Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Gia Lai: Phụ nữ dân tộc thiểu số chung tay bảo vệ môi trường

PV - 17:11, 14/08/2021

Những năm qua, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều mô hình, hoạt động nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho hội viên, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Cán bộ Hội LHPN xã trao đổi với hội viên về nội dung tuyên truyền trên tờ rơi
Cán bộ Hội LHPN xã trao đổi với hội viên về nội dung tuyên truyền trên tờ rơi

Nhiều mô hình sáng tạo

Tổ chức định kỳ các buổi dọn vệ sinh trong khu dân cư, vận động hội viên sắp xếp nhà cửa ngăn nắp là việc làm thiết thực được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Kdang (huyện Đak Đoa) triển khai, nhằm thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Bà Oeh (làng Mrah) cho hay: “Từ khi tham gia mô hình, tôi được các hội viên hỗ trợ đào hố rác, di dời chuồng trại ra xa nơi ở. Từ đó, việc thu gom, xử lý rác thải thuận lợi hơn. Làng cũng thường tổ chức các buổi dọn vệ sinh tại khu vực công cộng nên môi trường sốngsạch sẽ hẳn”.

Nói về hiệu quả của mô hình, bà Chranh, Chủ tịch Hội LHPN xã, cho biết: Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” được tổ chức làm điểm tại làng Rkhương Tleo từ năm 2014, sau đó nhân rộng ra toàn xã. Định kỳ mỗi tháng hoặc 2 tháng 1 lần, các chi hội tổ chức cho hội viên tham gia dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm; tham gia trồng và chăm sóc con đường hoa, hàng rào xanh, hỗ trợ nhau di dời chuồng trại ra xa nhà ở, làm chuồng trại, nhà vệ sinh, đào hố rác. “Hiện nay, hầu hết các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm đều xây dựng chuồng trại xa nhà ở, 50% hội viên có hố xử lý rác, 70% hội viên có nhà tiêu hợp vệ sinh. Đặc biệt, hội viên không còn thói quen vứt rác bừa bãi nữa”, bà Chranh thông tin.

“Thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường, vận động hội viên, phụ nữ tham gia công tác trồng rừng, chăm sóc con đường hoa, hàng rào xanh và phong trào “Mỗi phụ nữ trồng một cây xanh, mỗi cơ sở Hội một công trình cây xanh” để hội viên hiểu rõ hơn về giá trị của cây xanh trong bảo vệ môi trường”.

Bà Rơ Chăm H’HồngChủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai

“Phụ nữ nói không với rác thải nhựa” là Câu lạc bộ (CLB) được Hội LHPN xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) thành lập đầu tháng 7/2021 ở làng Phung. Hội đã tặng gùi cho các thành viên CLB, vận động chị em sử dụng khi đi chợ, dùng hộp nhựa đựng thịt, cá, dùng lá chuối gói rau. Bà H’Uyên Niê, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã, cho hay: “Việc hội viên dùng gùi, đem lá chuối gói hàng khi đi chợ còn thay đổi hành vi của các tiểu thương trong việc hạn chế sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa dùng 1 lần đựng thức ăn cho khách hàng. Từ kết quả này, Hội đang tiếp tục tuyên truyền để nhân rộng mô hình này ra 5 thôn, làng còn lại nhằm góp phần giảm việc sử dụng và xả rác thải nhựa ra môi trường”.

Còn bà Rơ Châm H’Yúi (làng Phung) thì chia sẻ: “Việc dùng gùi và hộp nhựa, lá chuối đựng thực phẩm khi đi chợ không chỉ giúp giảm sử dụng túi nylon gây ô nhiễm môi trường, mà còn góp phần giúp các nghệ nhân duy trì nghề đan lát. Vì thế, mình sẽ tuyên truyền, vận động các chị em trong làng mua gùi để đi chợ, nhằm tạo sự lan tỏa rộng rãi trên địa bàn”.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động

Toàn tỉnh hiện có 233.323 hội viên, phụ nữ, trong đó, phụ nữ DTTS chiếm 46%. Để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho chị em, đặc biệt là hội viên vùng đồng bào DTTS, từ đầu năm đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã thành lập nhiều CLB, mô hình bảo vệ môi trường với sự tham gia của 865 thành viên, trong đó có 357 hội viên người DTTS.

Đồng thời, các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền thông qua việc triển khai cho hội viên tham gia trồng 47.400 cây xanh; chăm sóc, nhân rộng mô hình “Hàng rào xanh”, “Con đường hoa”, treo 153 băng rôn, phát 2.000 tờ gấp tuyên truyền và tổ chức 330 buổi truyền thông về bảo vệ môi trường, đặc biệt là chống rác thải nhựa cho 6.397 cán bộ, hội viên, phụ nữ, trong đó có 3.598 phụ nữ DTTS.

Các thành viên CLB “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa” của Hội LHPN xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) sử dụng gùi đựng hàng hóa khi đi chợ
Các thành viên CLB “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa” của Hội LHPN xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) sử dụng gùi đựng hàng hóa khi đi chợ

Hội LHPN huyện Chư Păh là một trong những đơn vị thực hiện tốt việc tuyên truyền để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho hội viên, phụ nữ. Đặc biệt, Hội cấp phát tờ rơi bằng 2 thứ tiếng Gia Rai và Kinh để hội viên người DTTS hiểu rõ hơn về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường. Bà Quách Thị Thùy Trang, Chủ tịch Hội LHPN xã Chư Đang Ya, cho hay: “Hội đã phát hơn 100 túi vải, 100 chai thủy tinh và nhiều tờ rơi bằng tiếng Jrai. Nhờ đó, hội viên hiểu rõ tác hại của rác thải nhựa và biết thu gom, phân loại rác thải, không vứt bừa bãi như trước. Nhiều hội viên còn sử dụng gùi để đi chợ nhằm giảm sử dụng túi nylon; sử dụng chai nhựa để trồng hoa, rau”.

Tương tự, huyện Đak Đoa cũng linh động tổ chức các buổi tuyên truyền để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho hội viên, phụ nữ nói chung, hội viên người DTTS nói riêng.

Bà Nay Giang Nam, Chủ tịch Hội LHPN huyện, cho hay: “Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội đã vận động hội viên đào được 35 hố rác tự hoại, 5 hộ di dời chuồng trại, tham gia 173 ngày công san lấp 5,6 km đường lầy lội, làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, khơi thông 11,5 km cống rãnh, nhân rộng thêm 33 mô hình “Hàng rào xanh”, 48 mô hình “Con đường hoa”, 17 đoạn đường không lầy lội, phát quang 15 km đường làng ngõ xóm; xây dựng được 7 mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch”, 3 CLB “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Các hoạt động này đã góp phần làm cho môi trường trên địa bàn huyện sạch, đẹp hơn”./.

Tin cùng chuyên mục
Khuyến cáo người dân bảo vệ sức khỏe “mùa” ô nhiễm không khí

Khuyến cáo người dân bảo vệ sức khỏe “mùa” ô nhiễm không khí

Theo thông tin từ Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), qua theo dõi chu kỳ diễn biến chất lượng môi trường không khí hàng năm, từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau, không khí tại một số địa phương thường diễn biến xấu.