Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng giữa cộng đồng

Ông Chảo Duần Liềm gần 30 năm dạy chữ Nôm Dao

Phạm Thúy - A Pìn - 11:40, 13/06/2024

Ở thôn Thành Sơn, xã Bản Xèo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, ông Chảo Duần Liềm, sinh năm 1970, dân tộc Dao được biết đến là Người có uy tín nắm giữ nhiều tri thức dân gian của dân tộc Dao. Không chỉ có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, ông Chảo Duần Liềm còn là người trao truyền những tri thức dân gian cho con em người Dao.

Ông Chảo Duần Liềm tận tình chỉ bảo cho các học trò, nhất là người trẻ
Ông Chảo Duần Liềm tận tình chỉ bảo cho các học trò, nhất là người trẻ

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm thầy dạy chữ, dạy nghi thức, ông nội và cha của ông Liềm đều là những người truyền dạy chữ Nôm, am hiểu về tín ngưỡng phong tục, tập quán dân tộc Dao. Thời ấu thơ, ông Liềm đã theo cha của mình là ông Chảo Phù Quáng - thầy dạy chữ Nôm Dao thực hành các nghi lễ tín ngưỡng nổi tiếng ở vùng Bản Khoang, Sa Pa. Ông Liềm cho hay, trong bộ sách cổ của người Dao có nhiều cuốn, trong số đó, cuốn “San Quang Páo” dạy về văn hóa cội nguồn của người Dao; “Chủ Sồng” dạy cách đối nhân xử thế, ứng xử với ông, bà, cha, mẹ trong gia đình và với anh em, bạn, người quen, làng xóm, cộng đồng. Ngoài ra còn có những cuốn dạy về cách thực hành các lễ cúng trong năm, lễ cúng cấp sắc cho đàn ông Dao trưởng thành.

Năm 1994, Chảo Duần Liềm kết duyên với bà Hoàng Ú Mẩy và chuyển về quê vợ tại Bản Xèo, huyện Bát Xát sinh sống. Mang theo những kiến thức đã được học về chữ Nôm Dao, một năm sau, ông bắt đầu mở lớp dạy học và trở thành người thầy dạy chữ trên vùng quê Bát Xát.

Ông Chảo Duần Liềm luôn nâng niu, trân quý những cuốn sách do thế hệ trước để lại
Ông Chảo Duần Liềm luôn nâng niu, trân quý những cuốn sách do thế hệ trước để lại

Từ những nét chữ nguệch ngoạc đầu tiên như “vẽ chữ”, đến nay, cậu thanh niên Lý Láo Lở đã viết được những chữ khó trong các cuốn sách, đó là nhờ sự dày công tỉ mỉ chỉ dạy của thầy Liềm. Em Lở chia sẻ: Mặc dù viết chữ này rất khó nhưng em đã đọc được gần hết cuốn sách đầu tiên rồi. Thầy Liềm bảo, trong những cuốn sách này chứa đựng cả lịch sử của dân tộc mình nên phải học để biết mà còn lưu truyền lại cho con cháu về sau.

Cùng với việc học chữ viết, học các “lý” của người Dao thì một phần rất quan trọng mà các bạn nam nữ ở độ tuổi hẹn hò rất thích học, đó chính là những bài “Páo Dung” - hát để bày tỏ tình cảm với người thương, hát để người khác thấu hiểu, chia sẻ và cùng mình vun đắp hạnh phúc về sau... Và cũng qua những lời ca ngọt ngào ấy, nhiều đôi bạn đã nên vợ, thành chồng, xây dựng gia đình hạnh phúc bền lâu.

Ngôi nhà của ông Liềm là nơi để mọi người gặp gỡ cùng trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm sống
Ngôi nhà của ông Liềm là nơi để mọi người gặp gỡ cùng trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm sống

Không chỉ tinh thông nội dung trong các cuốn sách cổ và các nghi thức cúng lễ, các bài hát dân ca và nhiều bài văn, thơ hay, ý nghĩa trong sách cổ của người Dao đỏ, ở thôn Thành Sơn, ông Liềm còn được bà con tin tưởng bầu làm Người có uy tín và tham gia công tác Mặt trận của thôn. Với ông Liềm, việc truyền dạy tri thức dân gian luôn song hành với việc tuyên truyền, vận động bà con tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của các cấp chính quyền, đoàn kết thi đua phát triển kinh tế để cuộc sống của đồng bào ngày một tốt đẹp hơn.

Ghi nhận những cống hiến của ông Chảo Duần Liềm trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán dân tộc Dao, UBND tỉnh Lào Cai, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai, UBND huyện Bát Xát, chính quyền địa phương đã tặng thưởng cho ông nhiều Bằng khen, Giấy khen, danh hiệu, phần thưởng cao quý.

Sau 28 năm kể từ ngày đầu tiên mở lớp dạy chữ Nôm Dao, đến nay, ông Chảo Duần Liềm đã trở thành thầy của 280 học trò người Dao ở nhiều lứa tuổi khác nhau tại các xã Bản Xèo, Trịnh Tường, A Mú Sung của huyện Bát Xát...

Tin cùng chuyên mục
"Chữa bệnh" cho chiêng

"Chữa bệnh" cho chiêng

Với sứ mệnh lưu giữ “hồn cốt” của cồng chiêng Tây Nguyên, những nghệ nhân tại các buôn làng Gia Lai đang miệt mài chỉnh sửa những tiếng chiêng lạc nhịp, để tiếng chiêng, tiếng cồng cổ mãi ngân vang “chín suối, mười đồi”. Họ như những bác sỹ không quản ngại ngày đêm lặn lội trên khắp các buôn làng để "chữa bệnh" cho chiêng.