Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Phân định trúng địa bàn để phát huy hiệu quả chính sách

Tùng Nguyên - 08:06, 11/06/2024

Phân định xã, thôn vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển là nhằm xác định rõ các khó khăn đặc thù, mức độ phát triển về kinh tế - xã hội, làm cơ sở để hoạch định, tổ chức triển khai các chính sách đầu tư, hỗ trợ. Tuy nhiên, để chính sách phát huy hiệu quả cao nhất, ngoài trình độ phát triển thì cũng cần xét đến các yếu tố khác để phân định địa bàn vùng DTTS và miền núi.

Xây dựng tiêu chí phân định miền núi, vùng cao một cách khoa học để xây dựng, tổ chức chính sách một cách hiệu quả hơn. (Trong ảnh: Một góc xã vùng cao Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An)
Xây dựng tiêu chí phân định miền núi, vùng cao một cách khoa học để xây dựng, tổ chức chính sách một cách hiệu quả hơn. (Trong ảnh: Một góc xã vùng cao Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An)

Phân định để tập trung đầu tư, hỗ trợ

Trong Báo cáo số 288/BC-HĐDT14 ngày 20/6/2017 về kết quả giám sát chuyên đề về phân định vùng DTTS và miền núi, Hội đồng Dân tộc (HĐDT) của Quốc hội xác định, việc phân định theo trình độ phát triển được thực hiện từ năm 1996 đến nay và chỉ phân định trong phạm vi đơn vị hành chính cấp xã, thôn thuộc địa bàn vùng DTTS và miền núi. Từ kết quả phân định này, Chính phủ đã xây dựng, ban hành (hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành) các cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ phù hợp với mức độ khó khăn của từng khu vực.

Giai đoạn 2021 - 2025, các xã thuộc vùng DTTS và miền núi được phân định theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đơn vị cấp thôn được phân định theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc). Số lượng xã, thôn vùng DTTS và miền núi giai đoạn này có biến động lớn so với giai đoạn trước khi được phân định theo bộ tiêu chí được quy định tại Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg, ngày 12/11/2020.

Số liệu của Vụ Dân tộc - Văn phòng Quốc hội cho thấy, từ năm 2021, cả nước có 1.832 xã trước đây thuộc vùng DTTS và miền núi đã ra khỏi danh sách do không đáp ứng điều kiện có 15% số hộ DTTS trở lên trong tổng số hộ toàn xã. Đồng thời, toàn vùng có 406 xã ra khỏi danh sách xã khu vực III, 6.954 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn so với giai đoạn 2016 - 2020.

Theo TS. Hoàng Xuân Lương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc, miền núi (nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc), việc phân định theo bộ tiêu chí được quy định tại Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg là rất đúng đắn, giúp giới hạn địa bàn cũng như xác định DTTS nào đang khó khăn nhất, để tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ. Đây cũng là cơ sở để thực hiện hiệu quả nguyên tắc đầu tư tập trung, có trọng tâm, tập trung ở vùng khó khăn nhất, bức xúc nhất của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG) theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội.

Hiện Chính phủ đang khẩn trương xây dựng bộ tiêu chí phân định miền núi, vùng cao, bảo đảm tính khách quan, khoa học, là cơ sở để phân định và áp dụng cho toàn bộ chính sách ở miền núi, vùng cao. Yêu cầu này xuất phát từ thực tiễn triển khai Quyết định 861/QĐ-TTg đã cắt giảm nhiều chính sách an sinh xã hội, có tác động trực tiếp tới vùng DTTS và miền núi.

Cần tiêu chí phân định miền núi, vùng cao

TS. Hoàng Xuân Lương cũng cho rằng, kết quả phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg chỉ phù hợp để triển khai Chương trình MTQG, chứ không phải bộ tiêu chí để thực hiện các chính sách an sinh xã hội khác. Bởi thực tế, từ năm 2021, rất nhiều xã khi không còn nằm trong danh sách xã khu vực III, không còn thụ hưởng chính sách hỗ trợ đã “hụt hơi” trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chỉ tiêu giảm nghèo.

Ngay nội tại việc phân định xã, thôn vùng DTTS và miền núi để triển khai Chương trình MTQG cũng đang bộc lộ bất cập. Cùng là xã khu vực III được thụ hưởng nguồn lực đầu tư, nhưng với xã vùng cao sẽ gặp khó khăn hơn so với xã vùng thấp khi thực hiện đầu tư.

Đó là chưa kể, ở một xã vùng thấp có điều kiện kinh tế tốt hơn, nhưng do đủ điều kiện về tỷ lệ hộ nghèo (từ 20% trở lên) thì được vào danh sách xã khu vực III; còn xã vùng cao, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, nhưng tỷ lệ hộ nghèo “dưới chuẩn” thì sẽ không được công nhận là xã đặc biệt khó khăn. Vì thế, theo TS. Hoàng Xuân Lương, về lâu dài phải xây dựng tiêu chí phân định miền núi, vùng cao một cách khoa học để xây dựng, tổ chức chính sách một cách hiệu quả hơn.

Thực tế, việc phân định miền núi, vùng cao đã được thực hiện từ hàng chục năm nay. Trong Báo cáo số 288/BC-HĐDT14 ngày 20/06/2017, HĐDT của Quốc hội cho biết, năm 1993 đến nay (tính đến năm 2017), đã có 9 quyết định của cấp có thẩm quyền công nhận tỉnh, huyện, xã là miền núi, vùng cao.

“Kết quả phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi và vùng cao là căn cứ quan trọng trong hoạch định chính sách cũng như tổ chức thực hiện chính sách nói chung trên địa bàn cả nước và địa bàn vùng DTTS và miền núi đã và đang được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương áp dụng”, HĐDT của Quốc hội khẳng định.

Tuy nhiên, HĐDT của Quốc hội cũng đánh giá, việc phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao từ năm 1993 đến nay chỉ dựa trên yếu tố độ cao so với mặt nước biển (trên 600m so với mực nước biển là vùng cao; trên 200m là miền núi) là quá đơn giản. Tiêu chí này chưa thể hiện tính khoa học, chưa đủ các căn cứ, mức độ khó khăn, phức tạp về địa hình, địa chất, các tác động, ảnh hưởng trực tiếp của diện tích miền núi, vùng cao đối với đời sống, sinh hoạt của đa số dân cư trong vùng...

“Nếu không có sự điều chỉnh kịp thời, sẽ không đạt mục đích, hiệu quả của chính sách; đồng thời sẽ nảy sinh sự thiếu bình đẳng về đầu tư và chính sách xã hội giữa các địa bàn có địa hình chia cắt phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, độ dốc cao, đa số cư dân sinh sống, sản xuất trên địa hình miền núi, vùng cao... với các địa bàn khác”, HĐDT của Quốc hội nhấn mạnh.