Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động Công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Nhà ngói máng - nét đẹp giữa không gian miền đá

Huy Toán - Ngọc Lê - 19:05, 02/11/2023

Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) nổi tiếng là vùng đất giàu bản sắc văn hóa. Với 15 dân tộc cùng sinh sống bao đời, đã hình thành những nét kiến trúc riêng và độc đáo. Nghề làm ngói máng truyền thống trước đây đã góp phần tạo nên những làng bản rất đẹp với mái ngói máng cực kỳ phù hợp giữa không gian miền đá, trở thành một nét đặc trưng của Cao nguyên đá.

Khu du lịch Hmong Village, Quản Bạ với những kiến trúc được lợp ngói máng truyền thống
Khu du lịch Hmong Village, Quản Bạ với những kiến trúc được lợp ngói máng truyền thống

Có một nghề từng tồn tại ở nhiều địa phương trên Cao nguyên đá, đó là nghề làm ngói máng truyền thống. Cách đây chừng 10 - 15 năm, đi qua nhiều địa phương của Cao nguyên đá Đồng Văn, ta có thể dễ dàng bắt gặp những lò nung ngói máng truyền thống. Người Dao, Tày, Giáy, Mông… trên Cao nguyên đá làm nhà trình tường, nhà sàn đều rất ưa dùng ngói máng truyền thống. Bởi loại vật liệu này có độ bền tốt, giúp cho ngôi nhà mát về mùa Hè, ấm về mùa Đông. Vì thế một thời, nhiều làng bản có những gia đình, những tốp thợ chuyên làm ngói máng.

Theo những người đã từng làm ngói máng truyền thống ở xã Lao Và Chải, huyện Yên Minh kể lại, để làm ra ngói máng truyền thống rất cầu kỳ. Từ khâu chọn loại đất đến nhào nặn, tạo hình và nung ngói, tất cả đều làm thủ công khá vất vả. Không phải địa phương nào cũng có loại đất có độ dẻo, mịn phù hợp để làm được ngói máng. Không có kinh nghiệm, sự khéo léo của người thợ thì ngói sẽ không đạt chất lượng, dễ vỡ, ngói bị cong vênh nhiều. Ngói máng truyền thống của người Mông, người Dao, người Giáy, người Tày xưa được nung thủ công bằng củi, không có than đá. Vì thế, càng đòi hỏi tay nghề tốt của người thợ, do đó không phải ai cũng có thể làm được nghề này.

Anh Lý A Tỏn, Chủ tịch xã Lao Và Chải, huyện Yên Minh cho biết, trước đây ở xã Lao Và Chải và nhiều địa phương khác trong huyện đều có lò nung ngói máng, nhưng do nhiều lý do đến giờ không còn duy trì. Bà con nhiều nơi không còn lợp ngói máng, những nhà còn duy trì thì phải tranh thủ đi xin ngói từ những nhà dỡ bỏ ngói máng mang về để ở nhà dự phòng thay thế khi ngói nhà mình bị vỡ.

Phố chợ cổ Đồng Văn được lợp bằng ngói máng truyền thống
Phố chợ cổ Đồng Văn được lợp bằng ngói máng truyền thống

Quá trình phát triển, giao thoa giữa các dân tộc trên vùng Cao nguyên đá, các dân tộc đều có những bản sắc riêng. Nhưng có một điểm chung là mái nhà xưa của đa phần đồng bào trên Cao nguyên đá đều ưa dùng ngói máng truyền thống. Có những mái nhà làm kiên cố bằng loại gỗ tốt, ngói tốt có thể tồn tại vài chục năm đến cả trăm năm. Mái ngói máng vì thế đã trở thành biểu tượng của kiến trúc truyền thống trên Cao nguyên đá. Điều này chúng ta có thể thấy ngay tại nhà Vương, nhà cổ Lũng Táo, phố chợ cổ Đồng Văn, huyện Đồng Văn…, những mái ngói truyền thống ở đây chính là điểm nhấn góp phần tạo nên kiến trúc rất đặc sắc.

Thời gian trôi đi, quãng chục năm nay, trên Cao nguyên đá gần như đã vắng bóng nghề làm ngói máng truyền thống. Anh Nguyễn Quỳnh Lưu, Trưởng phòng Văn hóa huyện Mèo Vạc cho biết: Giờ không còn địa phương nào có lò đốt ngói máng truyền thống nữa. Lý do là bởi việc nung ngói có những nhược điểm như tốn vật liệu (trước đây toàn dùng củi nghiến) để nung ngói trong mấy ngày. Bà con vùng Cao nguyên đá giờ nếu có nhu cầu phải mua ngói máng từ các vùng vẫn còn duy trì nghề này ở tỉnh Cao Bằng.

Nghề làm ngói máng truyền thống đã gần như không còn được duy trì trên Cao nguyên đá. Bởi vậy những năm qua, có nhiều căn nhà mới mọc lên ở các làng bản nơi đây đã sử dụng chất liệu lợp mái là proximang, mái tôn hoặc đổ mái bê tông… Nhưng cũng rất may, còn nhiều ngôi nhà truyền thống, nhà cũ ở các làng, bản vẫn duy trì được ngói máng truyền thống. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều gia đình, đơn vị kinh doanh trên Cao nguyên đá đã quay trở lại sử dụng ngói máng truyền thống như một cách để tạo nên nét đẹp và điểm nhấn cho chính những công trình nhà hàng, nhà nghỉ và nhà ở của mình. Làng Văn hóa dân tộc Mông ở Pả Vi, huyện Mèo Vạc, khu du lịch Hmong Village, huyện Quản Bạ là một ví dụ điển hình.

Chị Sùng Thị Say (dân tộc Mông) Giám đốc Trung tâm VHTT&DL huyện Đồng Văn cho biết, chị được sinh ra, lớn lên ở ngôi làng có mái ngói máng truyền thống. Vì thế, chị cũng như nhiều người dân ở Đồng Văn mong muốn khôi phục, giữ gìn những mô hình làm ngói máng truyền thống, vừa để cung cấp ngói cho các làng bản, vừa để phục vụ du lịch tham quan làng nghề. Nhưng những lò nung ngói có thể gây ô nhiễm môi trường, tốn nhiều củi đun, có thể ảnh hưởng đến rừng. Vì thế, có thể nghiên cứu xây dựng các lò nung ngói bằng công nghệ tiên tiến để phù hợp điều kiện thực tế hiện nay. Từ đó, có thể khôi phục nghề làm ngói máng và những làng bản sẽ có cơ hội khoác lên mình những mái ngói máng phù hợp với truyền thống văn hóa và không gian của miền đá.

Ông Hoàng Xuân Đôn, Trưởng Ban Quản lý Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cho biết: Gìn giữ và phát huy kiến trúc truyền thống trên Cao nguyên đá là một việc rất cần thiết và cần linh hoạt. Mong muốn tỉnh có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc sử dụng ngói máng truyền thống cũng như giữ gìn, phát huy những kiến trúc truyền thống một cách phù hợp không chỉ đối với nhà dân mà còn các cơ quan, công sở, các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ trên Cao nguyên đá. Đó cũng là một trong những tiêu chí khuyến nghị của Chuyên gia Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu đối với các công viên địa chất có người dân sinh sống. 

Hiện nay Hà Giang đang được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, cũng có nhiều nghề, làng nghề đã được quan tâm đầu tư khôi phục và bảo tồn gắn với những nét đặc trưng văn hóa của địa phương. Mong rằng, tới đây các cấp chính quyền sẽ quan tâm hơn nữa tới việc bảo tồn làng nghề truyền thống, để những làng nghề ngói âm dương sẽ không bị mất đi theo năm tháng.

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.