Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào DTTS ở Đắk Lắk: Hiệu quả từ việc cấp chiêng (Bài 2)

Lê Hường - 05:30, 01/11/2022

Đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng, tỉnh Đắk Lắk nỗ lực triển khai Nghị quyết 05 của HĐND tỉnh, bố trí kinh phí cấp chiêng, trang phục truyền thống, mở các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng và tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng.

Sở Văn Hóa, Thể Thao và Du lịch Đắk Lắk trao chiêng cho đồng bào M’Nông Gar xã Đắk Phơi, huyện Lắk
Sở Văn Hóa, Thể Thao và Du lịch Đắk Lắk trao chiêng cho đồng bào M’Nông Gar xã Đắk Phơi, huyện Lắk

Mang chiêng về với buôn làng

Theo Đoàn công tác của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Đắk Lắk đi cấp chiêng và trang phục truyền thống cho đội nghệ nhân của 2 buôn trên địa bàn huyện Krông Ana và Lắk, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của các nghệ nhân và bản sắc văn hóa truyền thống đang hồi sinh trong buôn làng. Điều đó cho thấy, Nghị quyết bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng từng bước được hiện thực hóa trong đời sống đồng bào DTTS.

Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana là một trong hai buôn được Sở VHTTDL trao chiêng và trang phục truyền thống lần này. Không giấu được niềm vui, Nghệ nhân H’Săn Êban 82 tuổi, trú Buôn Trấp tự hào, “thế hệ chúng tôi - đội chiêng già, nhiều người đã về với tổ tiên rồi, chỉ còn lại vài người thôi. Kế cận, nối tiếp chúng tôi có đội chiêng trẻ, bây giờ buôn có thêm đội cồng chiêng nhí rồi, tiếng chiêng Jho sẽ vang mãi đến các thế hệ mai sau”.

Cả đời gắn bó với chiếc trống dẫn nhịp cho cả đội chiêng Jho hợp tấu, Nghệ nhân H’Săn kể: Khoảng 6-7 năm trước, khi các thành viên trong đội chiêng tuổi đã cao không thể đi biểu diễn như trước, đội nghệ nhân chiêng nữ đã đến từng hộ gia đình có con gái trong buôn để vận động tham gia đội chiêng, các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng mà ngành văn hóa tổ chức và hình thành nên đội chiêng nữ trẻ. Đến bây giờ, buôn còn có thêm đội chiêng nữ nhí.

“Đội chiêng nữ thế hệ của tôi bây giờ chỉ còn 3 người. Trong đội chiêng nữ chiếc trống chính là linh hồn của đội chiêng nữ Jho. Người Ê Đê Bih chỉ mình tôi biết sử dụng trống nhưng mãi đến bây giờ mới tìm được người kế nhiệm thông qua lớp truyền dạy đánh cồng chiêng”, Nghệ nhân H’Săn chia sẻ thêm. 

Truyền dạy đánh chồng chiêng cho trẻ gái ở Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana
Truyền dạy đánh chồng chiêng cho trẻ em gái ở Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana

Ông Trần Viết Dụ, cán bộ văn hóa thị trấn Buôn Trấp cho biết: Mỗi năm khi hè về các bà, các chị ở Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana lại tập hợp trẻ gái trong buôn đến nhà văn hóa cộng đồng buôn để truyền dạy đánh cồng chiêng Jhô, vừa để thỏa niềm đam mê văn hóa dân tộc mình vừa để truyền lửa cho thế hệ mai sau. Việc truyền dạy đánh chiêng cho trẻ gái trong buôn lần nay do Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk đứng ra tổ chức. Sau 2 tháng mở lớp truyền dạy đánh chiêng, nhiều trẻ gái trong Buôn Trấp đã biết đánh những bài chiêng phổ biến.

Không chỉ mở lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, Sở VHTTDL còn tặng cho đội chiêng Buôn Trấp 1 bộ chiêng Jho và 30 bộ trang phục truyền thống. Cùng với hoạt động truyền dạy, trao chiêng và trang phục truyền thống sẽ tạo động lực để các thế hệ phụ nữ Ê Đê nói riêng và các DTTS Tây Nguyên nói chung tiếp tục phát huy văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng. Điều đó tiếp thêm động lực cho các thế hệ trẻ người Ê Đê nỗ lực hơn trong việc giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc.

Không chỉ chiêng Jho của người Ê Đê ở Buôn Trấp, văn hóa cồng chiêng đã dần dần được khôi phục trong buôn làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. 

Tích cực truyền dạy đánh chiêng

Trước đây, ở xã Đắk Phơi việc truyền dạy cồng chiêng chưa được quan tâm, người muốn học chủ yếu tự tìm hiểu bằng cách xem nghệ nhân, người già trong buôn diễn tấu, biểu diễn rồi học theo. Năm nay, xã Đắk Phơi được Sở VHTTDL mở lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, nhiều trai tráng trong buôn được học đánh chiêng một cách bài bản.

Nghệ nhân H’Săn Êban tham gia nhiều lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ
Nghệ nhân H’Săn Êban tham gia nhiều lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ

Anh Y Nem Ông ở buôn Liêng Ông, xã Đắk Phơi bày tỏ niềm vui: Lâu nay, người yêu thích cồng chiêng trong buôn muốn học phải tự mày mò theo các nghệ nhân để học. Bây giờ được học bài bản qua lớp học, buôn còn được trao chiêng, trang phục truyền thống nên thế hệ trẻ trong buôn rất hào hứng. Sau 2 tháng học, các học viên đã đánh được hai bài chiêng cơ bản của người M’nông Gar.

“Được trao tặng chiêng, đội chiêng trẻ chúng tôi có điều kiện để luyện tập thường xuyên hơn. Chúng tôi mong rằng đội chiêng trẻ tiếp tục được quan tâm để có thể đi biểu diễn, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình”, anh Y Nem Ông cho biết thêm.

Hơn 20 năm rong ruổi đến các buôn làng truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ, Nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm, buôn Mduk, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột chứng kiến sự hồi sinh của văn hóa cồng chiêng các buôn làng. Không chỉ tham gia truyền dạy, nghệ nhân Y Hiu còn là vị giám khảo chấm điểm phần thi diễn tấu cồng chiêng trong hầu hết các hội thi ở phường, thành phố và cả cấp tỉnh.

Nghệ nhân Y Hiu nói: So với mấy năm trước, bà con đã có ý thức giữ gìn, bảo tồn văn hóa cồng chiêng hơn. Đó là nhờ sự quan tâm, đầu tư kịp thời của tỉnh trong việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng, sự vào cuộc của các cấp, ngành đã mang lại hiệu quả thật sự. Bây giờ, nhiều buôn làng đã có đội chiêng trẻ kế tục, mạnh dạn tham gia các hội thi, hội diễn. Tiếng chiêng lại ngân lại trong các buôn làng, bà con quây quần bên ché rượu thực hiện các nghi lễ truyền thống.

Triển khai Nghị quyết 10, từ đầu năm đến nay, Sở VHTTDL Đắk Lắk đã tổ chức 3 lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, cấp 5 bộ chiêng và 90 bộ trang phục truyền thống các dân tộc Jarai, M’nông, Ê Đê; tổ chức 4 lớp truyền dạy đánh cồng chiêng; phục dựng 2 nghi lễ Lễ kết nghĩa anh em của người Ê Đê, Lễ kết nghĩa anh em của người M’nông…

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng, ngoài truyền dạy đánh cồng chiêng, cấp chiêng và trang phục truyền thống, Sở VHTTDL Đắk Lắk tổ chức nhiều hoạt động đưa cồng chiêng lên sân khấu đến gần hơn với cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục
Vùng DTTS của Thủ đô trong dòng chảy văn hóa Hà thành: Bồi đắp bản sắc đất trăm nghề (Bài 2)

Vùng DTTS của Thủ đô trong dòng chảy văn hóa Hà thành: Bồi đắp bản sắc đất trăm nghề (Bài 2)

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, Hà Nội còn nổi tiếng là vùng đất “bách nghệ” (trăm nghề). Nghề truyền thống của Hà Nội không chỉ là sinh kế mà còn là nơi lưu giữ, kiến tạo nên giá trị văn hóa Hà thành. Hiện nay, vùng đất trăm nghề được bổ sung, bồi đắp thêm bởi những nghề truyền thống độc đáo của đồng bào các DTTS.