Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nông dân Nghệ An đón nhận mùa cam “không ngọt”

PV - 14:20, 27/08/2019

Vòng luẩn quẩn “trồng-chặt/chặt -trồng” trong sản xuất nông nghiệp tiếp tục lại tái diễn khi mà mới đây, nông dân nhiều huyện miền núi của tỉnh Nghệ An đã chặt bỏ hơn 500ha cam bao năm qua là nguồn thu nhập chính. Nguyên nhân đã được làm rõ, điều quan trọng là sau cam, nông dân sẽ trồng gì?

Ông Nguyễn Xuân Hoan là người có kinh nghiệm hàng chục năm trồng cam hàng hóa ở xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp. Gia đình ông có 3 ha cam trong giai đoạn kinh doanh, từ 4-10 năm tuổi. Nhờ có nguồn thu nhập từ vườn cam mà gia đình có của ăn của để, xây dựng được khu nhà ở khang trang, nuôi con ăn học chu đáo.

Song những năm gần đây, nhiều cây cam bị bệnh, năng suất thấp, đặc biệt là mùa hè năm nay nắng hạn kỷ lục khiến 1ha cam của gia đình ông bị khô héo, cùng đó sâu bệnh gây hại, không thể chăm sóc được buộc phải phá bỏ để trồng ngô. 2ha còn lại, dù gia đình đã cố gắng chăm sóc nhưng ra quả ít, quả nhỏ hơn các năm trước. Dự kiến, 2ha cam của gia đình ông Hoan năm nay chỉ thu hoạch khoảng 10-15 tấn quả, trong khi các năm trước thu hoạch 20 tấn/ha.

Nhiều diện tích cam phải chặt bỏ do sâu bệnh. Nhiều diện tích cam phải chặt bỏ do sâu bệnh.

Theo ông Hoan, việc cây cam bị sâu bệnh, không có cách phòng trừ sẽ dẫn đến tình trạng không lâu nữa vùng cam mang thương hiệu cam Vinh này sẽ phải chặt bỏ hết. Vì vậy, ông mong cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương có giải pháp hỗ trợ cứu vùng cam.

Cùng chung hoàn cảnh, ông Phan Văn Mạnh ở xóm Minh Tâm, xã Minh Hợp cho hay: Gia đình có 1,2ha cam trong giai đoạn kinh doanh 6 năm tuổi, nhưng gia đình phải chặt bỏ mất một nửa số cây.

“Nếu để vậy chăm sóc thì tốn kém chi phí phân bón, công sức, nên không còn cách nào khác là chặt bỏ. Sau khi thu hoạch xong vụ cam này, một số cây cam sẽ phải chặt, đào cả gốc mới xử lý được sâu bệnh”, ông Mạnh cho biết.

Không chỉ nông hộ phải chặt bỏ vườn cam, mà ngay cả một số doanh nghiệp cũng đang “ngồi trên lửa” vì cây cam bị sâu bệnh. Như diện tích trồng cam của, Công ty TNHH MTV Xuân Thành những tháng đầu năm 2019 đã phải chặt bỏ khoảng 140 ha, dự kiến thời gian tới sẽ chặt phá khoảng 150 ha nữa. Nguyên nhân chủ yếu là do sâu bệnh và gặp nắng hạn kéo dài, nên cây cam không ra quả.

Ông Quán Vi Giang Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp, cam bị chết phải chặt bỏ ngoài yếu tố thời tiết thì, việc chọn cây giống là nguyên nhân cũng phải kể đến. Thời gian qua, các hộ trồng cam mua giống trôi nổi ngoài thị trường với giá rẻ dẫn đến cam bị sâu bệnh, năng suất thấp.

“Với diện tích cam bị chặt bỏ, hoặc cho thu hoạch không cao sẽ khiến cho nhiều gia đình trồng cam sẽ phải đối mặt với khó khăn trước mắt và cả lâu dài. Hiện, ngành Nông nghiệp cũng đã thống kê để trình UBND huyện số liệu thiệt hại, thế nhưng vẫn phải chờ quyết định cấp trên cho ý kiến”, ông Quán Vi Giang cho biết.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An về thực tế này, ông Lập cho biết: “Sở đang nghiên cứu các phương án để hỗ trợ bà con thay thế giống cam khác, tuy nhiên cần phải có thời gian”.

MINH THỨ

Tin cùng chuyên mục
Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) rất lớn, đây được xem là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), có ý nghĩa quan trọng, để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.