Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Pác Nặm (Bắc Kạn): Báo động tình trạng phụ nữ sinh con tại nhà

PV - 11:16, 12/08/2019

Thời gian qua, tỷ lệ sinh con thứ 3, sinh con tại nhà ở huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) đang có xu hướng tăng cao. Thực trạng này sẽ gây ra những hệ luỵ lớn trong cuộc sống của đồng bào DTTS.

Những con số báo động

Pác Nặm là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bắc Kạn. Huyện có 10 xã, với 120 thôn bản, có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống. Địa hình nơi đây chủ yếu là đồi núi, đường sá đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm 53,06% nên công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Theo thông tin của Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn huyện có 316 ca sinh, thì có 47 ca là sinh con thứ 3 trở lên, 76 ca sinh tại nhà. Cổ Linh và Cao Tân là 2 xã có nhiều phụ nữ sinh nhiều con và sinh tại nhà nhiều nhất trên địa bàn huyện Pác Nặm. Tại Cao Tân, trong 52 ca sinh từ đầu năm, có đến 18 người sinh con thứ 3 và 12 người sinh tại nhà; xã Cổ Linh, có 50 ca thì 13 người sinh con thứ 3 và 9 người sinh con tại nhà.

sinh con tại nhà Y sĩ sản nhi Lành Thị Bay (Trạm Y tế xã Cổ Linh) truyền thông kiến thức về sinh sản cho các chị em phụ nữ và vận động các sản phụ khi sinh nở cần đến trạm y tế.

Theo chân y sĩ sản nhi Lành Thị Bay (Trạm Y tế xã Cổ Linh) đến thăm khám thai cho chị Lý Thị Vàng (29 tuổi) tại thôn Lủng Phặc, anh Ngô Văn Hạnh, chồng chị Vàng cho biết, vợ anh dù đã mang bầu ở tháng thứ 9 nhưng vẫn đang đi chăn bò. Lần mang thai này là đứa con thứ 3 của gia đình. Anh chị đã sử dụng biện pháp đặt vòng để tránh thai nhưng vì không quen, chị đã tháo ra và quên không dùng các biện pháp khác nên lỡ có bầu. Lần thăm khám này, y sĩ Lành đã phải nhắc nhở gia đình cẩn thận khi chị có dấu hiệu trở dạ phải tới ngay trạm y tế chứ không được tự sinh ở nhà.

Trường hợp của chị Vàng không phải duy nhất trong số những phụ nữ sinh con thứ 3 và chọn cách sinh con tại nhà ở huyện miền núi Pác Nặm. Tại xã Cao Tân, có trường hợp phụ nữ sinh đến 5 con và đều đẻ tại nhà, không đến cơ sở y tế.

Mặc dù từ năm 2018, địa bàn Pác Nặm không phát sinh những tai biến sản khoa nghiêm trọng khi sinh con tại nhà, nhưng đây là một vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ và trẻ sơ sinh. Theo các bác sĩ, việc sinh tại nhà, phụ nữ phải đối diện với nguy cơ bị tai biến sản khoa không được xử lý kịp thời như: tiền sản giật, băng huyết, suy thai,… vô cùng nguy hiểm.

Bài toán khó

Bác sĩ Âu Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm cho biết, hiện nay 10/10 xã của huyện đều có Trạm Y tế, mỗi trạm trung bình có 5 cán bộ y tế. Nhân lực, trang thiết bị và trình độ chuyên môn tại Trung tâm Y tế Pác Nặm và các trạm y tế xã cơ bản đã đáp ứng được lĩnh vực quản lý thai nghén và đỡ đẻ theo quy định. Tuy nhiên, ngoài yếu tố phong tục tập quán của đồng bào Mông, Dao,… thì nguyên nhân tình trạng sinh con thứ 3 và sinh tại nhà vẫn còn cao là do đường sá đến cơ sở y tế còn khó khăn, nhiều hộ đồng bào dân tộc còn nghèo, dù sản phụ có thẻ BHYT, nhưng nhiều gia đình không có tiền chi phí để đưa sản phụ đến trạm y tế sinh nở…

Thời gian qua, cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản cũng đã rất tích cực tuyên truyền, giúp phát hiện sớm những trường hợp có thai, tư vấn, vận động hoặc mời các sản phụ đến các điểm khám thai và đến cơ sở y tế đẻ; chuẩn bị các dụng cụ, gói đẻ sạch, thuốc men cần thiết cho cán bộ trạm y tế, cô đỡ phục vụ kịp thời các cuộc đẻ tại nhà do không thể đến cơ sở y tế… nhưng thực trạng sinh con thứ 3 và sinh con tại nhà trên địa bàn Pác Nặm vẫn còn diễn biến phức tạp.

Bác sĩ Âu Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm cho biết, thời gian tới, Trung tâm sẽ tăng cường phối hợp với Trung tâm Dân số và cơ sở y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về các biện pháp đảm bảo sức khỏe sinh sản.

HỒNG PHÚC

Tin cùng chuyên mục
Đắk Nông dự kiến thu hút, đào tạo 73 bác sĩ

Đắk Nông dự kiến thu hút, đào tạo 73 bác sĩ

Ngày 6/9, tại Hội nghị giao ban báo chí định kỳ tháng 8, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông Huỳnh Thanh Huynh đã cung cấp thông tin về chính sách thu hút, đãi ngộ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh. Theo đó, năm 2024 ngành Y tế Đắk Nông dự kiến thu hút 53 bác sĩ và đào tạo sau đại học cho 20 bác sĩ.