Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Phát huy bản sắc văn hóa để thoát nghèo

PV - 09:37, 16/01/2019

Với khả năng thêu thùa, may vá, chị Lỳ Gió Nu, dân tộc Hà Nhì, ở bản Pắc Ma, xã Ka Lăng (Mường Tè, Lai Châu) đã tự tạo việc làm cho mình với thu nhập ổn định. Không những vậy, qua bàn tay khéo léo của chị, những bộ váy áo truyền thống của người Hà Nhì được lưu truyền, quảng bá rộng rãi.

Lấy chồng năm 21 tuổi, không như những chị em khác thường chọn nương rẫy để mưu sinh, chị Lỳ Gió Nu quyết định theo nghề thêu thùa, may vá. Chị bảo, thông thường, thiếu nữ Hà Nhì trước khi làm dâu cũng phải có vài bộ trang phục truyền thống để làm của hồi môn; hơn nữa, giờ cũng có nhiều khách du lịch lên Ka Lăng, thường tìm mua những sản phẩm truyền thống của bà con trên này làm quà.

Chị Lỳ Gió Nu, bản Pắc Ma, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, Lai Châu đang may trang phục truyền thống. Chị Lỳ Gió Nu, bản Pắc Ma, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, Lai Châu đang may trang phục truyền thống.

Theo chị Nu, bộ trang phục truyền thống của người Hà Nhì bao gồm áo, quần và khăn quấn đầu với sự phong phú cả về chất liệu và kiểu dáng. Để làm thủ công một bộ trang phục truyền thống của dân tộc Hà Nhì, người may phải tự đo, cắt và khâu chắp nối các mảnh vải lại với nhau và thêu mất khoảng từ 3 -4 tháng mới xong; rồi lựa chọn các loại cúc bạc, cúc đồng với kích thước, hình dáng to nhỏ khác nhau để đính trên áo…

Chị Lỳ Gió Nu chia sẻ, ban đầu, chị may hoàn toàn bằng thủ công nên việc cắt may rất vất vả và mất khá nhiều thời gian. Sau này, có chút vốn, chị mua lại một chiếc máy may công nghiệp, từ đó sản phẩm làm ra gấp đôi so với trước đây. Hiện bình quân 2 tháng chị may được 1 bộ. Một bộ trang phục truyền thống của dân tộc Hà Nhì hoàn chỉnh kết đính hoa văn với các loại cúc chất liệu bạc chị bán với giá 15 triệu đồng; bộ hoàn chỉnh với các loại cúc là chất liệu đồng bán với giá 10 triệu đồng; bộ không có cúc là 8 triệu đồng. Mỗi năm, trung bình chị Nu may từ 4 đến 5 bộ, thu nhập từ 50-60 triệu đồng/năm.

“Trước đây, trang phục tôi may chỉ phục vụ cho chị em trong bản, sau đó một số người ở bản khác chuẩn bị lấy chồng cũng đến đặt may với tôi để làm của hồi môn, thậm chí khách du lịch đi ngang qua họ cũng sẵn sàng mua để làm kỷ niệm”, chị Nu tâm sự.

Theo chị Nu, trang phục dân tộc Hà Nhì có ý nghĩa rất quan trọng với bà con. Mỗi đường thêu từ đơn giản đến phức tạp như thêu móc xích, hình dấu nhân, thêu đứt mũi đều mang đậm nét truyền thống. Với người Hà Nhì, trong những thời điểm quan trọng như ngày hội, lễ Tết, cưới hỏi,… đều phải mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình để thể hiện cái hồn cũng như giữ gìn nét văn hóa cổ truyền dân tộc.

HOÀI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Tự hào nguồn cội

Tự hào nguồn cội

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình Di sản tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân niềm tự hào về nguồn cội con rồng cháu tiên, xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt Nam.