Lùng Cúng là bản được sáp nhập từ 2 thôn Phình Ngài và Lùng Cúng từ ngày 01/01/2019. Bản cách trung tâm xã Nậm Có khoảng 26km, địa hình núi cao, rừng rậm. Bản có 182 hộ, trên 1.000 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống.
Theo Trưởng bản Tráng Sung Của, trước đây cuộc sống của bà con bản Lùng Cúng rất khó khăn. Mỗi năm, hầu hết người dân đều thiếu lương thực từ 3, 4 tháng; tình trạng trồng cây thuốc phiện, nghiện ma túy, đi làm thuê diễn ra rất phức tạp.
Từ năm 2005, chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng công an viên của xã và đội ngũ già làng, trưởng dòng họ, Người có uy tín trong cộng đồng dân cư tổ chức các buổi họp dân nhằm tuyên truyền, vận động bà con từ bỏ cây thuốc phiện. Đến năm 2008, được sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con đã dần loại bỏ cây thuốc phiện và thay thế bằng cây thảo quả, táo mèo, ngô nương, lúa. Tinh thần đoàn kết của bà con cũng dần được củng cố, bản không còn tệ nạn xã hội, bà con có điều kiện tập trung phát triển kinh tế.
Ông Lý Tồng Xay, Người có uy tín bản Lùng Cúng, xã Nậm Có cho biết: Cứ 1 tháng, chúng tôi lại xuống trung tâm xã từ một đến hai lần để nghe phổ biến, tuyên truyền về giáo dục pháp luật. Khi trở về bản, chúng tôi tuyên truyền lại cho con cháu trong dòng họ cũng như người dân trong bản tập trung phát triển kinh tế, bảo vệ rừng, không nghe những kẻ xấu xúi giục đi theo đạo trái phép…
Nhờ đó, từ năm 2010 đến nay, Lùng Cúng không còn cây thuốc phiện, không có phụ nữ xuất nhập cảnh trái phép, an ninh trong bản luôn ổn định.
Không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, đội ngũ già làng, trưởng dòng họ, Người có uy tín còn chủ động vận động bà con tích cực trồng rừng, trồng táo phát triển kinh tế gia đình. Ông Lý Tồng Xay cho biết, từ năm 2008, khi Lùng Cúng được Nhà nước hỗ trợ giống thảo quả và cây táo mèo để phát triển kinh tế kết hợp bảo vệ rừng, chúng tôi đã vận động mỗi hộ nhận 200 gốc cây táo và thảo quả về trồng. Sau 3 năm, cây táo và thảo quả đã cho thu hoạch. Bình quân, mỗi hộ trồng táo mèo và thảo quả đã có thu nhập từ 30-40 triệu đồng/năm.
Gần 11 năm trồng cây táo và thảo quả kết hợp trồng lúa, ngô nương. Đến nay, cuộc sống của bà con Lùng Cúng đã có nhiều đổi thay tích cực. Kết thúc năm 2018, dân bản Lùng Cúng đã có cách làm ăn mới trong phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Nhờ vậy, thu nhập bình quân mỗi hộ dân trong bản đạt từ 70-90 triệu đồng/hộ/năm, tăng 40 triệu đồng/hộ/năm so với năm 2008.
“Hiện nay, mỗi hộ ít nhất có hơn 100 cây táo mèo được trồng khoanh vùng trên các đồi núi. Thế nhưng đường vào bản Lùng Cúng khó khăn, hiểm trở, không thuận tiện trong việc vận chuyển, giao thương hàng hóa. Chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước có chính sách nào đó hỗ trợ cho Lùng Cúng có được một con đường thuận tiện để giúp bà con đi lại thuận tiện hơn”, ông Xay đề xuất.
HOÀI DƯƠNG