Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Phát huy hiệu quả vốn đầu tư từ Chương trình 135

PV - 08:35, 20/04/2018

Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện việc đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 135 một cách có trọng tâm, trọng điểm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Đinh Thị Thảo, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh về vấn đề này.

Bà Đinh Thị Thảo, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình. Bà Đinh Thị Thảo,Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình.

 

Xin bà cho biết việc đầu tư Chương trình 135 có trọng điểm của tỉnh Hoà Bình trong thời gian qua?

Tỉnh Hòa Bình là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm trên 73% dân số toàn tỉnh, có 6 dân tộc chủ yếu là Mường, Kinh, Tày, Thái, Dao, Mông (dân tộc Mường chiếm trên 63%). Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND cùng các sở, ban, ngành, đến nay việc đầu tư có trọng điểm mà đặc biệt là cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS tiếp tục được cải thiện, cơ bản các xã có đủ trường tiểu học và trung học cơ sở, điện sinh hoạt, đường ô tô đến trung tâm xã, 100% xã có điểm bưu diện văn hoá xã, 100% xã có trạm y tế, đảm bảo thực hiện công tác vệ sinh phòng dịch, khám chữa bệnh ban đầu.

Cụ thể, tổng số vốn đầu tư 2 năm (2016-2017) là 228 tỷ đồng đầu tư xây dựng 239 công trình, bao gồm: 125 công trình giao thông; 01 công trình điện; 53 công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; 22 công trình trường học và hạng mục phụ trợ; 31 công trình thủy lợi; 03 công trình nước sinh hoạt; 04 công trình khác ở những xã, thôn ĐBKK, tiêu biểu như ở các huyện Lạc Thuỷ, Kim Bôi, Lương Sơn, Kỳ Sơn, Yên Thuỷ, Tân Lạc...

Các hợp phần khác của Chương trình 135 được triển khai như thế nào, thưa bà?

Bên cạnh việc đầu tư vào các công trình hạ tầng cơ bản, tỉnh Hoà Bình triển khai có hiệu quả các hợp phần khác của Chương trình 135. Cụ thể trong 2 năm 2016-2017, toàn tỉnh triển khai gần 80 tỷ đồng để phát triển sản xuất, duy tu bảo dưỡng các công trình sau đầu tư, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở. Hiện nay, UBND các huyện đã trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định danh mục các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất triển khai thực hiện. Về công tác duy tu bảo dưỡng các công trình, UBND các huyện đã phê duyệt kinh phí và kế hoạch chi tiết giao UBND xã tổ chức thực hiện. Nội dung nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở, Ban Dân tộc đang xây dựng kế hoạch chi tiết báo cáo UBND tỉnh phê duyệt tổ chức thực hiện. Các nội dung hỗ trợ nguồn vốn sự nghiệp ước thực hiện hết năm 2017 đạt 100% kế hoạch giao.

Mô hình kinh tế đem lại hiệu quả ở xã ĐBKK. Mô hình kinh tế đem lại hiệu quả ở xã ĐBKK.

 

Quá trình triển khai Chương trình 135, tỉnh Hoà Bình gặp những thuận lợi, khó khăn nào, thưa bà?

Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn đã từng bước được nâng lên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh năm 2016 còn khoảng 20,38% (giảm 4% so với năm 2015).

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Chương trình 135 theo Luật Đầu tư công còn gặp nhiều lúng túng do các Nghị định ban hành sau Luật chưa đồng bộ; Trung ương giao vốn chậm, chưa đủ theo hướng dẫn (tháng 5/2017 Ủy ban Dân tộc mới thông báo mức vốn cho từng dự án thuộc Chương trình 135 kế hoạch năm 2017), ngày 20/6/2017 Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt danh sách xã vào diện đầu tư của Chương trình 135 đã ảnh hưởng chậm tiến độ thực hiện các nguồn vốn được giao.

Ngoài ra, ở một số xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đội ngũ lãnh đạo của một số xã năng lực còn hạn chế, đã ảnh hưởng trong tổ chức thực hiện Chương trình.

Thưa bà, giải pháp nào được áp dụng trong thời gian tới để Chương trình 135 phát huy hiệu quả thiết thực hơn?

Kết quả thực hiện mục tiêu Chương trình giai đoạn 2011-2015, tỉnh Hòa Bình có 3 xã và 2 thôn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135. Để thực hiện tốt việc triển khai Chương trình 135 trong thời gian tới Ban Dân tộc tỉnh Hoà Bình cần thực hiện tốt công tác tham mưu đề xuất, cơ chế, chính sách, hỗ trợ đầu tư cho vùng đồng bào DTTS, vùng ĐBKK. Bổ sung hoàn thiện, kịp thời phát hiện, điều chỉnh những phát sinh, vướng mắc từ cơ sở.

Bên cạnh đó, tăng cường, khuyến khích, huy động nguồn lực từ các nhà tài trợ quốc tế, người dân và cộng đồng xã hội để thực hiện Chương trình. Các cơ quan, đơn vị được phân công, bằng nhiều hình thức giúp xã, thôn bản đặc biệt khó khăn xoá đói giảm nghèo. Vận động người dân các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn tự chủ vươn lên thoát nghèo, có cơ chế phù hợp đối với hộ thoát nghèo, hộ cận nghèo nhằm hạn chế tái nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ xã, bản về kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức quản lý dự án thực hiện các nội dung của Chương trình. Đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, thực hiện có hiệu quả nguồn hỗ trợ đầu tư cho sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn thực hiện Chương trình, đảm bảo Chương trình thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng, tránh thất thoát, lãng phí.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

DOÃN KIÊN

Tin cùng chuyên mục
Chính sách bảo đảm sinh kế đối với đồng bào DTTS gắn với bảo vệ phát triển rừng ở Việt Nam

Chính sách bảo đảm sinh kế đối với đồng bào DTTS gắn với bảo vệ phát triển rừng ở Việt Nam

Ngày 14/1, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp với Đại sứ quán Canada tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Chính sách bảo đảm sinh kế đối với đồng bào DTTS gắn với bảo vệ phát triển rừng ở Việt Nam - Những vấn đề đặt ra và kiến nghị, giải pháp. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương và Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil đồng chủ trì Hội thảo.