Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Nơi vùng biên có những lớp học luôn sáng đèn đêm

Thiên An - Mỹ Dung - 15:51, 20/10/2022

Nhiều năm trở lại đây, tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa của huyện biên giới Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, có những lớp học khá đặc biệt, bởi nó luôn sáng đèn đêm từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, bởi lớp học không phân biệt tuổi tác...

Học viên lớp xóa mù chữ không phân biệt lứa tuổi
Học viên lớp xóa mù chữ không phân biệt lứa tuổi

Ánh sáng từ con chữ

Bình Liêu là huyện miền núi tập trung chủ yếu là đồng bào DTTS sinh sống, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ người dân mù chữ cao nhất của tỉnh Quảng Ninh. Việc mở lớp học đặc biệt xóa mù chữ cho người dân vùng cao, đã nhanh chóng triển khai và ra đời. Để giúp người dân tiếp cận với con chữ, những năm qua, chính quyền huyện Bình Liêu đã mở 7 lớp học xóa mù chữ tại các thôn bản, thu hút được hơn trăm học viên cùng tham gia học. 

“Giai đoạn 2021-2025 tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025 đạt 99,5 % số người trong độ tuổi từ 15 đến 60 đạt chuẩn biết chữ mức độ 2; 177/177 xã, phường, thị trấn (chiếm tỷ lệ: 100%) được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 13/13 huyện, thị xã, thành phố (chiếm tỷ lệ: 100%) được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; Tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn XMC mức độ 2” – Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh thông tin.

Xã Đồng Tâm hiện có hơn 900 hộ dân, sinh sống rải rác tại 16 thôn. Trong đó, thôn Phiêng Sáp cách trung tâm xã khoảng 6km, điều kiện sinh hoạt của người dân còn nhiều khó khăn. Tuy vậy, khi lớp xóa mù chữ được mở tại thôn (tháng 7/2021), đã thu hút được 17 học viên trong thôn tham gia. Người cao tuổi nhất của lớp tầm 60 tuổi và nhỏ nhất khoảng 36 tuổi; có người đã được làm ông, làm bà hoặc mang gánh nặng trụ cột gia đình. Vì thế, thời gian dành cho việc học của họ sẽ vào các buổi tối sau khi kết thúc 1 ngày nương, rẫy. 

Bà Vy Thị Thảo, 58 tuổi, thôn Ngàn Vàng, xã Đồng Tâm cho biết: “Thời gian buổi tối khi kết thúc ngày làm việc nương rẫy, ăn cơm tối xong, chúng tôi đi học. Mỗi nhà, mỗi người một hoàn cảnh nhưng tự khắc phục để đến lớp học”.

Tại Nhà Văn hóa thôn Phặc Chè - Nà Choòng (xã Hoành Mô) luôn sáng đèn, vang lên tiếng ê, a tập đánh vần. Chị Trần Thị Nuông (35 tuổi, dân tộc Sán Chỉ, người dân trong thôn cho biết, gia đình chị cả 2 vợ chồng đều đăng ký theo học. Chị cho biết: “Không biết chữ khổ lắm, mà con hỏi cũng không biết đường trả lời cho con. Hơn nữa, nhiều khi làm thủ tục giấy tờ ký cũng không biết viết đủ cả họ tên”.

Là học sinh thuộc nhóm lớn tuổi nhất lớp, chị Vi Thị Toán, 48 tuổi, dân tộc Dao cho biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sống trong cảnh mù chữ, cuộc sống nhiều khi gặp rất nhiều khó khăn. Gần đây, được cán bộ vận động chị đã đăng ký tham gia lớp học tại nhà văn hóa thôn.

"Tham gia lớp một thời gian, tôi đã có thể ghép vần đọc được một số từ đơn giản. Tôi đang mong sau hết khóa học này, tôi sẽ đọc và viết được nhiều hơn nữa”, chị Toán phấn khởi chia sẻ.

Giáo viên thực hiện “3 cùng” để học viên yên tâm tới lớp
Giáo viên thực hiện “3 cùng” để học viên yên tâm tới lớp

Quyết tâm "3 cùng" để gieo chữ

10 năm gần đây, huyện Bình liêu đã mở được 96 lớp xóa mù chữ; cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ cho 1.625 học viên, trong đó có 410 học viên hoàn thành chương trình xóa mù chữ mức độ 2 (lớp 4 và lớp 5).

Việc dạy chữ cho học sinh vùng cao vốn đã gian nan, lại dạy cho những người lớn tuổi là cả một sự vượt khó, kiên trì của những người đứng lớp. Bởi vậy, để "gieo" được con chữ, không chỉ là khắc phục khó khăn, lòng yêu nghề, mà hơn hết là tình yêu với vùng đất, đồng bào nơi đây của những thầy, cô giáo vùng cao.

Những lớp xóa mù chữ thường kéo dài 6 tháng, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Để mở được lớp xóa mù chữ, chính quyền địa phương và giáo viên phải vận động bà con nhiều lần; thậm chí giáo viên phải thực hiện "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc) với họ để giữa 2 bên hiểu và tin tưởng nhau trước khi tới lớp; động viên học viên đến lớp nhất là vào mùa.

Cô giáo Trương Thị Nga, hiện đang dạy lớp học xóa mức độ 2 (trình độ lớp 4-5) ở thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn trải lòng: “Học viên người DTTS, sử dụng nhiều ngôn ngữ, phong tục, tập quán khác nhau, nên việc dạy chữ khó hơn”.

Với cô giáo Nông Thị Lan, Trường Tiểu học Đồng Tâm, đã gần 5 năm tham gia đứng lớp xóa mù chữ tại những địa bàn xa xôi nhất của huyện Bình Liêu: “Tôi đang giảng dạy lớp xóa mù chữ tại Nhà Văn hóa thôn Phặc Chè - Nà Choòng (xã Hoành Mô). Bà con rất chăm chỉ đến lớp, chịu khó nghe giáo viên uốn nắn. Sau vài ngày học làm quen còn bỡ ngỡ, bây giờ ai cũng tự tin, mạnh dạn, xung phong lên bảng”, cô chia sẻ.

Anh Tằng Vằn Dào, Phó Chủ tịch xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu cho biết, được sự quan tâm của các cấp, ngành, hiện nay trên địa bàn xã Đồng Văn có 2 lớp xóa mù chữ, mỗi lớp khoảng 20 học viên, chủ yếu là đồng bào DTTS. Họ sống rải rác, đường sá đi lại khó khăn, xa lớp học. Công việc của bà con nơi đây chủ yếu của là đi rừng nên khá nặng nhọc, thường xuyên về muộn. Hơn nữa, họ đều là trụ cột, lao động chính trong gia đình nên khi về nhà lại phải lo việc nhà.

“Vì còn nhiều khó khăn nên công tác vận động họ tới lớp để học vào các tối cũng không hề đơn giản. Tuy nhiên, sau khi được chính quyền nói về lợi ích của việc biết chữ, biết viết thì bà con cũng rất hăng hái và ủng hộ”, anh Tằng Vằn Dào, Phó Chủ tịch xã Đồng Văn chia sẻ thêm.

Chắc chắn rằng, với những lớp học đặc biệt cùng sự nhiệt huyết, quyết tâm của những người giáo viên, "ánh sáng" từ con chữ sẽ góp phần tiếp tục thay đổi diện mạo những thôn, bản vùng cao của huyện miền núi, biên giới nơi đây.


Tin cùng chuyên mục
Hà Giang: Nhiều khó khăn trong năm học mới cần có giải pháp khắc phục

Hà Giang: Nhiều khó khăn trong năm học mới cần có giải pháp khắc phục

Mới đây, tại phiên họp thứ II, Ban chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục Hà Giang giai đoạn 2023-2030 đã nêu lên nhiều vấn đề còn tồn tại, thách thức đối với giáo dục Hà GIang, trong đó, là tình trạng thiếu trên 2.000 giáo viên trước thềm năm học mới cần có giải pháp khắc phục.