Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển
Bắc Kạn là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc đang đẩy mạnh phát triển sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể HTX. Toàn tỉnh Bắc Kạn có 101/122 xã, phường, mỗi xã, phường có ít nhất một HTX. Theo số liệu thống kê, tính đến đầu năm 2020, tỉnh Bắc Kạn có 186 HTX, trong đó có nhiều HTX được đánh giá có hoạt động khá. Tuy nhiên, cũng còn không ít HTX hoạt động kém hiệu quả và phải giải thể.
Điển hình như , HTX Bình Sơn, xã Sỹ Bình, huyện Bạch Thông được thành lập từ cuối năm 2015, với 17 thành viên tham gia. Lĩnh vực là sản xuất rau an toàn, chăn nuôi. Sản phẩm của HTX đã được tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, được hỗ trợ tem dán. Bên cạnh đó, UBND xã Sĩ Bình còn hỗ trợ HTX cử cán bộ nông lâm thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật… Tuy nhiên, cuối năm 2018, HTX tổ chức đại hội bất thường để bầu lại chức danh giám đốc HTX, sau đó HTX hoạt động rời rạc, thiếu gắn kết, hoạt động kém hiệu quả nên đã phải dừng hoạt động.
Theo ông Trần Ngọc Quang, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn, nguyên nhân các HTX hoạt động yếu kém hoặc phải dừng hoạt động do quy mô manh mún, nhỏ lẻ; vai trò lãnh đạo của HTX còn mờ nhạt; một số HTX sản xuất có lãi nhưng chưa nhiều, không đủ để trích cho các quỹ và tích luỹ mở rộng hoạt động. HTX chưa khai thác hết năng lực nội tại của các thành viên cả về vốn và cơ sở vật chất.
Tại Yên Bái, tính đến hết tháng 6/2020, toàn tỉnh còn 38 HTX ngừng hoạt động chưa tổ chức lại hoặc giải thể theo Luật HTX năm 2012. Việc giải thể các HTX đều xuất phát từ năng lực của cán bộ quản lý HTX, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập kinh tế. Phần lớn, nhân sự quản lý HTX có độ tuổi cao, thậm chí đã hết tuổi lao động, chưa qua đào tạo mà chủ yếu được các thành viên bầu lên nên không tránh khỏi lúng túng trong điều hành. Hạn chế về trình độ, năng lực cá nhân dẫn đến các HTX gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng và khả năng xây dựng chuỗi giá trị trong thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp…
Theo số liệu thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, đến nay, vùng DTTS&MN có 11.558 HTX, chiếm 42,4% tổng số HTX của cả nước, 35 liên hiệp HTX, 61.471 THT; Hầu hết HTX trong vùng đã chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 53% số HTX hoạt động đạt hiệu quả.
Cần giải tỏa cơn khát vốn
Trong các rào cản khiến các HTX chậm phát triển, thì vốn vẫn là điểm nghẽn và cũng là khó khăn lớn nhất của HTX hiện nay. Theo Luật HTX 2012, vốn của HTX được hình thành từ 4 nguồn gồm: vốn góp của thành viên (vốn điều lệ); vốn huy động của thành viên và vốn huy động khác; vốn, tài sản được hình thành trong quá trình hoạt động của HTX; khoản trợ cấp, hỗ trợ của Nhà nước và khoản được tặng, cho khác.
Tuy nhiên, do vốn điều lệ của các HTX nông nghiệp còn thấp, còn nhiều thành viên chưa góp vốn, cùng với việc thiếu tài sản đảm bảo, nhiều HTX không đủ khả năng xây dựng phương án kinh doanh, dự án đầu tư khả thi nên khó tiếp cận các nguồn vốn vay. Nhiều HTX chỉ dừng lại ở tình trạng sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu hiệu quả.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hà Văn Lân, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: Hiện, các HTX đều gặp khó khăn về nguồn vốn. Nhiều HTX thuê đất 50 năm, nhưng đây lại không thể coi đó là tài sản thế chấp vay ngân hàng. Bên cạnh đó, việc định giá tài sản đất nông nghiệp hiện rất thấp, và hiện giá đất nông nghiệp chỉ định giá 300 triệu đồng/ha. Vì thế, nếu có được vay vốn cũng rất thấp. Nếu không giải quyết được vấn đề về vốn thì các HTX chỉ giậm chân tại chỗ, không thể mở rộng sản xuất, kinh doanh chứ đừng nói đến chuyển đổi sản xuất theo mô hình chuỗi.
Theo ông Phạm Công Bằng, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã - Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, hiện, cả nước có khoảng 20% các hợp tác xã có khả năng tự lực vốn; trong đó, chỉ khoảng 0,5% trong tổng số hơn 24.000 hợp tác xã có khả năng đủ điều kiện tiếp cận vốn từ những tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại. Nguyên nhân, là do các HTX không có tài sản thế chấp, cầm cố khi vay vốn vì không bảo đảm tính pháp lý.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết: Để tháo gỡ những khó khăn này, trong thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam đề nghị Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tập thể, HTX phát triển bền vững; Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật và chính sách hỗ trợ đặc thù để tạo điều kiện thuận lợi cho HTX thành lập và hoạt động; sửa đổi một số quy định của Luật HTX 2012, Luật Đất đai... và các pháp luật liên quan.
Những khó khăn vướng mắc này, cần phải có giải pháp đồng bộ mới phát huy hết tiềm năng thế mạnh kinh tế tập thể vùng DTTS và MN. Nhưng quan trọng hơn cả, vẫn là giải quyết được cơn "khát vốn” và nâng cao được năng lực quản trị cho các mô hình HTX...