Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn: Bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch (Bài 3)

Tào Đạt - Văn Hoa - 17:16, 15/11/2023

Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn không chỉ có giá trị địa chất, địa hình, tính đa dạng sinh học mà nơi đây còn là vùng đất giàu bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS. Phát huy tiềm năng, lợi thế đó, những năm qua, chính quyền và Nhân dân các dân tộc 4 huyện Cao nguyên đá đã luôn nỗ lực phát triển kinh tế du lịch, từng bước mang lại cuộc sống ấm no cho mỗi bản làng.

Khách du lịch chụp ảnh cùng các bé gái người Mông với những quẩy tấu hoa rực rỡ sắc màu tại Dốc Thẩm Mã
Khách du lịch chụp ảnh cùng các bé gái người Mông với những quẩy tấu hoa rực rỡ sắc màu tại Dốc Thẩm Mã

Không phát triển du lịch ồ ạt để giữ bản sắc của đồng bào

Trải qua gần 14 năm, với ba lần được công nhận và hai lần tái thẩm định, Cao nguyên đá Đồng Văn đã luôn giữ vững thương hiệu là CVĐCTC, và trở thành địa chỉ không thể bỏ qua đối với các nhà khoa học cũng như du khách trong nước, quốc tế khi đến với Hà Giang.

Tỉnh Hà Giang đã tập trung thực hiện bảo tồn các giá trị di sản địa chất, các giá trị văn hoá, phong tục tập quán để xây dựng trở thành sản phẩm du lịch. Địa phương luôn ưu tiên triển khai thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, hệ thống điện.... Ngoài ra, việc xây dựng chính sách thu hút đầu tư cũng như công tác đào tạo nguồn nhân lực tham gia trực tiếp, cũng như gián tiếp trong lĩnh vực dịch vụ là rất quan trọng và luôn được Hà Giang đặc biệt quan tâm.

Trao đổi với báo chí, ông Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho biết, tỉnh sẽ không phát triển du lịch ồ ạt, mà phát triển du lịch phải đi đôi với bảo tồn các giá trị văn hóa, giá trị di dản.

“Thay vì xây dựng những tổ hợp khách sạn tầng cao thì chúng tôi làm homestay, xây dựng các bản làng du lịch mang bản sắc, gắn liền với văn hóa của từng dân tộc”, ông Khánh nhấn mạnh.

Những cánh đồng hoa tam giác mạch là một điểm nhấn của du lịch tại Cao nguyên đá Đồng Văn
Những cánh đồng hoa tam giác mạch là một điểm nhấn của du lịch tại Cao nguyên đá Đồng Văn

Trong các chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch từ trung ương đến địa phương, như: Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến 2030… đều khẳng định vai trò của Cao nguyên đá Đồng Văn đối với phát triển du lịch Việt Nam. 

 Đặc biệt, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 310/QĐ -TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn 2030”.

Tháng 11/2021, Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Nghị quyết 19 về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030. Đây chính là những cơ sở pháp lý quan trọng, là tiền đề để Hà Giang triển khai xây dựng CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu du lịch quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mục tiêu phát triển trong quy hoạch của tỉnh Hà Giang là hướng tới phát triển xanh, bản sắc, bền vững, toàn diện với phương châm “Sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá”. Tỉnh hướng tới việc tạo không gian phát triển mới, đưa địa phương này thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia, là điểm đến yêu thích của du khách trong nước và quốc tế.

Nhờ đó, lượng khách du lịch đến với Cao nguyên đá tăng hằng năm, có thời điểm tăng lên một cách đột biến. Nếu lượng khách du lịch đến với Hà Giang năm 2010, là 301.334 lượt, doanh thu du lịch dịch vụ chỉ đạt 308.900 triệu đồng, thì đến năm 2022, lượng khách du lịch đến với Hà Giang đạt 2.268.000 lượt, trong đó 70% lượt khách du lịch đến với Công viên đá, doanh thu du lịch dịch vụ đạt 4.536.000 triệu đồng.

 Riêng 6 tháng đầu năm 2023 đón trên 1,4 triệu khách (tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 56,7% kế hoạch năm 2023), doanh thu du lịch đạt trên 3.300 tỷ đồng.

Kinh doanh homestay giúp nhiều gia đình làm giàu, đồng thời tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho đồng bào các dân tộc tại Cao nguyên đá Đồng Văn
Kinh doanh homestay giúp nhiều gia đình làm giàu, đồng thời tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho đồng bào các dân tộc tại Cao nguyên đá Đồng Văn

Du lịch phát triển tạo nền tảng thay đổi cuộc sống của người dân 

Theo Ban Quản lý CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, những năm qua với sự phát triển của du lịch, đã giúp đời sống cộng đồng 17 dân tộc trên vùng Công viên đá được nâng lên đáng kể. Nhờ phát triển du lịch đã góp phần tiêu thụ nông - lâm - thủy sản của địa phương, thúc đẩy người dân thi đua lao động sản xuất; tích cực tham gia Đề cải tạo vườn tạp; chương trình mỗi xã một sản phẩm, phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị…

Ông Thào Minh Sơn, Chủ tịch UBND xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc cho biết: Trên địa bàn xã Pả Vi hiện nay có 28 hộ tham gia Chương trình cải tạo vườn tạp theo Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh. Nếu như trước kia, cán bộ xã phải đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động các hộ tham gia thực hiện cải tạo vườn tạp, thì đến nay tư duy, nhận thức của người dân đã nâng lên rõ rệt. Người dân tự chủ động trong sắp xếp mảnh vườn của gia đình, chỉnh trang lại không gian nhà ở, vườn, chuồng nuôi gia súc được bố trí khoa học, hợp vệ sinh hơn trước. Qua đó. thuận lợi cho việc sinh hoạt, sản xuất của hộ gia đình và cũng góp phần phát triển du lịch.

Được biết, toàn huyện Mèo Vạc có 260 hộ triển khai thực hiện Đề án cải tạo vườn tạp, trong đó có 204 hộ được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết số 58/2020/NQ-HĐND tỉnh, với tổng số vốn hỗ trợ trên 5,9 tỷ đồng. Trong đó, 9 tháng đầu năm 2023, có 114 hộ triển khai thực hiện cải tạo vườn tạp, với tổng diện tích cải tạo là 303.078m2. 

Những ngôi trình tường trở thành điểm nhấn trong du lịch trên Cao nguyên đá
Những ngôi nhà trình tường trở thành điểm nhấn trong du lịch trên Cao nguyên đá

Dựa vào du lịch, nhiều gia đình còn vươn lên làm giàu từ việc cung cấp dịch vụ du lịch homestay. Theo số liệu thống kê, thu nhập bình quân các hộ kinh doanh dịch vụ này đạt khoảng 50 triệu - 100 triệu đồng/năm.

 Hàng trăm homestay, khách sạn, nhà nghỉ, làng văn hóa du lịch cộng đồng được xây dựng trên Cao nguyên đá từ 2010 đến nay, còn tạo thêm nhiều việc làm cho người dân và không ít chàng trai, cô gái Mông, Dao, Lô Lô đã trở thành hướng dẫn viên du lịch phục vụ du khác trong và ngoài nước khi đến với Cao nguyên đá.

Là người tiên phong chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế từ làm nông nghiệp sang kinh doanh dịch vụ lưu trú cộng đồng homestay, anh Sình Dỉ Gai ở bản Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang) đã phát triển các dịch vụ du lịch như ăn uống, khám phá nét đẹp văn hóa của người Lô Lô…

Theo anh Gai, từ khi làm du lịch, kinh doanh homestay, đời sống người dân ở bản Lô Lô Chải đã thay đổi, nhận thức được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Hầu như gia đình nào cũng xây dựng được nhà khang trang, mua sắm được các vật dụng sinh hoạt như ti vi, tủ lạnh, xe máy, thậm chí cả ô tô.

Năm 2022, anh Sình Dỉ Gai đã vinh dự là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc có mô hình làm du lịch homestay hiệu quả, giúp đỡ và tạo nhiều việc làm cho người dân trong bản Lô Lô Chải, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Có thể thấy, việc bảo tồn di sản CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn gắn với phát triển kinh tế du lịch, là một hướng đi bền vững, đã phát huy hiệu quả tích cực, mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào DTTS nơi vùng cao biên giới Hà Giang.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.