Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Phấn khởi, tin tưởng và kỳ vọng…

Hồng Phúc - 11:24, 05/12/2020

Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II vừa khép lại nhưng dư âm của Đại hội vẫn lắng đọng trong trái tim, tâm khảm của tất cả 1592 đại biểu ưu tú là những “bông hoa ngát hương” trong vườn hoa rực rỡ sắc màu của 54 dân tộc Việt Nam. Những cảm xúc, niềm vinh dự, tự hào, sự kỳ vọng và cả những suy nghĩ, trăn trở về trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng dân tộc mình, với quê hương, đất nước mình… đã được các đại biểu chia sẻ tâm huyết tại Đại hội. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã ghi lại những cảm nhận của một số đại biểu tại Đại hội.

Bà Lỳ Thị Phương Diện (dân tộc Hà Nhì), Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Điện Biên: Kỳ vọng lớn vào Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Phấn khởi, tin tưởng và kỳ vọng…

Cùng với gần 1.600 đại biểu ưu tú của 54 dân tộc anh em hội tụ về Đại hội lần này, tôi vô cùng hạnh phúc vì được lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, truyền cảm hứng, kết nối đồng bào trên mọi miền tổ quốc. Càng vui hơn khi được biết lần đầu tiên có một Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi với tổng mức vốn bố trí cho giai đoạn 2021-2025 là hơn 130.000 tỷ đồng. Là người con của dân tộc Hà Nhì, tôi kỳ vọng rất nhiều vào Chương trình này sẽ mở ra cơ hội và góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào trên quê hương Điện Biên nói riêng và cả nước nói chung.

Cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai, thực hiện, tỉnh Điện Biên cũng đã đề ra mục tiêu “Quyết tâm đưa Điện Biên thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững” với 9 nhiệm vụ chủ yếu, trọng tâm. Đây là nhiệm vụ lớn với không ít khó khăn thách thức. Tuy nhiên, đồng bào DTTS tỉnh Điện Biên sẽ quyết tâm vươn lên để địa phương mình không bị bỏ lại phía sau và có cuộc sống ngày càng no ấm. 

Ông Triệu Tài Phong, dân tộc Dao, Bí thư Huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang: Các giá trị văn hóa truyền thống đang được bảo tồn, phát huy hiệu quả.

Phấn khởi, tin tưởng và kỳ vọng… 1

Huyện Quang Bình là vùng đất hội tụ văn hoá của 9 dân tộc anh em cùng chung sống. Nhiều năm qua, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện đã tạo dựng được những giá trị văn hoá phong phú, mang nét đặc trưng riêng. Với những chính sách hiệu quả, thiết thực của Nhà nước, các giá trị văn hóa truyền thống ấy đã và đang được bảo tồn và phát huy hiệu quả.

Điều đáng mừng nhất là thế hệ trẻ của huyện Quang Bình đã được trao truyền tinh thần quý trọng, trách nhiệm bảo tồn và phát huy kho báu văn hoá cha ông. Hiện nay, toàn bộ các trường học trên địa bàn huyện đều triển khai mời các nghệ nhân đến dạy cho học sinh về nghề truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ....

Nhờ chú trọng công tác bảo tồn văn hoá gắn với phát triển du lịch, những năm gần đây, Quang Bình trở thành điểm đến hấp dẫn, ngày càng thu hút được sự quan tâm đặc biệt của du khách trong và ngoài nước. Văn hoá đã thực sự trở thành sức mạnh nội sinh và là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bà Phạm Thị Lâm, dân tộc Chứt, Người có uy tín bản Cáo, xã Lâm Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình: Bản người Chứt hôm nay như đã được thay áo mới! 

Phấn khởi, tin tưởng và kỳ vọng… 2

Tôi cảm nhận được rất rõ hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với dân tộc rất ít người nói chung và dân tộc Chứt nói riêng. Các chính sách dân tộc đã tập trung vào hai lĩnh vực chính là hỗ trợ giáo dục và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, nhờ đó những năm gần đây, bản Cáo của người Chứt như được thay áo mới. Hiện nay, 100% đường làng đã được bê tông hoá, nhà ai cũng được sử dụng điện lưới quốc gia, người dân đã biết đến trạm y tế khám chữa bệnh mỗi khi bị ốm đau bệnh tật. Ai cũng có ý thức chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế để dần thoát khỏi cuộc sống nghèo khó.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh: Đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện được thụ hưởng nhiều chính sách dân tộc.

Phấn khởi, tin tưởng và kỳ vọng… 3

Bình Liêu là huyện miền núi với trên 96% là đồng bào DTTS. Trong những năm qua, nhiều chương trình dự án, chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ đã được triển khai trên địa bàn huyện và đã phát huy hiệu quả.

Đơn cử như các Chương trình 135; Quyết định 2085/QĐ-TTg về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 – 2020.... đã tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất về đời sống, sản xuất; từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho hộ DTTS nghèo.

Từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo gần 50%, nay đã giảm xuống còn 3,15%. Huyện đã đưa tất cả các xã thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 từ năm 2019 (trước 1 năm so với lộ trình). Đời sống Nhân dân vùng đồng bào DTTS được nâng lên; khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền rút ngắn. Đồng bào ngày càng tin tưởng vào đường lối đổi mới, sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước, tích cực thi đua lao động, sản xuất, giảm nghèo, tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Hiện nay huyện đang nỗ lực để đạt chuẩn nông thôn mới.

Bà Sity Hara, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Ban Từ thiện Xã hội Phụ Nữ Islam An Giang: Chất lượng nhân lực đồng bào Chăm đang ngày càng được nâng cao.

Phấn khởi, tin tưởng và kỳ vọng… 4

An Giang là tỉnh có hơn 14 ngàn người dân tộc Chăm, thực hiện chính sách giáo dục, đào tạo cho đồng bào dân tộc, tỉnh An Giang đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Một điểm sáng trong công tác giáo dục dân tộc ở An Giang là xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, chống bỏ học và nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo. Trong đó, tập trung đầu tư hệ thống trường lớp cho đồng bào dân tộc từ mầm non đến THPT và trường dạy nghề rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh.

Chúng tôi rất vinh dự và tự hào khi trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 em được đi du học nước ngoài, trong đó có hơn một nửa các em được nhận học bổng của các nước như Malaysia, Indonexia, Saudiarabia,…

Tuy nhiên, cũng có một khó khăn là trường dự bị đại học ở quá xa, đồng bào Chăm mong muốn được Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng một trường đại học cho con em đồng bào dân tộc Chăm nói riêng và các em dân tộc khác ở khu vực Tây Nam Bộ nói chung.

Tin cùng chuyên mục
Tu Mơ Rông (Kon Tum): “An cư lạc nghiệp” nhờ chính sách cho vay xây dựng nhà ở

Tu Mơ Rông (Kon Tum): “An cư lạc nghiệp” nhờ chính sách cho vay xây dựng nhà ở

Thực hiện Nghị định số 28/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã triển khai cho hơn 1.233 hộ đồng bào DTTS vay để sửa chữa và xây dựng nhà ở kiên cố. Qua đó, giúp đồng bào DTTS an cư và yên tâm lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.