Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nông dân Trà Vinh đẩy mạnh chuyển đổi số

Minh Thu - 17:11, 29/05/2024

Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Trà Vinh, ở hầu hết các lĩnh vực, đều hướng đến thực hiện chuyển đổi số (CĐS), mục tiêu nhằm tạo những lợi ích: giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị sản phẩm. Từ đó thay đổi phương thức sản xuất trong nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất, sản lượng và tăng lợi nhuận.

Ông Nguyễn Văn Hiện kiểm tra hệ thống tưới nén (Ảnh: Báo Trà Vinh).
Ông Nguyễn Văn Hiện kiểm tra hệ thống tưới nén (Ảnh: Báo Trà Vinh).

Tiết kiệm tối đa chi phí

Ông Thạch Sô Phanh, ở xã Lương Hoà, huyện Châu Thành, có 2.000m2 đất luôn thiếu nước tưới trong mùa khô, trồng lúa cho năng suất, thu nhập thấp, thậm chí thua lỗ. Năm 2022, ông Phanh bỏ trồng lúa, chuyển sang trồng rau màu. Ông đầu tư màng phủ nông nghiệp, có nhà lưới bao che, sử dụng hệ thống tưới phun nước tự động tiết kiệm. Nhờ đó, rau màu cho năng suất, chất lượng rau bán được giá hơn từ 15 - 20% so rau màu trồng bình thường.

"Ở lĩnh vực nông nghiệp, CĐS sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh. Từ đó, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh".

Ông Trần Văn Dũng Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh

Chia sẻ với chúng tôi, ông Thạch Sô Phanh cho biết, việc đầu tư nhà lưới bao che, sử dụng hệ thống tưới phun nước tự động tiết kiệm, sử dụng màng phủ nông nghiệp trồng rau màu giảm được chi phí rất nhiều về công lao động, thuốc bảo vệ thực vật, lượng nước tưới và bảo vệ rau màu không bị dập lá, thối rễ mỗi khi mưa lớn. Với kỹ thuật canh tác tiên tiến, mỗi năm gia đình ông có thu nhập ổn định từ rau màu hơn 120 triệu đồng, cao gấp 10 lần so với trồng lúa.

Còn ở ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, gia đình ông Thạch Rene có gần 1ha đất trồng lúa đều ứng dụng công nghệ giám sát được độ ẩm của đất, độ mặn từ nguồn nước ngoài kênh thông qua điện thoại thông minh gắn kết với dụng cụ đo độ ẩm đặt trong ruộng.

“Với ứng dụng này, tôi xử lý việc bơm nước vào ruộng phù hợp với từng chu kỳ sinh trưởng của lúa theo hình thức “ngập - khô xen kẽ” vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa tiết kiệm nguồn nước…” - ông Thạch Rene chia sẻ.

Tại huyện Càng Long, ông Nguyễn Văn Hiện, ấp Đầu Giồng, xã Phương Thạnh canh tác 1,2ha chanh với gần 400 gốc và 0,3ha táo trong nhà lưới với gần 70 gốc. Do thiếu lao động, thiếu người chăm sóc, ông Hiện tìm đến những tiến bộ của công nghệ. Theo đó, ông bố trí 2 điểm bơm nén, lắp đặt đường ống dẫn nước chính và đấu nối các ống nhánh có lắp đầu phun sương. Khi 2 máy bơm hoạt động, lượng nước được đưa vào hệ thống nén có điều chỉnh áp suất, đảm bảo nguồn nước đủ mạnh, phù hợp để cung cấp đến các ống nhánh tưới chanh và táo, đáp ứng tốt nhu cầu sinh trưởng của cây.

Nông dân xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè ứng dụng hệ thống tưới tự động trong trồng cam sành (Ảnh: Báo Trà Vinh).
Nông dân xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè ứng dụng hệ thống tưới tự động trong trồng cam sành (Ảnh: Báo Trà Vinh).

CĐS tạo ra các giá trị mới

Xác định ứng dụng CĐS vào sản xuất nông nghiệp giúp tăng năng suất, chất lượng, sản lượng từ sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Trà Vinh đã đẩy mạnh thực hiện các hoạt động CĐS ở tất cả các lĩnh vực do ngành phụ trách.

Bà Lê Thị Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Sở NN&PTNT Trà Vinh cho biết: Nhằm thực hiện hiệu quả CĐS, ngành quan tâm đào tạo đội ngũ trí thức, kỹ sư có trình độ chuyên môn cao, ứng dụng hiệu quả các công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp. Tiếp nhận, chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến đến tổ chức, cá nhân áp dụng vào thực tiễn sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Người dân, doanh nghiệp đến tìm hiểu thiết bị không người lái, sử dụng phun thuốc bảo vệ thực vật trình diễn tại huyện Trà Cú (Ảnh: Minh Khởi).
Người dân, doanh nghiệp đến tìm hiểu thiết bị không người lái, sử dụng phun thuốc bảo vệ thực vật trình diễn tại huyện Trà Cú (Ảnh: Minh Khởi).

Trong đó, lĩnh vực trồng trọt đang ứng dụng mô hình máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân. Sử dụng phần mềm quản lý sâu bệnh PPDMS 2.0, nhằm đưa ra dự báo dài hạn, trung hạn, ngắn hạn. Duy trì các mô hình bẫy rầy thông minh, dự báo thời tiết qua Zalo nhóm, bơm nước tự động, mô hình nhà lưới kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm tự động...

Ông Trần Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết: CĐS hiện nay không còn là xu hướng mà là tiến trình bắt buộc. Ở lĩnh vực nông nghiệp, CĐS sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh. Từ đó, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đã ứng dụng CĐS ở một số lĩnh vực như: đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; định vị cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nuôi tôm kiểm soát qua điện thoại thông minh; lắp đặt VMS giám sát hành trình cho 100% tàu cá; quản lý, xác định các ổ dịch bệnh qua các phần mềm để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch; thực hiện Bản đồ số trong lâm nghiệp; đo tự động (độ mặn, mực nước) tại các cống, vàm....








Tin cùng chuyên mục
Cây trồng chủ lực ở huyện vùng cao Thanh Hóa giá thấp cũng không có người mua

Cây trồng chủ lực ở huyện vùng cao Thanh Hóa giá thấp cũng không có người mua

Cây vầu từng được ví như “cây vàng xanh” ở các huyện miền núi Thanh Hóa như Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh. Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ cây vầu trở nên khó khăn, giá thấp khiến các doanh nghiệp bao năm nay chuyên thu mua vầu của người dân, thì nay thu mua cầm chừng, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người dân trồng vầu.