Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nước mắt của người trồng cao su rơi sau bão số 5

PV - 15:59, 27/09/2020

Cơn bão số 5 vừa qua đã làm hơn 2.000 ha rừng trồng và cao su của tỉnh Thừa Thiên Huế bị gãy đổ, gây thiệt hại lớn cho người dân các xã vùng gò đồi.

Những vườn cao su của người bị bão số 5 tàn phá
Những vườn cao su của người bị bão số 5 tàn phá

Bão số 5 đi qua địa bàn Thừa Thiên Huế quật đổ nhiều rừng cao su, nặng nhất là vùng gò đồi xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền với hơn 700 ha cao su gãy đổ do bão. Hiện chính quyền địa phương đang hỗ trợ người trồng cao su khắc phục hậu quả thiên tai.

Vườn đồi cao su của ông Phan Tạo, ở xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền có diện tích 5 ha đang thời kỳ khai thác mủ cho thu nhập tiền triệu mỗi ngày. Cơn bão số 5 đi qua đã làm gãy đổ gần hết. Ông Tạo than thở, 10 năm qua, bao nhiêu công sức, vốn liếng của gia đình đổ vào vườn cây, giờ coi như mất trắng.

"Tôi trồng cả trước, sau là 5 ha và thời gian chăm sóc trong 8 năm, mỗi năm bình quân mỗi ha chăm sóc tới 20 triệu đồng, tiền phân giống và công cán, mới vào khai thác được 2 năm. Giờ trận bão đi qua thiệt hại gần 4 ha. Tính riêng vốn đầu tư ra là hơn 1 tỷ đồng. Chứ không biết sao đây mà tính" - ông Tạo buồn rầu cho biết.

Xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền có 180 hộ dân, 7.000 nhân khẩu chủ yếu sống dựa vào cây cao su và rừng trồng. Mô hình trồng cao su ở xã Phong Mỹ một thời được xem là mô hình “thoát nghèo” của huyện Phong Điền phút chốc rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần sau bão.

Hơn 700 ha cao su ở xã Phong Mỹ gãy đổ sau bão số 5.
Hơn 700 ha cao su ở xã Phong Mỹ gãy đổ sau bão số 5.

Ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền cho biết, bão số 5 làm 700 ha cao su và khoảng 300 ha rừng trồng trên địa bàn xã bị gãy đổ, thiệt hại rất nặng nề. Xã đã làm việc với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, giúp người trồng cao su tận thu gỗ để vớt vát một phần thiệt hại. Hiện, gỗ cao su được các doanh nghiệp mua tận nơi với giá 900.000 đồng một tấn và nhánh cao su giá 450.000 đồng một tấn.

Theo ông Nguyễn Hữu Chung, địa phương cũng kiến nghị các ngân hàng, tổ chức cho vay vốn có chính sách giãn nợ, khoanh nợ, giúp người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác phù hợp hơn.

Người dân chặt dọn cao su gãy đổ sau bão số 5.
Người dân chặt dọn cao su gãy đổ sau bão số 5.

Ông Chung cho biết: "Về hướng khắc phục cây cao su sau bão, Ủy ban nhân dân xã đề nghị những vườn nào đổ liệt, gãy thì đề nghị cắt sạch để trồng lại. Thứ hai, nếu như nhân dân không trồng lại cao su thì xã sẽ xin ý kiến của huyện có định hướng trồng cây gì để có lợi cho bà con. Còn lại vườn nào cắt tỉa vận động bà con tiếp tục để lại diện tích cao su để có thu nhập tạo công ăn việc làm cho bà con trên địa bàn".

Cơn bão số 5 vừa qua đã làm hơn 2.000 ha rừng trồng và cao su của tỉnh Thừa Thiên Huế bị gãy đổ, gây thiệt hại lớn cho người dân các xã vùng gò đồi.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra cao su gãy đổ tại xã Phong Mỹ.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra cao su gãy đổ tại xã Phong Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, đối với những vườn cao su ở xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, bà con đã trồng gần 20 năm trước. Thời đó, Phong Mỹ là xã đi đầu trong phong trào trồng cao su của tỉnh Thừa Thiên Huế. Loại cây này góp phần đưa Phong Mỹ từ một xã khó khăn nhất của huyện Phong Điền vươn lên thành địa phương có thu nhập đầu người cao nhất huyện.

Khi cây cao su bị gió bão làm gãy đổ nhiều, các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế đã khuyến cáo người dân ở gò đồi, vùng núi thuộc địa phương này hạn chế mở rộng diện tích trồng cây cao su. Từ sau năm 2013 đến nay, tỉnh khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích trồng cao su. Hiện cả tỉnh còn 8000 ha cây cao su, giảm gần 500 ha.

Sau những thiệt hại nặng nề do bão số 5 gây ra, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu chính quyền các cấp khẩn trương tìm phương án hỗ trợ, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

"Chúng tôi đang yêu cầu địa phương các cấp tìm kiếm nguồn tiêu thụ, rồi thu hoạch để giải quyết khó khăn cho bà con. Ngoài ra theo chính sách hiện hành, thì tiếp tục thống kê chi tiết các khối lượng thiệt hại để tiến hành có những chính sách để hỗ trợ giúp đỡ khó khăn cho người dân" - ông Phương cho biết./.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.