Khởi sắc xã nghèoChúng tôi đến Phú Lũng, xã vùng cao biên giới của huyện Yên Minh (Hà Giang) khi chỉ còn ít ngày nữa, xã sẽ tổ chức đón quyết định công nhận đạt chuẩn NTM 2017 theo Quyết định số 2861/QĐ-UBND ngày 27/12/2017 của UBND tỉnh. Phú Lũng, cái tên mới nghe qua thôi đã thấy xa xôi, là nơi sinh sống của 581 hộ/3.236, phần lớn là đồng bào dân tộc Mông, Dao,...
“Năm 2011, khi bắt tay vào xây dựng NTM, dù là xã điểm của huyện nhưng Phú Lũng chỉ đạt 3/19 tiêu chí. Vào thời điểm đó, toàn xã chỉ có 4/12 điểm trường có nhà xây cấp 4, còn lại đều là phòng học tạm bợ; 4/13 bản được sử dụng điện an toàn; thu nhập bình quân đầu người chưa được 6 triệu đồng/người/năm…”, Chủ tịch UBND xã Phú Lũng Nguyễn Ðình Di chia sẻ.
Với xuất phát điểm quá thấp như vậy, nhiều người nghĩ, để “cán đích” NTM thì ít nhất Phú Lũng cũng phải mất hàng chục năm. Ấy nhưng, sau 7 năm triển khai, Phú Lũng đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, một kết quả mà với những người lạc quan nhất cũng không hề nghĩ đến.
Đáng chú ý, hết năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã Phú Lũng đã đạt trên 25 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 11,88%... Phú Lũng chính thức được công nhận đạt chuẩn, trở thành xã biên giới đầu tiên của tỉnh Hà Giang về đích NTM.
Rời Phú Lũng, xuôi về vùng thấp, chúng tôi vào xã bãi ngang ven biển Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Điều dễ nhận thấy sự đổi thay ở Hòa Hiệp Nam chính là những con đường bê tông nối dài xuyên qua những rặng cây phi lao trải dài trên cát; những ngôi nhà mới khang trang; những ngôi trường mới mái ngói đỏ tươi...
Cũng như xã vùng cao biên giới Phú Lũng của tỉnh Hà Giang, khi bắt tay xây dựng NTM (năm 2011), xuất phát điểm của Hòa Hiệp Nam rất thấp. Trong 19 tiêu chí thì xã mới chỉ đạt một tiêu chí là hệ thống tổ chức chính trị-xã hội, tỷ lệ hộ nghèo trên 32,6% (theo chuẩn nghèo đơn chiều). Có chăng, là xã ven biển nên thu nhập bình quân ở Hòa Hiệp Nam khá hơn xã vùng cao Phú Lũng, đạt 13 triệu đồng/người/năm.
Giai đoạn 2011-2016, Hòa Hiệp Nam là xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển. Quyết tâm thoát khỏi “bầu sữa” dành cho xã nghèo, bằng nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của người dân, bước sang năm 2017, Hòa Hiệp Nam chính thức thoát khỏi tình trạng ĐBKK. Đến giữa năm 2017, xã đạt 16/19 tiêu chí xây dựng NTM; chỉ còn thiếu 3 tiêu chí, gồm cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, tiêu chí nhà ở dân cư và tiêu chí về y tế.
Hết năm 2017, Hòa Hiệp Nam đã hoàn thành xây dựng chợ trung tâm xã trên diện tích 4.200m2, vốn đầu tư 3 tỷ đồng; xóa 11 nhà tạm còn lại trên địa bàn và đạt tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 85% theo quy định. Hòa Hiệp Nam chính thức đạt 19/19 tiêu chí, hoàn thiện hồ sơ để được công nhận về đích NTM.
Tránh dàn trải để hạn chế lãng phíViệc các xã vùng cao biên giới như Phú Lũng, xã vùng bãi ngang ven biển như Hòa Hiệp Nam đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM là một tín hiệu vui cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội ở vùng khó. Lâu nay, không ít người nghĩ rằng, xây dựng NTM ở địa bàn biên giới, vùng cao, vùng bãi ngang ven biển khó tựa lên trời.
Thực tế, nhận định này cũng không phải không có cơ sở. Với xuất phát điểm thấp, mặc dù được “tiếp sức” từ nhiều chương trình, dự án, đề án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội nhưng các địa phương vùng cao, biên giới, bãi ngang ven biển cũng phải rất chật vật để thực hiện các tiêu chí NTM.
Theo số liệu báo cáo của các địa phương, hiện nay cả nước có khoảng 423 xã khó khăn (đạt dưới 10 tiêu chí) thuộc khu vực biên giới, vùng bãi ngang ven biển. Ðây là các xã khó có khả năng về đích NTM vào năm 2020. Những tiêu chí chưa đạt hầu hết là những tiêu chí quan trọng phản ánh thực trạng cơ sở hạ tầng thiết yếu, chất lượng sống của người dân nông thôn như: Giao thông, điện, trường học, trạm y tế, công trình nước sạch, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường…
Đáng chú ý, có những xã vừa được vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM bố trí, vừa được rót thêm nguồn hỗ trợ khác nhưng đang có khả năng lỡ hẹn. Như xã biên giới Mường Chanh (huyện Mường Lát, Thanh Hóa), một xã chỉ đạo điểm của Trung ương về xây dựng NTM. Từ năm 2011 đến nay, ngoài các nguồn vốn phân bổ chung để thực hiện Chương trình NTM, ngân sách nhà nước còn hỗ trợ trực tiếp cho Mường Chanh hơn 77 tỷ đồng. Nhưng đến hết năm 2017, xã mới chỉ đạt được 12/19 tiêu chí.
Theo ông Ngô Tất Thắng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, các xã biên giới, vùng cao, các xã bãi ngang ven biển khó thực hiện các tiêu chí là do nhiều nguyên nhân. Đó là do địa hình chia cắt, là nguồn lực cũng như ý thức, trách nhiệm của người dân còn rất hạn chế khi tham gia đóng góp xây dựng NTM… Nhưng quan trọng nhất là, trong khi nguồn lực bố trí cho xây dựng NTM còn hạn chế thì tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún vẫn rất phổ biến.
“Để đầu tư cho những xã này đạt chuẩn những tiêu chí về hạ tầng kinh tế, xã hội, cần một nguồn lực đầu tư lớn từ ngân sách nhà nước, có khi lên tới hàng trăm tỷ đồng/xã. Nhưng cách thức triển khai đầu tư trong xây dựng NTM tại các xã này vẫn mang nặng tính phân bổ bình quân, dàn đều, nên các công trình đầu tư manh mún, thiếu hiệu quả”, ông Thắng cho biết.
Thực tế cho thấy, để những xã khó khăn khu vực biên giới, vùng bãi ngang ven biển hoàn thành được các tiêu chí NTM, trước hết cần ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư; trong đó, tập trung hoàn thiện các công trình thiết yếu như: điện, đường, hệ thống thủy lợi nội đồng... để trực tiếp phục vụ sản xuất, cải thiện điều kiện sống của người dân và giảm nghèo bền vững. Có như vậy, các xã biên giới, vùng cao, xã bãi ngang ven biển mới thực hiện được khát vọng thoát nghèo, trở thành xã NTM
KHÁNH THƯ