Được anh Thào A Chư, Phó trưởng Công an xã Nậm Có dẫn đường, chúng tôi vào Lùng Cúng. Trời khô ráo nên con đường đất duy nhất nối bản Lùng Cúng với trung tâm xã Nậm Có cũng không quá khó đi, nhưng cũng mất gần 3 tiếng đồng hồ đi xe máy, chúng tôi mới vào đến bản.
Rất may Trưởng bản-ông Tráng Sung Của không đi rừng. Trong câu chuyện, Trưởng bản Tráng Sung Của bảo, không có sóng điện thoại nên nhiều khi khách vào cũng chẳng biết mà đón tiếp.
Ông Của thông tin, bản Lùng Cúng có 182 hộ, trên 1.000 nhân khẩu. Bản Lùng Cúng hiện nay sáp nhập từ hai bản, gồm bản Phình Ngài và bản Lùng Cúng. Bản có 6 dòng họ (Cháng, Giàng, Thò, Vàng, Lý, Lù) đều là đồng bào dân tộc Mông; bà con sống với nhau đoàn kết, hòa thuận, vui vẻ.
“Trước đây, để vào được bản Lùng Cúng trời nắng cũng như trời mưa phải đi bộ xuyên rừng qua hơn chục cái đồi núi. Nay thì đỡ hơn nhờ có con đường do người dân tự mở”, ông Của cho biết.
Ông Của kể, năm 2008, để thuận lợi hơn trong việc đi lại, bà con trong bản đã cùng nhau mở con đường đất. Con đường được hoàn thành vào cuối năm 2011, năm 2012 bà con bắt đầu đi lại được bằng xe máy, do đó đến nay việc đi lại cũng đã dễ dàng hơn nhiều rồi.
“Nhưng sóng điện thoại và điện lưới thì chưa có đâu. Để kết nối cung cấp thông tin với xã, bà con phải đi về phía trung tâm xã và tìm các điểm có thể tiếp sóng điện thoại để gọi. Còn để có điện chiếu sáng, bà con phải mua máy phát điện mi ni đặt trên các con suối”, Trưởng bản Tráng Sung Của chia sẻ.
Ông Của dẫn chúng tôi ra con suối nhỏ trước cửa nhà và chỉ cho chúng tôi những chiếc máy phát điện mini của gia đình ông và nhiều hộ dân khác. Ông bảo, do lượng nước ở đây không ổn định nên điện rất yếu, thường chỉ thắp sáng được một hoặc hai bóng nhỏ. Những thiết bị như Tivi, đài,… chỉ là niềm mong ước xa vời của bà con nơi đây.
Theo thống kê, Lùng Cúng hiện có hơn 100 chiếc máy phát điện mini tại các con suôi nhỏ, mỗi chiếc máy phát điện có giá khoảng 2 đến 3 triệu đồng. Nhiều hộ phải bán lợn, gà, thóc, ngô tích cóp để mua máy phát điện. Theo ông Của, vào mùa mưa lũ, không ít máy phát điện của bà con đã bị lũ cuốn trôi. Thiếu điện, người dân gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, sản xuất do không tiếp cận được với các phương tiện, máy móc hiện đại. Những hộ có điều kiện, mua tivi, loa đài hay máy nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động nhưng không có điện nên rồi cũng bỏ không.
Men theo con suổi nhỏ trước cửa nhà ông Của, chúng tôi tận mắt chứng kiến những chiếc máy phát điện tự chế của bà con, ở đây nguồn nước chảy khá chậm nên bà con phải chặn dòng nước bằng ván gỗ, những hòn đá to hoặc những bao cát để đặt máy phát điện ở giữa dòng chảy. Từ những chiếc máy phát điện này, những đoạn dây được kéo hết sức sơ sài để đưa điện về nhà, nhiều chỗ còn để lộ phần ruột dây điện bên trong tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, nhất là vào mùa mưa hay khi xảy ra các hiện tượng thời tiết như sấm, chớp, giông, bão,…
Đêm ở Lùng Cúng xuống nhanh, mới hơn 17 giờ, kèm với chút se lạnh bóng tối đã dần bao trùm lên khắp bản làng. Trực tiếp chứng kiến cảnh bà con sinh hoạt không có điện mới hiểu được hết những khó khăn, thiệt thòi mà họ phải chịu bao năm qua. 182 hộ dân tộc Mông nơi đây thật sự khao khát được sử dụng điện lưới quốc gia để xua tan đi bóng tối, hủ tục vì thiếu kiến thức và xua đi cái đói cái nghèo cứ bám riết lấy bản làng nhỏ.
Nhìn những đứa trẻ độ 7 đến 10 tuổi đang cầm những cuốn sách dưới ánh đèn yếu ớt của bóng điện ngoài sân, ông Tráng Sung Của, tâm sự: “Chẳng biết đến khi nào điện mới về bản, bà con thật sự mong sớm được sử dụng điện lắm để cải thiện cuộc sống và nhất là để thắp sáng tương lai cho những đứa trẻ nơi đây”.
Ông Lò Ngọc Thắng, Chủ tịch xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, cho biết: Xã cũng đã kiến nghị rất nhiều lần về việc đưa điện về các bản còn chưa có điện, trong đó có Lùng Cúng. Nhưng vì kinh phí đầu tư lớn nên vẫn chưa thể thực hiện được. Không có điện, không có sóng điện thoại là rào cản lớn nhất trong việc bà con tiếp cận thông tin, văn hóa với bên ngoài. Đặc biệt là khó khăn trong việc kịp thời kết nối thông tin liên lạc trong việc đảm bảo công tác an ninh trật tự bản làng.
HOÀI DƯƠNG