Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Ổn định cuộc sống cho công dân “hồi hương” tránh dịch: Các địa phương đang tích cực vào cuộc (Bài 2)

Hải Tiến - 14:45, 24/08/2021

Thời gian cách ly rồi sẽ hết, những công dân trở về quê nhà tránh dịch sẽ đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn về việc làm, thu nhập, chỗ ở, học hành của con cái… An cư cho người hồi hương sẽ là câu chuyện không mấy dễ dàng của các cấp chính quyền, các ngành liên quan và chính của người trong cuộc.

Công ty TNHH Havina Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đang có nhu cầu tuyển dụng hàng ngàn lao động ngành may mặc.
Công ty TNHH Havina Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đang có nhu cầu tuyển dụng hàng ngàn lao động ngành may mặc.

Chia khó với người dân hồi hương

Hàng ngàn lao động hồi hương bước đầu sẽ có cuộc sống khó khăn, bởi điều kiện sống và không có thu nhập. Việc quan tâm, hỗ trợ cuộc sống trước mắt cho người hồi hương đang được các tỉnh miền Trung gấp rút thực hiện. 

Sau thời gian cách ly, công dân sẽ hòa nhập lại cộng đồng. Khi ấy bao vấn đề sẽ nảy sinh, trong đó có việc thiếu đói.

Ông Vi HòeBí thư Huyện ủy huyện Kỳ Sơn - Nghệ An

Trong hàng ngàn lao động rời các tỉnh, thành phía Nam trở về Quảng Trị tránh dịch, nhiều người đã quyết định ở lại quê nhà tìm kiếm việc làm. Gia đình anh Lê Bá Chí (SN 1983, ở thôn Tân An, xã Hải An, huyện Hải Lăng, Quảng Trị), là một trường hợp như thế. 

Anh Chí tâm sự: Có thể gia đình tôi sẽ ở lại quê nhà tìm việc, không vào Nam nữa. Dù thu nhập có thể ít hơn, nhưng chi tiêu sẽ giảm nên vẫn có thể sống được. Quan trọng hơn là, còn có xóm giềng, anh em, bạn bè khiến mình vững tin hơn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng, qua tìm hiểu thì nhiều lao động về quê tránh dịch dự kiến ở lại tìm việc làm sau khi hoàn thành cách ly. Tỉnh đang nỗ lực qua nhiều kênh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công dân để có phương án hợp lý nhất, sớm nhất.

Thực tế thì, nhu cầu về lao động việc làm tại các doanh nghiệp, công ty ở khu vực miền Trung  vẫn còn lớn. Đó là điều kiện không thể lý tưởng hơn để lao động hồi hương có thể tìm việc tại quê nhà. 

Bà Trần Thị Hương Giang, phụ trách bộ phận Nhân sự Công ty TNHH Havina Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) cho hay: Dây chuyền sản xuất các sản phẩm găng tay thể thao, găng tay công nghiệp, trang phục thể thao có công suất 9,9 triệu sản phẩm/năm của doanh nghiệp đang cần khoảng 3.000 lao động. Công ty sẽ ưu tiên bố trí việc làm với lao động từng làm việc tại các khu công nghiệp phía Nam, không qua thời gian thử việc.

Lao động hồi hương còn mang theo cả con em trong độ tuổi đi học trở về. Để người lao động yên tâm gắn bó với quê nhà, thì việc bố trí trường lớp cho số học sinh là rất quan trọng. 

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An chia sẻ: Chúng tôi sẽ rà soát và bố trí chỗ học đầy đủ cho số học sinh này kịp năm học sắp tới. Trong cả hai trường hợp học sinh ở lại, hoặc chuyển trường theo bố mẹ mưu sinh, Sở sẽ phối hợp thật tốt để hoàn chỉnh hồ sơ cho các cháu.

Bà Lô Thị Kim Ngân đề nghị cần có giải pháp tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid -19
Bà Lô Thị Kim Ngân, Đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An đề nghị cần có giải pháp tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid -19

Để người lao động an cư

Với gần 113.000 lao động đang làm việc tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, Hà Tĩnh là một trong những địa phương có số lượng lao động xa quê nhiều nhất. Chia sẻ với những khó khăn của các lao động trở về quê trong đợt dịch này, một lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh: Không ít lao động người Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn nên tìm mọi cách về quê tránh dịch. Họ muốn ở lại quê nhà làm việc sau khi hoàn thành cách ly. Tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền, đối thoại doanh nghiệp, cung cấp các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh, các công trình, dự án trọng điểm, nhu cầu lao động để tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động tại quê hương; cũng như xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng lao động, giải quyết việc làm cho con em Hà Tĩnh trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng.

Còn tại Nghệ An, trong phiên thảo luận tổ của Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII mới đây, một số đại biểu đã có ý kiến đề nghị UBND tỉnh có chính sách về việc làm, tạo sinh kế lâu dài cho lao động hồi hương. Bà Lô Thị Kim Ngân (đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Thanh Chương) đặt vấn đề: Lao động người Nghệ An ở các địa phương trong cả nước hồi hương, với số lượng lớn sẽ ảnh hưởng nặng nề đến việc phát triển KT-XH, ổn định đời sống tại các địa phương, nhất là vùng DTTS và miền núi còn nhiều khó khăn. 

"Đề nghị tỉnh cần bổ sung kế hoạch 6 tháng cuối năm 2021 về chính sách việc làm, tạo sinh kế đối với lao động hồi hương, nhất là lao động vùng đồng bào DTTS để đảm bảo mục tiêu “kép” vừa phòng chống dịch, vừa tăng trưởng kinh tế", bà Ngân đề xuất.

Để giải quyết việc làm cho người lao động hồi hương bền vững, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh, tăng cường các giải pháp để tăng số lượng lao động nội tỉnh lên. Dự kiến 5 năm tới, tỉnh sẽ tăng lao động nội tỉnh từ 37% lên 66%, giảm lao động ngoại tỉnh; xuất khẩu lao động giảm một phần gắn với tăng cường giải quyết việc làm tại chỗ.

Tại Quảng Trị, tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp giúp người lao động có việc làm trên chính quê hương của mình. Hiện một số doanh nghiệp nơi đây đang có nhu cầu tuyển dụng lao động từ miền Nam trở về vào làm việc tại đơn vị, vừa giải quyết được nhu cầu khan hiếm lao động, vừa góp phần ổn định KT-XH. Đó là tin rất vui trong thời điểm dịch bệnh bùng phát dữ dội ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động.

Bà Nguyễn Thị Hoài Lê, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo các liên đoàn lao động huyện, thị xã, thành phố, phát phiếu khảo sát công nhân lao động để kịp thời đề xuất chính sách hỗ trợ về đời sống, việc làm trong thời gian tới. Nếu lao động không phải đoàn viên công đoàn, thì các liên đoàn cũng phải nắm con số để làm cầu nối đề xuất các doanh nghiệp tuyển dụng lao động, đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định cho người lao động tại quê hương.

Giúp người dân hồi hương an cư đang là mục tiêu được các tỉnh khu vực miền Trung khẩn trương thực hiện. Ngoài những hỗ trợ trước mắt, tạo việc làm trước mắt; các địa phương đã tích cực thăm dò ý kiến người dân về nhu cầu vay vốn, hỗ trợ mua con giống, nhu cầu cấp đất rừng sản xuất… để người dân từng bước ổn định cuộc sống. Đặc biệt, phối hợp tốt với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động quan tâm xây dựng nhà ở cho công nhân, nhà văn hóa, nhà trẻ tại các khu công nghiệp; hỗ trợ xe đưa đón công nhân ở xa… để “níu” lao động lại quê nhà một cách bền vững. 

Nhiều địa phương cũng đã có chiến lược đào tạo, giải quyết việc làm lâu bền; trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đào tạo chuyển đổi nghề gắn với nhu cầu thị trường, đồng thời kết hợp doanh nghiệp lựa chọn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngay trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư để người lao động thích ứng với mọi môi trường việc làm.

Tin cùng chuyên mục
Dấu ấn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ở Lào Cai

Dấu ấn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ở Lào Cai

Lào Cai là tỉnh vùng cao với trên 60% dân số là đồng bào DTTS; thời gian qua nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc của Nhà nước, đặc biệt là các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) đang phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK.