Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Nông dân Đạ Tẻh chủ động tham gia bảo vệ môi trường

PV - 21:03, 02/10/2021

Môi trường là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống người dân. Và chỉ khi người dân chủ động tham gia bảo vệ, thì môi trường mới thực sự bền vững.

Nông dân xã Triệu Hải tham gia thu gom bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng
Nông dân xã Triệu Hải tham gia thu gom bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng

Ghi nhận tại Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng), những năm trước đây, tình trạng vứt các chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã qua sử dụng bừa bãi trên các đồng ruộng, kênh mương… là chuyện không hiếm gặp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của người dân. Bởi vậy, bắt đầu từ tháng 5/2016, Hội Nông dân huyện đã thành lập 10 mô hình thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV tại 9/9 cơ sở Hội. Hỗ trợ kinh phí mua 96 bi cống có kích thước chiều cao 1,2 m, chiều rộng 0,8 m, có nắp đậy đặt tại các tuyến đường nội đồng.

Trong các buổi sinh hoạt chi hội, Hội tuyên truyền cho bà con nông dân bỏ rác thải thuốc BVTV đã qua sử dụng vào trong các bi cống, tránh ô nhiễm môi trường. Hàng tháng, Hội tổ chức đi thu gom vỏ bao bì từ các bể chứa để đưa đi tiêu hủy theo quy định. Nhờ vậy, đồng ruộng không còn vỏ bao bì thuốc BVTV. Cách làm này giúp nông dân thay đổi nhận thức, hành vi và thói quen trong lao động, sản xuất, bảo vệ môi trường.

Không chỉ bảo vệ môi trường ở các khu sản xuất, việc đảm bảo vệ sinh môi trường ở các khu dân cư cũng được địa phương này chú trọng. Cụ thể, tại gia đình các hội viên, việc thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt, hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, thay thế, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường đã được thực hiện. Mô hình “Xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón” được thành lập nhằm xử lý các loại rác thải phân hủy được. Còn đối với các loại rác có thể tái chế như chai nhựa, giấy sẽ tập kết lại thông qua mô hình “Biến rác thành tiền”. Từ đây số tiền trên 14 triệu đồng thu được từ mô hình đã hỗ trợ cho 1 hộ khó khăn và mua sách vở cho 35 con em hội viên nghèo hiếu học. Từ những hiệu quả thiết thực đó mà hai mô hình trên được hội viên nông dân ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia.

Hội Nông dân huyện quản lý 7.192 hội viên, 9 cơ sở hội trực thuộc, mỗi cơ sở hội với những cách làm khác nhau, phù hợp với từng địa bàn để phát huy được lợi thế của địa phương trong công tác xây dựng và bảo vệ môi trường. Từ năm 2016 đến nay, các cấp Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tích cực hưởng ứng tham gia phong trào xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp.

Đến nay, 100% cơ sở Hội trên địa bàn huyện đã và đang duy trì, xây dựng 35 mô hình nông dân bảo vệ môi trường. Trong đó có 10 mô hình thu gom vỏ lọ, bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng, kênh mương; 9 mô hình trồng cây bóng mát đường quê; 9 mô hình biến rác thành tiền; 3 mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi trâu, bò; 2 mô hình xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình; 1 mô hình nhà rác thân thiện với môi trường; 1 mô hình xử lý nước thải sinh hoạt.

Hiện nay, để xử lý vấn đề môi trường trong chăn nuôi, nhất là với tập quán trong chăn nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn của bà con dân tộc thiểu số phía Bắc, mô hình “xử lý chất thải trong chăn nuôi trâu, bò” cũng đang được tiến hành tại Thôn 5, xã An Nhơn và Tổ dân phố 8A thị trấn Đạ Tẻh với quy mô 30 chuồng trại và 30 hộ dân tham gia.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện đã phát động phong trào trồng cây gây rừng và triển khai xây dựng mô hình “Trồng cây bóng mát đường quê”. Ngoài ra, 100% cơ sở Hội đã triển khai và trồng được 2.416 cây (sao và dầu) với tổng chiều dài 24,6 km tại các tuyến đường giao thông trên địa bàn các xã, thị trấn, khuôn viên nghĩa trang, nhà văn hóa các thôn trước đây.

Hiện, hội viên nông dân tiếp tục tích cực tham gia hưởng ứng trồng 3,592 triệu cây xanh do UBND huyện phát động. Ngoài ra, chính các hội viên hội nông dân tại địa bàn các xã còn đảm nhận việc trồng và chăm sóc 24.000 m các tuyến đường hoa cỏ lạc, hoa hoàng yến, hoa huỳnh anh, hoa mẫu đơn, hoa mai vàng... Nguồn kinh phí một phần xin hỗ trợ ngân sách, một phần vận động trong cán bộ, hội viên đóng góp, số còn lại trích một phần kinh phí hoạt động trong năm.

Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng các mô hình hiệu quả phù hợp với từng địa bàn đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường. Và đó cũng là cơ sở quan trọng góp sức cùng địa phương trong xây dựng, giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới trên toàn huyện nói chung.

Ông Hồ Quốc Phong - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đạ Tẻh khẳng định: “Thời điểm hiện tại, mặc dù cuộc sống có nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh, tuy nhiên nông dân Đạ Tẻh vẫn thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu như: Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, kế hoạch trồng cây xanh hàng năm của huyện… góp phần đưa Đạ Tẻh thực hiện tốt mục tiêu kép: “Chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội”./.

Tin cùng chuyên mục