tộc huyện đang phối hợp với các địa phương trên địa bàn, đẩy mạnh thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 9 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS và miền núi.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, Phòng Dân tộc huyện Phước Sơn đã tổ chức 12 hội nghị tập huấn về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho gần 1.300 người ở 12 xã, thị trấn tham dự. Các nội dung được tuyên truyền tại các hội nghị chủ yếu nói về hẹ lụy của tảo hôn; các nhóm đối tượng dễ rơi vào tảo hôn, như: Học sinh, thanh thiếu niên; tâm lý vị thành niên; và các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng này trong thời gian tới.

 Xen kẽ trong đó, Phòng Dân tộc cũng phổ biến kiến thức về bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, đồng thời cấp phát hàng ngàn tờ rơi, sổ tay về kiến thức phòng chống tảo hôn cho người dân.

Bên cạnh đó, Phòng Dân tộc huyện cũng phối hợp với các địa phương thành lập các Câu lạc bộ phòng chống tảo hôn tại các thôn, xã. Hiện nay, nhiều mô hình Câu lạc bộ xóa bỏ tập tục tảo hôn được duy trì, như: Phước Mỹ, Phước Chánh… Trong thời gian qua, các Câu lạc bộ này đã phát huy khá tốt vai trò của mình, mỗi thành viên trong câu lạc bộ được tập huấn, phổ biến kiến thức thường xuyên giúp cho việc tuyên truyền được thuận lợi, hiệu quả.

Lực lượng cán bộ thôn, già làng, Người có uy tín ở địa phương cũng phát huy tốt vai trò của mình trong việc phối hợp cùng lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động người dân phòng chống tảo hôn. Đơn cử như, ông Hồ Văn Lắm (xã Phước Mỹ) đã có nhiều năm góp sức cùng địa phương tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho cộng đồng khu dân cư.

“Trước đây, tình trạng tảo hôn trên địa bàn cũng phức tạp lắm, nhưng gần đây đã giảm đi nhiều. Ngoài việc tuyên truyền các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước đến với người dân, chúng tôi cũng tích cực vận động, tuyên truyền các bậc phụ huynh chú ý đến con cái mình, để không dính phải tảo hôn. Lực lượng Người có uy tín chúng tôi cũng thường được tập huấn, cập nhật kiến thức về phòng chống tảo hôn, để từ đó vận dụng tuyên truyền ”, ông Lắm cho biết.

Xác định thanh, thiếu niên là đối tượng liên quan trực tiếp đến vấn đề tảo hôn, trong những năm qua, các ngành chức năng huyện Phước Sơn đã tăng cường phối hợp với các trường học để tuyên truyền phổ biến pháp luật, tuyên truyền phòng chống tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đến với các em. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh tảo hôn và bỏ học trong những năm gần đây giảm đáng kể.

Thầy Nguyễn Đức An, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Phước Sơn, cho biết: Trong những năm qua, Nhà trường phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của huyện trong việc vận động, tuyên truyền các em học sinh trong trường về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nhà trường cũng thành lập nhiều câu lạc bộ để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, trong đó nổi bật là Câu lạc bộ Nữ sinh mở đường đến tương lai và Tổ tư vấn tâm lý kỹ năng sống.

Phòng Dân tộc huyện Phước Sơn phối hợp với trường học tổ chức Hội thi rung chuông vàng với chủ đề “nói không với tảo hôn”.
Phòng Dân tộc huyện Phước Sơn phối hợp với trường học tổ chức Hội thi Rung chuông vàng, với chủ đề “nói không với tảo hôn” thu hút đông đảo học sinh tham gia

“Năm 2024, không xảy ra tình trạng học sinh trong trường tảo hôn. Trong năm 2023, có 2 học sinh tảo hôn trong thời gian nghỉ hè. Nhà trường đã tăng cường công tác vận động để các em trở lại trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vì có lúc vận động nhiều lần nhưng một số em trong các năm trước vẫn nghỉ học. Hiện nay, Nhà trường tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống tảo hôn cho các em ở các giờ ngoại khóa”, thầy An chia sẻ.

Cũng theo thầy An, trong năm 2023, trường phối hợp với Phòng Dân tộc huyện Phước Sơn tổ chức Chương trình rung chuông vàng, chủ đề “nói không với tảo hôn” với sự tham gia của 100 học sinh. Các nội dung trong cuộc thi liên quan đến Luật Hôn nhân và Gia đình; hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; hậu quả của quan hệ tình dục khi chưa đủ tuổi; một số quy định về bình đẳng giới; kế hoạch hóa gia đình…

 Qua những phần thi thú vị, học sinh không những được vui chơi thoải mái sau giờ học căng thẳng, mà còn được trang bị về kiến thức pháp luật và cách phòng chống tảo hôn.

Cô Hoàng Thị Quỳnh Ly, Tổ trưởng Tổ tư vấn tâm lý kỹ năng sống, chia sẻ: Tổ tư vấn được thành lập năm 2019, đến nay có 14 thành viên, phần lớn là giáo viên chủ nhiệm các lớp. Trong những năm qua, thông qua các hoạt động của Tổ, các thầy cô đã giúp trang bị kỹ năng sống cho các em ngoài giờ học chính khóa.

 “Không chỉ giúp các em mạnh dạn hơn với những kỹ năng sống, các thầy cô còn giúp các em học sinh nâng cao kiến thức về phòng chống tảo hôn, bình đẳng giới, tâm lý vị thành niên… Các học sinh ngày càng nâng cao nhận thức, trở thành những tuyên truyền viên đối với gia đình, cộng đồng đang sinh sống”, cô Ly chia sẻ thêm.

Ông A Lăng Ngọc, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Phước Sơn, cho biết: Trong thời qua, phòng đã phối hợp với UBND các xã tổ chức 16 Hội nghị tập huấn tuyên truyền về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, Phòng cũng đã xây dựng Kế hoạch liên ngành với Phòng Giáo dục, Huyện Đoàn, Trung tâm y tế huyện, Trường THPT Khâm Đức và Trường PTDTNT THCS và THPT huyện, tổ chức 13 hội thi Rung chuông vàng cho đối tượng là học sinh trong độ tuổi vị thành niên, để tuyên truyên, giáo dục, nâng cao nhận thức.

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, trình độ nhận thức của người dân về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ngày càng được nâng cao. Bên cạnh việc tổ chức các hội nghị tập huấn, duy trì các câu lạc bộ phòng chống tảo hôn ở các xã; trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, huy động sự đồng bào của mọi tầng lớp Nhân dân để công tác phòng chống tảo hôn đạt được nhiều kết quả tốt, phấn đấu đến năm 2025, Phước Sơn cơ bản đẩy lùi được nạn tảo hôn.

 Phòng Dân tộc huyện Phước Sơn tăng cường công tác tuyên truyền, phòng chống TH&HNCHT.
Phòng Dân tộc huyện Phước Sơn tổ chức nhiều hội nghị thông tin, tuyên truyền về phòng chống TH&HNCHT.

Hiện nay, huyện Phước Sơn đang nỗ lực triển khai Tiểu dự án 2, Dự án 9 Chương trình MTQG 1719 để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về phòng chống tảo hôn. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò của lực lượng già làng, Người có uy tín, cán bộ thôn cùng chung tay tuyên truyền đến người dân. 

"Thời gian tới, bên cạnh các biện pháp tuyên truyền đang thực hiện, chúng tôi sẽ triển khai thêm bằng các hình thức tuyên truyền như sân khấu hóa, các hội thi như rung chuông vàng về phòng chống tảo hôn. Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống, tình trạng tảo hôn sẽ sớm chấm dứt”, ông A Lăng Ngọc,  Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Phước Sơn chia sẻ thêm.