Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nông dân Bình định tự phát mở rộng diện tích trồng tiêu: Hậu quả “cay” như tiêu

PV - 10:18, 27/03/2019

Những ngày gần đây, người trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Bình Định như ngồi trên đống lửa, ăn không ngon, ngủ không yên vì giá hồ tiêu liên tục lao dốc. Điều đáng nói là diện tích tiêu ở Bình Định liên tục mở rộng, bất chấp sự cảnh báo của các cơ quan chức năng từ trước.

Mùa tiêu buồn

Diện tích hồ tiêu ở Bình Định ít hơn so với các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Tuy nhiên, trong khoảng 5 năm trở lại đây, diện tích tiêu tăng lên khá nhanh. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Bình Định hiện có trên 650ha hồ tiêu; trong đó, huyện Hoài Ân chiếm diện tích lớn nhất với 495ha, huyện Hoài Nhơn 117ha, huyện Phù Cát gần 30ha…

Vườn tiêu của ông Nguyễn Văn Thơm, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát chuẩn bị vào vụ thu hoạch chính nhưng ông rất lo lắng vì tiêu rớt giá. Vườn tiêu của ông Nguyễn Văn Thơm, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát chuẩn bị vào vụ thu hoạch chính nhưng ông rất lo lắng vì tiêu rớt giá.

Những năm trước đây, khi giá tiêu ở đỉnh điểm trên 200 ngàn đồng/kg, nhiều gia đình ở huyện Hoài Ân có thu nhập khấm khá, nhưng nay giá tiêu đang chạm đáy, khiến họ thất thu, thậm chí lỗ vốn. Ông Lê Văn Chức, 53 tuổi, thôn Hội An, xã Ân Thạnh (huyện Hoài Ân), cho biết: Gia đình ông có 800 trụ tiêu. Từ năm 2015 đến nay, sản lượng thu hoạch luôn đạt bình quân 2-3 tấn hạt tiêu khô/năm. Giá hạt tiêu khô đang được thương lái thu mua dao động từ 45-50 ngàn đồng/kg; trong khi đó, cách đây 3-4 năm, mức giá lên tới 120-150 ngàn đồng/kg. “Tiêu năm nay được mùa, lượng hạt nhiều và chắc. Ước tính sản lượng thu hoạch 800 trụ tiêu sẽ đạt gần 4 tấn. Còn khoảng 3 tháng nữa là vào chính vụ thu hoạch tiêu năm 2019. Với mức giá như hiện nay, tôi gần như không có lãi, thậm chí phải bù lỗ”, ông Chức buồn rầu nói.

Huyện Hoài Nhơn cũng có diện tích trồng tiêu lớn nên thời điểm này, hàng trăm nông dân đang điêu đứng khi giá tiêu tụt giảm mạnh. Theo ông Trần Đình Trọng ở xã Hoài Hảo, cách đây 4 năm giá tiêu cao nên gia đình đầu tư trồng trên 1.000 trụ tiêu, chi phí hơn 500 triệu đồng. Năm nay bắt đầu thu hoạch mạnh nhưng giá thì quá thấp, không biết có đủ tiền đầu tư không.

Còn tại huyện Phù Cát, diện tích trồng tiêu tuy không nhiều nhưng những người tiên phong trồng tiêu ở đây như ông Nguyễn Văn Thơm, ở thôn Phú Kim, xã Cát Trinh cũng đang buồn nẫu ruột khi chứng kiến 1.300 trụ tiêu bắt đầu vào thời điểm cho trái rộ nhưng giá lại xuống thấp. “Một trụ tiêu từ lúc trồng đến khi thu hoạch mất khoảng 4 năm. Tiền đầu tư trụ, phân bón, thuốc BVTV… cho 1 trụ tiêu khá lớn. Với mức giá thu mua như hiện nay, tôi chỉ mong huề vốn, không mong gì có lãi”, ông Thơm giãi bày.

Hậu quả từ phớt lờ cảnh báo…

Diện tích tiêu ở Bình Định liên tục mở rộng trong những năm qua, nhưng điều đáng nói là do người dân tự phát trồng, không nằm trong trong định hướng phát triển của ngành Nông nghiệp, nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền và các cơ quan chuyên môn. Hậu quả là, một thời gian tiêu chết hàng loạt, nhiều gia đình trắng tay còn hiện nay giá cả lại xuống thấp, người nông dân lại bị lỗ nặng.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bình Định, cho biết: “Cây hồ tiêu không nằm trong định hướng phát triển của ngành Nông nghiệp tỉnh, hầu như phát triển tự phát. Sở đã nhiều lần cảnh báo người dân không nên trồng và mở rộng diện tích trồng tiêu, bởi Bình Định không phải là vùng đất có lợi thế về giống cây này. Hơn nữa, cây tiêu có thị trường bấp bênh và dễ mắc bệnh”.

Đề cập tới những diện tích cây hồ tiêu đang “bén rễ” ở địa phương, ông Võ Duy Tín, Phó Trưởng phòng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân cũng cho rằng: Cây hồ tiêu là cây công nghiệp không bền vững, do vậy, chủ trương của địa phương là không khuyến khích người dân phát triển. Diện tích cây hồ tiêu đang tồn tại là do người dân tự phát trồng.

Chia sẻ về thực tế này, ông Phan Sỹ Hùng, Nguyên Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát cũng nhấn mạnh, chúng tôi cũng đã từng cảnh báo: Đặc điểm của cây tiêu là “nắng không ưa, mưa không chịu”; khi cây tiêu đã bị bệnh thì sẽ lây lan rất nhanh, không có thuốc đặc trị. Trong khi, hầu hết các hộ trồng tiêu ở Phù Cát nói riêng và cả tỉnh Bình Định chủ yếu là tự phát, với hình thức quảng canh, chưa được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây tiêu một cách bài bản, nếu phát triển ồ ạt thì sẽ gặp nhiều rủi ro.

Ông Hà Văn Khương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cát Trinh cũng thông tin, hiện toàn xã Cát Trinh đã có tới 11 ha hồ tiêu, với 48 hộ tham gia trồng. Giá tiêu ở mức cao những năm trước đây là nguyên nhân khiến nông dân đổ xô trồng tiêu, bất chấp cảnh báo của địa phương và cơ quan chuyên môn.

Có thể thấy, các cấp, các ngành từ tỉnh đến xã đều không khuyến khích người dân trồng cây tiêu. Nhưng vì lợi ích tức thời, người dân đã phớt lờ cảnh báo của chính quyền địa phương và ngành chuyên môn. Về phía các cấp, các ngành liên quan cũng chưa thực sự quyết liệt trong việc ngăn chặn, xử lý tình trạng người dân tự phát trồng tiêu. Để đến khi xảy ra sự cố rớt giá, không chỉ người nông dân lao đao mà chính quyền địa phương và ngành chức năng liên quan cũng gặp khó khăn trong việc tìm hướng giải quyết.

LÊ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) rất lớn, đây được xem là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), có ý nghĩa quan trọng, để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.