Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khởi nghiệp

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống để làm giàu

Kim Anh - 16:06, 13/04/2022

Với mong muốn bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, anh Giàng A La (sinh năm 1996, dân tộc Mông) đã khởi nghiệp thành công từ mô hình Hợp tác xã du lịch cộng đồng. Từ đó tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều đoàn viên thanh niên và phụ nữ tại địa phương.

Giàng A La đạt giải Vàng cuộc thi “Thách thức sáng kiến kinh doanh”
Giàng A La đạt giải Vàng cuộc thi “Thách thức sáng kiến kinh doanh”

Dấn thân vì đam mê... 

Vào những ngày cuối tuần, tại xã Hang Kia (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), chàng thanh niên Giàng A La lại tất bật với công việc dẫn đoàn khách đi tham quan và trải nghiệm khu du lịch Homestay. Mô hình Hợp tác xã (HTX) dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia hiện đang là một trong những HTX thu hút lượng khách lớn trong và ngoài nước tại Mai Châu.

Đưa khách tham quan, trải nghiệm vườn hoa quả tại HTX, anh Giàng A La kể, năm 2018, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng nghệ thuật Tây Bắc, anh quyết định trở về quê hương tìm kiếm lối đi riêng cho bản thân.

Thời gian đầu, anh Giàng A La làm hướng dẫn viên du lịch, dẫn du khách đi tham quan xung quanh khu vực huyện Mai Châu. Trong quá trình làm hướng dẫn viên du lịch, nhận thấy được tiềm năng phát triển du lịch của vùng đất Mai Châu cũng như những nét văn hóa đặc sắc, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mông, anh bắt đầu nung nấu ý tưởng làm du lịch cộng đồng.

“Với những nét đặc sắc sẵn có của địa phương, tôi muốn giới thiệu đến du khách tham quan những trải nghiệm lý thú về các vùng đất, nét văn hóa trong đời sống, sinh hoạt và ẩm thực độc đáo của người Mông ở Hang Kia”, anh La nói.

Từ những kiến thức, trải nghiệm của bản thân, đồng thời học hỏi kinh nghiệm, chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ đồng hành của địa phương, tháng 6 năm 2020, HTX dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia được thành lập với 11 thành viên, Giàng A La đảm nhiệm vị trí Giám đốc HTX. Với số vốn khoảng 400 triệu đồng đóng góp từ các thành viên trong HTX, Giàng A La cùng anh chị em bắt tay vào thực hiện ước mơ của mình.

Để tận dụng, phát huy giá trị văn hóa từ những gian nhà truyền thống của người Mông, các thành viên đã cải tạo, chỉnh trang lại khuôn viên nhà ở của gia đình. Giám đốc Giàng A La đã chỉnh trang lại 4 căn nhà sàn độc đáo, đan xen kiến trúc truyền thống của người Mông và người Thái để đón khách du lịch về tham quan, trải nghiệm văn hóa.

“Những ngôi nhà này đều có phòng nghỉ khép kín, đầy đủ tiện nghi, có đệm ga gối trắng muốt, sạch sẽ. Phần trang trí trong nhà được trưng bày bằng các loại dụng cụ, vải thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mông và Thái nơi đây”, Giàng A La cho biết.

Giàng A La trò chuyện cùng khách hàng
Giàng A La trò chuyện cùng khách hàng

Quyết tâm làm giàu

Không chỉ dừng lại ở dịch vụ Homestay, Giàng A La còn thu hút khách bởi những trải nghiệm về nông nghiệp. Với diện tích đất hơn 20 ha, HTX còn trồng các loại cây ăn quả như đào, mận, cam… Khách du lịch khi đến HTX có thể trải nghiệm hái quả ngay trong vườn nhà và tham gia những hoạt động văn hóa đặc sắc như vẽ sáp ong, nhuộm chàm, làm giấy dó,…

Giàng A La cho biết, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Homestay của HTX đón hàng trăm lượt khách mỗi tháng, bao gồm cả khách trong nước và quốc tế. Doanh thu trung bình mỗi năm của HTX khoảng gần 1 tỉ đồng.

“Hơn 1 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, du lịch đóng cửa, lượng khách đến thưa thớt, chủ yếu chỉ có khách trong tỉnh đến tham quan, trải nghiệm. Đây cũng là thời gian tôi suy nghĩ tìm tòi về hướng đi kinh doanh, định hướng phát triển mở rộng quy mô HTX sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát”, anh La chia sẻ.

Giàng A La chụp ảnh cùng đoàn khách Đại sứ quán Ngatham quan, trải nghiệm homestay của HTX dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia
Giàng A La chụp ảnh cùng đoàn khách Đại sứ quán Nga tham quan, trải nghiệm homestay của HTX dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia

Nói về dự định trong thời gian tới, anh Giàng A La cho biết, khi hoạt động du lịch trở lại bình thường, lượng khách đến đông hơn, tôi dự định sẽ nhân rộng các mô hình dịch vụ tương tự như Hang Kia, kết nối với bà con trong thôn, bản để bán các sản phẩm do họ làm ra cho du khách. Ngoài ra, tôi sẽ học hỏi, tận dụng quảng cáo trên các trang mạng xã hội để mọi người biết đến vùng đất quê hương mình.

Không chỉ thành công trong phát triển kinh tế, góp phần thay đổi diện mạo quê hương, mô hình du lịch cộng đồng đã tạo việc làm cho nhiều đoàn viên thanh niên và phụ nữ tại địa phương. Hiện nay, HTX có 11 thành viên làm chính và 6 thành viên làm việc theo thời vụ. Mức thu nhập bình quân của mỗi người là 4-5 triệu đồng/tháng.

Anh Vàng A Chớ, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hang Kia nhận xét, anh Giàng A La là một người dám nghĩ, dám làm; có ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu. Là một đoàn viên ưu tú trong xã, với mong muốn duy trì và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc, Giàng A La đã khởi nghiệp thành công mô hình làm du lịch cộng đồng, tạo việc làm cho nhiều thanh niên trong HTX. Mô hình khởi nghiệp của anh La đã tiếp thêm động lực cho các bạn trẻ khởi nghiệp và làm giàu trên chính quê hương của mình. 

Với sự bền bỉ, kiên trì và khát khao làm giàu, cuối năm 2020, sản phẩm du lịch Hang Kia của Giàng A La được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Năm 2021, Giàng A La đạt giải Vàng cuộc thi “Thách thức sáng kiến kinh doanh” do tổ chức AEA (Aide et Action) phối hợp với Trung tâm Hợp tác phát triển Tây Bắc cùng với Tỉnh đoàn Hoà Bình và Lào Cai tổ chức về ý tưởng du lịch cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục
Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long: Hướng tới thành lập mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong

Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long: Hướng tới thành lập mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong

Ngày 15/11, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức khai mạc Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long lần II, năm 2024, với chủ đề “Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển”.