Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Nữ sinh người Churu với thành tích học tập xuất sắc

Phan Minh Đạo - 07:45, 08/11/2022

Nữ sinh Ma Vĩ là sinh viên dân tộc Chu Ru vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Lâm Đồng đề cử lên Bộ GD&ĐT là học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc tiểu biểu để được vinh danh tại Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc tiêu biểu toàn quốc năm 2022, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 12 này.

Sinh viên Ma Vĩ tại Trường Đại học Sài Gòn
Sinh viên Ma Vĩ tại Trường Đại học Sài Gòn

Khi tôi viết bài báo này, Ma Vĩ đang theo học đại học năm thứ nhất ngành Du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi trở thành sinh viên Trường Đại học Sài Gòn, Ma Vĩ học tại Trường THPT Lộc Thanh, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

Qua Sở GD&ĐT, tôi được biết thành tích của nữ sinh Ma Vĩ thật đáng nể. Cả 3 năm học trung học phổ thông, em đều đạt danh hiệu Học sinh Giỏi toàn diện. Điểm trung bình 3 năm lớp 10,11,12 lần lượt là 9,0; 8,8; 8,9. Ma Vĩ là học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa Lí trong 2 năm: lớp 11 đạt giải Ba, lớp 12 đạt giải Nhì. Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm học 2021- 2022, Ma Vĩ có tổng điểm 50,45 (Toán 8,40; Văn 8,75; Anh 6,80; Sử 8,75; Địa 9,50 và Giáo dục công dân 8,25), điểm xét tốt nghiệp đạt 9,52. Điểm xét đại học 27,00 điểm và là học sinh có thành tích điểm thi cao nhất Khối C trong trường.

Trong quá trình học tập, Ma Vĩ là lớp phó học tập nhiệt tình, trách nhiệm cao trong mọi hoạt động. Em luôn ý thức khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một cán bộ lớp. Thành tích chung của tập thể lớp là Chi đoàn 10A3 xếp loại thi đua vị thứ Nhì toàn trường và Chi đoàn 11A3, 12A3 xếp loại thi đua vị thứ Nhất toàn trường. Với bạn bè, Ma Vĩ luôn hòa đồng, thân thiện, các bạn quý mến. Với thầy, cô và nhân viên trong nhà trường, em luôn ngoan ngoãn, lễ phép, được thầy, cô yêu quý.

Ma Vĩ sinh ngày 13/01/2004, ba mẹ đều là dân tộc Churu, định cư tại thôn Phú Ao, xã Tà Hine, huyện Đức Trọng. Gia đình đông con, 3 người còn đi học, ba mẹ đều làm nông, hoàn cảnh sống khó khăn nhưng Ma Vĩ luôn khát khao được đi học đại học chứ không phải bỏ học như anh trai. Sau khi học xong lớp 7 tại Trường THCS Tà Hine, được giới thiệu của cha xứ, em vào ở trong Mái ấm Thanh Xuân (huyện Bảo Lộc) và hoàn thành chương trình THCS tại Trường Chu Văn An với kết quả cả 4 năm đều đạt học sinh giỏi.

Trường THPT Lộc Thanh, huyện Bảo Lâm - nơi nữ sinh Ma Vĩ đạt nhiều thành tích cao trong học tập
Ngôi trường THPT Lộc Thanh, huyện Bảo Lâm - nơi nữ sinh Ma Vĩ đạt nhiều thành tích cao trong học tập

Tiếp tục học THPT tại Trường THPT Lộc Thanh, huyện Bảo Lâm, Ma Vĩ chia sẻ: “Ở Mái ấm Thanh Xuân, tài liệu học tập không được đầy đủ như bên ngoài nên khi học xong là con lại lên thư viện của trường để đọc sách. Con cố gắng đi học đủ buổi để đảm bảo mình không mất một lượng kiến thức nào. Sau khi nghe các thầy cô giảng bài, chỗ nào không hiểu con sẽ hỏi lại ngay, hoặc nhờ các bạn giải thích lại, con sẽ tìm hiểu đến khi nào mình hiểu thì thôi. Mặc dù có khó khăn nhưng con nghĩ nếu thực sự cố gắng, có nghị lực thì ắt sẽ thành công”.

Chia sẻ thêm kinh nghiệm đạt thành tích học sinh giỏi môn Địa Lí, Ma Vĩ cho biết, em đã giành nhiều thời gian để học bộ môn này vì cảm thấy kiến thức môn học rất hay và ý nghĩa. “Khi đi sâu vào tìm hiểu, con lại khám phá ra đất nước mình rất đẹp, được thiên nhiên ban tặng nhiều điều thú vị. Con cảm thấy rất thích thú và điều đó lại giúp con đam mê tìm hiểu về bộ môn này. Con sắp xếp kiến thức một cách hợp lí nhất, rồi cố gắng nhớ chúng thật lâu, cứ cách một thời gian là con tự nhắc lại để không quên mất”, Ma Vĩ nói.

Hỏi lý do vì sao thích học đại học ngành Du lịch, Ma Vĩ chia sẻ: “Con có sở thích đi khám phá, muốn mình bước ra khỏi vùng an toàn để mình trưởng thành, có thể cải thiện cuộc sống của gia đình sau khi ra trường để mong trả hiếu cho ba mẹ”.

Để hoàn thành hoài bão tốt nghiệp đại học, Ma Vĩ đang lập kế hoạch học tập khoa học và đặc biệt là ý thức tự giác cao trong các công việc. Tự tin, cởi mở, thích nghi nhanh với môi trường học tập mới để xứng đáng là thủ khoa của ngành Du lịch trong cảm nhận của bạn bè sinh viên.

“Em có muốn nhắn gửi gì với các bạn học sinh thế hệ sau”, tôi hỏi.

Ma Vĩ nói: “Khi làm một việc gì đó, ta phải đặt một mục tiêu và phấn đấu để đạt được mục tiêu đó. Việc học cũng vậy, đừng xem nó là áp lực mà là niềm vui, được khám phá điều mới. Nhiều bạn là người dân tộc thiểu số như con đã phải bỏ học giữa chừng vì các bậc phụ huynh vẫn có suy nghĩ chỉ cần biết chữ là được, không cần phải học cao. Hoặc cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên các bạn phải nghỉ học giữa chừng. Thậm chí có nhiều người quan niệm rằng, con gái học nhiều làm gì, học xong rồi cũng về lấy chồng. Con biết áp lực từ gia đình khiến nhiều bạn phải từ bỏ việc học. Nhưng chỉ cần các bạn cố gắng thể hiện bản thân để được mọi người công nhận thì làm việc gì cũng sẽ dễ dàng hơn. Chỉ cần các bạn không quản ngại khó khăn vươn lên trong học tập nhất định sẽ thành công”.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.