Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nỗi buồn của người trồng tỏi Lý Sơn

PV - 16:10, 22/03/2019

Thời điểm này, người dân trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang bước vào vụ thu hoạch tỏi. Đáng lý ra họ phải vui vì sau bao ngày vất vả chăm sóc giờ là lúc tận hưởng thành quả. Ấy vậy mà ai cũng buồn, bởi những đám tỏi gần như mất trắng. Chiều muộn, mặt trời đã khuất núi nhưng trên cánh đồng tỏi bao la, nhiều nông dân vẫn nán lại nhặt nhạnh những gì có thể, mong vớt lại chút vốn liếng mà nước mắt cứ chảy dài.

Nông dân Lý Sơn lao đao vì năm nay tỏi mất mùa. Nông dân Lý Sơn lao đao vì năm nay tỏi mất mùa.

Chúng tôi ra Lý Sơn đúng vào mùa thu hoạch tỏi, gặp anh Phan Văn Lý, ở thôn Đông, xã An Vĩnh đang lúi húi thu gom những nhánh tỏi thưa thớt trên đồng, anh than thở: “Vụ này, tôi trồng gần 10 sào tỏi, trong đó có 9 sào là đất thuê. Nếu như mọi năm thì anh thu được hơn 5 tấn tỏi tươi trong một vụ, còn năm nay thì chưa được phân nửa, do thời tiết nắng nóng, tỏi bị sâu bệnh”.

Không những mất mùa mà giá cả cũng rất bấp bênh, người nông dân không thể chủ động được giá bán, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường. Ví như cách đây dăm ba tháng, nông dân Lý Sơn một phen lao đao khi giá tỏi khô hạ xuống chỉ còn 20-30 nghìn đồng/kg, thay vì cả trăm nghìn đồng mỗi kg vào thời điểm được giá. Xót lắm, nhưng họ đành phải “bán tháo, bán đổ” vì nếu tiếp tục giữ lại, tỏi sẽ mọc mộng thì chỉ có đổ đi.

Người dân Lý Sơn không chỉ buồn vì mất mùa, rớt giá mà giờ đây còn buồn vì tỏi Lý Sơn bị nhái thương hiệu. Theo ông Võ Thôn, một người gắn bó gần trọn cuộc đời với cây tỏi trên đảo Lý Sơn thì “chăm sóc cây tỏi đã vất vả, lo mất mùa, giờ thêm lo chuyện tỏi nơi khác trà trộn vào, giả danh tỏi Lý Sơn”.

Quả thực, ai ra Lý Sơn khi về cũng mua một ít tỏi nhưng cũng không ít người mua nhầm vì tỏi nơi khác trộn vào. Theo ông Nguyễn Dự, Bí thư Đảng ủy xã An Vĩnh, vì lợi ích kinh tế, một số người đã đưa tỏi ở những nơi khác ra Lý Sơn để tiêu thụ với danh nghĩa tỏi Lý Sơn. Ngay cả trên đất liền, nhiều nơi bày bán tỏi ở những nơi khác nhưng vẫn bảo rằng, đó là tỏi Lý Sơn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu tỏi Lý Sơn mà chưa có cách nào để xử lý.

Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm cho biết: Toàn huyện có hơn 300ha trồng tỏi, mỗi năm thu hoạch khoảng 1.800 tấn. Chừng ấy tỏi không đủ để đáp ứng nhu cầu mua làm quà biếu của khách thăm quan, chứ chưa nói đến vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.

Cũng theo bà Hương, trong khi tỏi Lý Sơn có giá 40-50 nghìn đồng/kg thì tỏi ở những nơi khác có giá chỉ mười mấy nghìn; tỏi cô đơn Lý Sơn giá có 1-1,2 triệu đồng/kg thì tỏi ở nơi khác chỉ vài trăm nghìn đồng. Rất khó để xử phạt người dân khi họ mang tỏi ở nơi khác về Lý Sơn. Giải pháp để giữ thương hiệu tỏi Lý Sơn chủ yếu là tuyên truyền cho thương lái và người dân không trà trộn, vận chuyển tỏi ở nơi khác về Lý Sơn. “Hiện nay, huyện đã hợp đồng với một đơn vị tư vấn để hoàn thiện hồ sơ liên quan đến chỉ dẫn địa lý, đây là giải pháp bền vững trong việc giữ thương hiệu cây tỏi, có cơ sở pháp lý để xử lý trường hợp vi phạm, đảm bảo đời sống cho người dân trồng tỏi”, bà Hương cho biết thêm.

THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.