Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Nỗi đau mang tên "sạt lở đất"

Thanh Hải - 22:38, 30/10/2020

Những ngọn đồi liên tiếp đổ ập xuống các thôn làng trong đợt mưa bão cuối tháng 10/2020 biến Trà Leng, Trà Vân, Phước Lộc (Nam Trà My và Phước Sơn, Quảng Nam) trở nên hoang tàn. Đằng sau khuôn mặt thẫn thờ, rũ rượi của dân làng là sự tang thương đến nhói lòng.

Lực lượng cứu hộ tại hiện trường sạt lở đất Trà Leng
Lực lượng cứu hộ tại hiện trường sạt lở đất Trà Leng

Nỗi đau dưới chân núi Pa Ranh

Trong tiềm thức người M'nông, ngọn Pa Ranh sừng sững sau nhà là niềm tự hào của đồng bào. Bởi, Pa Ranh với bạt ngàn cây rừng không chỉ chở che cho làng mà đó còn là môi trường sống không thể thiếu.

Suốt hàng chục năm qua, ngọn Pa Ranh dường như chưa có sạt trượt, lở đất đe doạ cuộc sống đồng bào nơi đây. Cuộc sống sẽ mãi bình yên với đồng bào M'nông ở Trà Leng nếu như không có sự cố bi thương ấy.

Chiều 28/10 có lẽ là ngày đau thương nhất đối với cư dân thôn 1 xã Trà Leng (Nam Trà My). Sau những tiếng nổ ầm ầm, đất đá từ trên núi cao tràn xuống khiến cơ ngơi, tài sản của nhiều hộ dân ngập chìm trong bùn đất. Vụ sạt lở khiến 53 người bị vùi lấp, trong đó 34 người sống sót và bị thương, 6 người chết, còn 13 nạn nhân mất tích.

Cũng tại thôn 1 xã Trà Vân (Nam Trà My), một vụ sạt lở đất trút xuống những người dân vô tội khiến 20 người gặp nạn, 12 người bị thương, 8 người tử vong đã tìm thấy thi thể.

Ngày hôm sau, tai hoạ tiếp tục ập xuống huyện miền núi Phước Sơn, khi ngọn đồi phía sau xã Phước Lộc (tiếp giáp tỉnh kon Tum) đã ngấm no nước bỗng chốc đổ ập xuống thôn 6, vùi lấp 13 người, san phẳng nhiều nhà cửa.

Thông tin từ sở chỉ huy tiền phương khiến chúng tôi bàng hoàng: toàn tỉnh Quảng Nam, sạt lở đất làm 19 người chết, 22 người mất tích. Trong đó, riêng huyện Nam Trà My có 14 người chết, 13 nạn nhân mất tích; huyện Phước Sơn có 5 người chết, 8 người mất tích; huyện Bắc Trà My mất tích một người.

Đến Nam Trà My khi dấu tích kinh hoàng của vụ sạt lở núi còn hiện hữu trên từng khuôn mặt bà con thôn làng, chúng tôi càng cảm nhận rõ sự xót xa, đau đớn đến tột cùng.

Sau nhiều giờ xảy ra thảm hoạ sạt lở núi, khung cảnh ở Trà Leng, Trà Vân (Nam Trà My) và Phước Lộc (Phước Sơn) vẫn còn rất hỗn loạn, hoang tàn. Đâu đó trong từng nếp nhà, tiếng khóc thương cho người thân xấu số văng vẳng bến tai khiến chúng tôi nhói buốt.

Nhiều người dân ở Trà Leng cho hay, đã hàng chục năm cư ngụ ở đây nhưng chưa bao giờ thấy thảm cảnh thế này. Thật đau xót.

Nỗ lực cứu dân

Việc lưu thông trên  những cung đường dài hàng chục km xuyên qua rừng nối các Sở chỉ huy tiền phương với hiện trường Trà Leng, Trà Vân và Phước Lộc vô cùng khó khăn do trên tuyến xuất hiện quá nhiều điểm sạt lở, mất nhiều thời gian để thông tuyến.

Trong những ngày qua, chính quyền và người dân các huyện Nam Trà My, Phước Sơn đã gạt nước mắt, nén đau thương tìm kiếm người mất tích giữa đống đổ nát với hi vọng mong manh. Ai cũng thầm nguyện cầu phép màu sẽ tiếp tục xẩy ra như đối với 33 người may mắn thoát nạn ở thôn 1 xã Trà Leng.

Tại các Sở chỉ huy đặt ở huyện Bắc Trà My và xã Phước Công huyện Phước Sơn, nhiều giải pháp về ứng cứu đã được lực lượng chức năng vạch ra với hi vọng tìm kiếm, khắc phục nhanh nhất các điểm sạt lở, sớm ổn định cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên,  khó khăn nhất vẫn là trên hành trình tiếp cận hiện trường, lực lượng chức năng phải đối mặt với nhiều điểm sạt lở khác.

Đến chiều 29/10, các lực lượng chức năng mới tiếp cận được điểm sạt lở tại Trà Leng. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, sáng nay 30/10, đã tìm thấy thêm 2 thi thể trong đống đổ nát. Lực lượng chức năng đã phải huy động chó nghiệp vụ, phương tiện bay Flycam trên cao hỗ trợ công tác tìm kiếm.

Tại Sở chỉ huy tiền phương đặt ở trung tâm huyện Bắc Trà My, Trung tá Võ Văn Thành, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn bộ binh 885 (Quân khu 5) cho biết, nhận lệnh chỉ huy, Trung đoàn huy động 50 cán bộ, chiến sĩ mang theo nhiều phương tiện, công cụ hỗ trợ việc tìm kiếm. Trung tá Thành cho biết: Chúng tôi dùng xe nhỏ, xe bán tải tiếp cận hiện trường; nếu chỗ nào không đi được sẽ tính phương án hành quân bằng đường bộ. Chúng tôi sẽ nỗ lực cao nhất, huy động tối đa nhân vật lực để ứng cứu.

Còn tại điểm sạt lở ở xã Phước Lộc huyện Phước Sơn, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận hiện trường do sạt lở đất quá lớn. Hiện 3 xã bị cô lập tại huyện Phước Sơn số lượng người dân mất nhà rất nhiều. Như xã Phước Lộc trên 30 hộ mất nhà, xã Phước Thành 41 hộ mất sạch nhà và tài sản. Xã Phước Kim cũng có 15 hộ mất hoàn toàn nhà ở. Nhiều hộ bị cô lập đã được chính quyền huyện Phước Sơn cung cấp một số nhu yếu phẩm.

Tại Sở chỉ huy tiền phương đặt tại Phước Công, cả Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã có mặt để chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, phải khẩn trương tìm kiếm, nhưng cần đảm bảo an toàn. Hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn vẫn đang được tiến hành khẩn trương trong điều kiện hết sức khó khăn...