"Bóng tối" của phim ngắn
Phát trên các nền tảng mạng xã hội là các thể loại phim ngắn nội dung xoáy vào các mối quan hệ gia đình như mẹ chồng nàng dâu, tiểu tam, chị dâu em chồng…. Sẽ không có gì đáng nói, nếu như bên cạnh những bộ phim có nội dung tích cực, thì ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm phản cảm, lệch chuẩn khiến không ít người giật mình…
Theo đó, người xem chỉ cần vài thao tác là các bộ phim ngắn ngay lập tức xuất hiện. Cụ thể, gõ những từ khóa như “mẹ chồng nàng dâu”, “tiểu tam”, “chị dâu em chồng”, “bạo lực học đường”… là có thể xem hàng loạt video clip với nhiều phần, nhiều tựa đề khác nhau. Những nội dung này thu hút được lượng người xem khổng lồ và nhận về nhiều lượt bình luận khen chê. Tuy nhiên, thay vì khai thác những mặt tích cực, có giá trị cho xã hội thì hầu hết chúng thường mang nội dung phản cảm và vi phạm chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục. Và càng đáng nói hơn khi khán giả của loại phim ngắn này chủ yếu là trẻ em, trẻ vị thành niên, thanh niên…
Về bản chất, phim ngắn không xấu, đây là sản phẩm nội dung số cho phép khán giả xem những gì họ thích; diễn viên, quay phim, sản xuất, hậu cần, hậu kỳ có cơ hội được tập luyện, làm việc; cùng với đó, các nhãn hàng được quảng bá, xã hội có thêm các sản phẩm giải trí… Thế nhưng, vì lợi ích “câu view”, nhiều ê kíp đã bất chấp và không ngần ngại cho ra những sản phẩm phản cảm, tác động lớn đến tâm lý người xem. Đa phần phim ngắn được quay dựng nhanh với lượng diễn viên không nhiều, bối cảnh đơn giản, nội dung xoáy vào các mối quan hệ gia đình nhưng theo hướng nhảm nhí, ngập ngụa trong “sốc, sếch, sến”…
Cụ thể, phim thường khai thác những góc tối của đời sống xã hội, như trong hầu hết các video về “tiểu tam” thường có mô tuýp bị bạn thân cướp chồng, cướp vợ, đến khi bị phát hiện chính thất sẽ lao vào giật tóc, bạt tai đối phương; về phần kẻ thứ ba thì trơ trẽn thách thức với những lời lẽ khó nghe. Hay những phim ngắn về quan hệ “mẹ chồng nàng dâu” cũng chiếm sóng quá nhiều với hình ảnh bà mẹ chồng nanh nọc, hành hạ con dâu hơn cả thời phong kiến, hoặc ngược lại là sự coi thường của nàng dâu phố đối với những bà mẹ chồng từ quê lên chơi... Rõ ràng, những hình ảnh này hoàn toàn đi lệch với giá trị đạo đức truyền thống của người Việt Nam. Nhất là khi chúng ta đang sống trong một xã hội hiện đại, phụ nữ ngày càng đòi hỏi sự công bằng trên mọi lĩnh vực.
Hay đề tài “coi thường chủ tịch và cái kết” cũng được nhiều ê kíp khai thác triệt để. Với mô tuýp quen thuộc vẫn là chủ tịch giả nghèo, gặp lại bạn bè cũ và bị họ coi thường, thậm chí cả một đám đông những người được coi là thành đạt, giàu có lao vào chửi bới, thóa mạ. Đây là điều hoàn toàn đi ngược với bản tính trọng tình cảm dân tộc Việt. Điều đáng lên án hơn cả là có những ê kíp còn khai thác cả những đề tài loạn luân, và đặc biệt, để thu hút hơn, những cảnh nhạy cảm, tình huống giật gân được họ đẩy lên cao trào với những chi tiết phi thực tế, lời thoại dung tục…
Hệ luỵ trong văn hoá ứng xử của giới trẻ
Có thể thấy, với sự bùng nổ các nền tảng mạng xã hội, nhiều ê kíp đã sáng tạo nội dung nhằm tăng tương tác, tăng lượng người theo dõi để tìm kiếm lợi nhuận từ việc quảng cáo, bán hàng. Tuy nhiên, thay vì mang đến những nội dung tích cực, có giá trị nhân văn thì không ít người lại chọn “lối đi tắt” bằng cách mang đến những bộ phim ngắn phản cảm, để lại hậu quả khôn lường, nhất là đối với khán giả trẻ.
Hiện các sản phẩm này được phổ biến do lượng lớn người dùng trẻ thường xuyên sử dụng mạng xã hội để giải trí. Vì thế, nhiều người lo ngại rằng, khi giới trẻ bị lôi cuốn bởi những phim ngắn có nội dung không lành mạnh, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tinh thần, tạo nên những suy nghĩ lệch lạc. Thậm chí, nội dung đi ngược lại văn hóa tốt đẹp nếu lặp đi lặp lại với một người trưởng thành cũng có thể khiến họ cảm thấy quen thuộc với những điều xấu, những điều phản cảm và lâu dần sẽ coi đó là hiển nhiên. Nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn, những sản phẩm “rác”, bẩn, độc hại sẽ tạo ra hố đen về nhận thức, hành vi trong giới trẻ hiện nay.
Chúng ta đã từng chứng kiến những đoạn video “đen” bị cấm trình chiếu, nhưng vẫn lọt ra ngoài và phát tán với mức độ khủng khiếp, thu hút đông đảo người xem. Điều đó cho thấy những “lỗ hổng” của mạng xã hội trong thời đại số. Thời gian qua, một số cá nhân, đơn vị đã bị xử phạt khi đăng tải các nội dung không phù hợp. Đơn cử, cơ quan chức năng cũng đã xử phạt trang web http://lifetv.vn đăng tải phim Vụ thảm sát số 6 số tiền 25 triệu đồng và buộc gỡ bỏ; Căn hộ số 69 vi phạm việc chiếu phim khi chưa được phép, bị phạt 10 triệu đồng. Cơ quan chức năng cũng xử phạt 30 triệu đồng đối với đối tượng Trà Ngọc Hải (trú tại quận Bình Tân, TP.HCM) vì đưa nhiều phim không phù hợp với thuần phong mỹ tục tại kênh YouTube... Tuy nhiên, rất hiếm cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức xử phạt bằng tiền như vậy chẳng đáng là bao so với lợi nhuận mà họ thu được. Đây cũng là nguyên nhân khiến số lượng các “nhà sản xuất” ngày càng đông và tình trạng xả “rác văn hóa” ngày một nhiều hơn.
Cần một sự thanh lọc
Theo TS Phạm Hải Chung, Viện Báo chí và truyền thông, Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, khi internet phát triển quá nhanh, thông tin ngập tràn, thì người dùng thiếu kỹ năng, năng lực số để họ có trách nhiệm với những nội dung mình phát ra, ứng xử với thông tin thậm chí còn nghĩ tới những hậu quả của thông tin đó. Bên cạnh đó còn thiếu kỹ năng về phân biệt thông tin và cách hành xử văn minh trên môi trường mạng.
Thực tế là thông tin mang tính giáo dục thường khiến người xem cảm thấy nhàm chán, giáo điều, không hấp dẫn bằng những nội dung được cho là độc, lạ. Cách thức của những thông tin rác này là đưa vào những nội dung giật gân, phản cảm, trái thuần phong mỹ tục, nội dung sai sự thật hoặc dùng ngôn từ thiếu văn hoá, gây sốc để tạo sự tò mò, hiếu kỳ cho người xem. Và những gì càng giật gân, càng lố lăng, nhảm nhí lại càng được người dùng mạng phát tán rộng rãi với tốc độ chóng mặt.
"Nếu nhìn tác hại về lâu dài thì chắc chắn “rác văn hóa" trên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng tới cả một thế hệ người dùng mạng. Chúng ta hành xử thế nào trên internet thì nó cũng giống như ta hành xử ở nơi công cộng. Và nếu như thông tin này được phát tán rộng rãi lâu dài, nó sẽ trở thành trào lưu tác động đến nhận thức của người dùng", TS Phạm Hải Chung khẳng định.
Không ai ngăn cản, cấm đoán sở thích, thị hiếu của người dùng mạng xã hội. Nhưng cư dân mạng cũng không nên thờ ơ, bàng quan với vấn nạn "rác văn hóa" đang hàng giờ, hàng ngày tiêm nhiễm độc hại vào tâm hồn, nhận thức của lớp trẻ nói riêng và của mỗi chúng ta nói chung. Nếu như người dùng mạng xã hội đứng ngoài cuộc thì dù cơ quan chức năng có mạnh tay, quyết liệt đến mấy cũng rất khó đạt hiệu quả. Do đó, chung tay làm sạch rác văn hóa trên mạng xã hội để tránh hệ lụy khôn lường tới đời sống hiện tại và thế hệ tương lai là trách nhiệm không của riêng ai.