Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nông dân điêu đứng vì trồng gừng liên kết

PV - 11:38, 15/03/2018

Thời gian qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn một số tỉnh Tây Nguyên như, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông rất bức xúc về việc Công ty cổ phần Xuất khẩu nông sản sạch Việt Nam đã liên kết với các hộ dân trồng gừng sạch; tuy nhiên, sau khi ký liên kết, gừng đến ngày thu hoạch, nhưng công ty này lặn “mất tăm” để lại cho nông dân một “cục nợ” không biết giải quyết ra sao?

Với những điều khoản hợp đồng liên kết trồng gừng nghe có vẻ có lợi cho người dân như, cho nợ 50% kinh phí đến cuối vụ, cam kết bao tiêu sản phẩm với giá cao,… Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản sạch Việt Nam còn tổ chức hội thảo với sự góp mặt của đại diện chính quyền địa phương, ra mắt đội ngũ nhân sự hỗ trợ kỹ thuật. Qua đó, có rất nhiều hộ dân, thậm chí cả hợp tác xã (HTX) tham gia liên kết trồng gừng, để rồi cả trăm tấn gừng không có đầu ra đang thối dần, Công ty này thì “biến mất” khỏi địa bàn.

Người nông dân trồng gừng liên kết mong mỏi chính quyền và các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ dấu hiệu lừa đảo và hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm. Người nông dân trồng gừng liên kết mong mỏi chính quyền và các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ dấu hiệu lừa đảo và hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm.

 

Gia đình ông Hoàng Duy Hoàn, Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Tiến, thôn Yên Phú 2, xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai như đang ngồi trên đống lửa, bởi 20 tấn gừng đã qua thời gian thu hoạch gần 2 tháng mà không tìm được đầu ra. Ông Hoàn cho biết: Cách đây một năm, ông ký hợp đồng liên kết sản xuất với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản sạch Việt Nam, có trụ sở đóng tại số 27 đường Phan Đăng Lưu, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk.

Theo các điều khoản của hợp đồng, phía Công ty cung ứng toàn bộ giống, vật tư nông nghiệp và thu mua sản phẩm với giá 18 nghìn đồng/kg mà chỉ thu trước 50% kinh phí. Ông Hoàn nhận mua của Công ty này 15 ngàn bầu gừng giống và vật tư, rồi được hướng dẫn đầu tư thêm hàng trăm triệu đồng làm hệ thống giàn che nắng, téc tưới nước tự động, mua phân bón…; đồng thời, chuyển 50 triệu đồng vào tài khoản công ty chi trả một số hạng mục. Tổng kinh phí đầu tư lên đến 300 triệu đồng, nhưng sau khi nhận tiền doanh nghiệp này cũng biến mất, bỏ mặc ông Hoàn với số gừng và khoản tiền nợ không hề nhỏ.

Baodantoc__trong_gung

Cùng xóm với ông Hoàn, ông Nguyễn Xuân Sử cũng đầu tư 200 triệu đồng trồng 5.000 bầu gừng theo hợp đồng liên kết. Khi công ty này biến mất, toàn bộ số gừng cũng chết thối, còn ông Sử trắng tay, ôm thêm khoản nợ 70 triệu đồng vay ngân hàng để đầu tư vào gừng.

Ông Phùng Tất Thắng, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Thiện-một nạn nhân của trồng gừng liên kết chia sẻ: Thấy công ty tổ chức hội thảo bài bản, có sự góp mặt của nhiều lãnh đạo các xã trong huyện và hứu hẹn siêu lợi nhuận đã khiến ông chủ quan. Khi nhận ra chân tướng thì đã quá muộn, hơn chục nghìn bầu gừng để thối, 300 triệu đồng đầu tư cũng tiêu tan.

Từ đầu năm 2017, Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Nông sản sạch Việt Nam, thường tổ chức các buổi giới thiệu dự án trồng gừng sạch xuất khẩu với nông dân các huyện trên địa bàn tỉnh, với bản dự toán chi phí trồng gừng hiệu quả. Cụ thể: nếu trồng 10.000 bao gừng trên diện tích đất khoảng 2.200m2 thì chi phí hết 290 triệu đồng, được Công ty hỗ trợ 50%. Sau 9 tháng thu hoạch năng suất mỗi bao 2,5-3kg gừng củ, bán với giá 18.000 đồng người trồng thu lãi 250 triệu đồng. Bằng hình thức giới thiệu trong các hội thảo, quảng cáo trên Internet, Công ty này đã ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu gừng trồng với rất nhiều hộ dân.

Cũng với những điều khoản như đã thực hiện với nông dân Gia Lai, nhiều nông dân Đăk Lăk liên kết trồng gừng với Công ty này cũng rơi vào cảnh điêu đứng. Tháng 5/2017, ông Đèo Minh Thiện ở thôn Tân Hưng, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột bỏ diện tích đất trồng rau đang cho thu nhập ổn định, ký hợp đồng trồng 10.000 bầu gừng với Công ty, với chi phí 218 triệu đồng, trong đó doanh nghiệp sẽ hỗ trợ một nửa.

Theo dự toán của phía công ty, chỉ sau 9 tháng gừng cho thu hoạch, ông sẽ lãi hơn 300 triệu đồng. Đến tháng thứ 4 gừng của ông bị vàng lá, liên hệ với Công ty và được hướng dẫn bỏ thuốc vài ba lần. Sau đó công ty lặn mất tăm, gọi điện thoại không liên lạc được, đến trụ sở thì khóa cửa. Lời lãi khủng đâu không thấy, giờ gia đình ông Thiện ôm đống nợ!

Ông Mai Ngọc Quý, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phú Thiện cho biết: Thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn huyện có khoảng 20 hộ ký hợp đồng trồng gừng liên kết với Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Nông sản sạch Việt Nam. Sau khi có thông tin phản ánh, giữa năm 2017, UBND huyện đã có buổi làm việc và yêu cầu Công ty này thực hiện đúng cam kết với nông dân địa phương. Tuy nhiên đến nay, toàn bộ nhân sự của công ty này đều không liên lạc được.

Vì vậy, Phòng cũng chỉ biết phối hợp với UBND các xã, thị trấn khuyến cáo cho người dân cần cẩn trọng khi trực tiếp ký hợp đồng với các công ty cung cấp các loại giống cây trồng, tránh tình trạng đã nghèo còn tiếp tục ôm thêm nợ.

Qua tìm hiểu, hầu hết người trồng gừng liên kết ở các địa phương mong mỏi chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ thực trạng này, qua đó có biện pháp xử lý; đồng thời có phương án giúp đỡ, hỗ trợ các hộ dân giải quyết đầu ra cho gừng.

LÊ KIÊN - LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Ninh Thuận là nơi có lượng mưa thấp nhất trong cả nước. Sản xuất nông nghiệp luôn gặp tình trạng khô hạn, thiếu nước, ảnh hưởng lớn đến cây hoa màu. Với khát vọng làm giàu từ chính mảnh đất khô hạn, anh Lưu Trường Lâm, dân tộc Chăm, chủ cơ sở Farm Bazô đã chủ động chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng cây tre lấy măng. Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của cơ sở Farm Bazô mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết được nỗi lo của người nông dân sinh sống ở vùng đất nắng.