Đến xã Bàn Tân Định, huyện Giồng Riềng, chúng tôi được người dân kể nhiều về ông Danh Chung, Người có uy tín trong đồng bào DTTS tại ấp Sở Tại. “Ở đây, người dân quý mến ông Chung vì lối sống giản dị, hay giúp đỡ mọi người, nhất là việc nâng cao hiểu biết quy định pháp luật. Ông Chung thường nhắc nhở, tuyên truyền các thủ đoạn hoạt động của các đối tượng tội phạm để bà con biết, phòng tránh”, ông Danh Niệm, người dân trong ấp chia sẻ.
Qua tìm hiểu được biết, ông Danh Chung được công nhận là Người có uy tín vùng đồng bào DTTS từ năm 2013. Với hơn 10 năm tham gia các hoạt động ở địa phương, ông được đánh giá cao về công tác cảm hóa thành công các thanh thiếu niên quậy phá, gây mất trật tự xã hội, an toàn giao thông như: chạy xe lạng lách, nẹt pô, không đội mũ bảo hiểm, trộm cắp vặt…
Bên cạnh đó, ông Danh Chung còn tích cực tham gia cùng cán bộ xã, ấp đến các khu chợ nhóm, hộ mua bán kinh doanh tuyên truyền, nhắc nhở bà con không xả rác thải bừa bãi trên đường, dưới sông rạch. Nhờ đó, môi trường nông thôn được sạch, đẹp hơn.
Trong đời sống vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là vùng còn nhiều khó khăn, Người có uy tín luôn là lực lượng nòng cốt, bằng hành động, việc làm cụ thể đã vận động bà con Nhân dân tham gia bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; đồng thời xây dựng nếp sống văn minh.
Ấp Tràm Chẹt, xã Bàn Tân Định, huyện Giồng Riềng có đông bà con đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm gần 70% dân số của ấp, đa số bà con sinh sống bằng nghề nông, nhiều bà con không rành tiếng Việt, do đó, để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được tuyên truyền xuống đồng bào rất khó.
Ông Danh Mai Dong, Người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer ấp Tràm Chẹt, chia sẻ: “Tôi phải đến tận nơi, sử dụng tiếng Khmer để tuyên truyền, vận động bà con. Nhờ vậy, bà con cũng hiểu và nghe theo”.
Bà Thị Mạnh, ngụ ấp Tràm Chẹt, xã Bàn Tân Định, huyện Giồng Riềng bày tỏ: “Mỗi khi có hội họp, hay làm gì, ông Dong đều thông tin lại cho bà con biết hết. Trong việc vận động bà con hiến đất, phát hoang dọn dẹp cây cảnh, hiến ngày công, giao mặt bằng cho Nhà nước làm đường, làm hàng rào xanh... bà con ai cũng làm theo, bây giờ có đường bê tông đi lại dễ dàng, ai cũng thích”.
Là người có uy tín, được bà con trong vùng kính trọng, Thượng tọa Danh Dỗ, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Giồng Riềng, trụ trì chùa Cây Trôm thời gian qua cũng rất tích cực vận động đồng bào phật tử tham gia các phong trào thi đua yêu nước và cùng chính quyền địa phương chăm lo đời sống người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Thượng tọa Danh Dỗ cho biết, Thượng tọa thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, thông tin về tình hình do huyện, tỉnh tổ chức để nắm vững chủ trương, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự của địa phương. Từ đó, trong các buổi thuyết pháp, Thượng tọa sẽ tuyên truyền, vận động đồng bào phật tử và người dân hiểu và thực hiện tốt các quy định.
Trong thực hiện các Chương trình MTQG, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), Thượng tọa Danh Dỗ thường xuyên vận động phật tử chung tay thực hiện các dự án, nội dung của các chương trình, nhất là chung tay xây dựng nông thôn mới với việc hiến đất, tham gia ngày công làm cầu, đường giao thông; tham gia bảo vệ môi trường, gìn giữ an ninh trật tự xã hội, an toàn giao thông, xây dựng nếp sống văn minh.
“Để có thể tuyên truyền, vận động Nhân dân, bên cạnh tích cực tham gia các buổi tập huấn, hội nghị do các đơn vị tổ chức, tôi cũng tự cập nhật kiến thức, tình hình của địa phương, đất nước để có thể truyền tải một cách đầy đủ, đúng với đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước đến người dân. Cùng với đó là tranh thủ vận động các nhà hảo tâm chăm lo cho những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn…”, Thượng tọa Danh Dỗ bày tỏ.
Bà Triệu Thị Huyền Trân, Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng, ghi nhận: Những năm qua, Người có uy tín trong đồng bào DTTS của huyện đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động đồng bào, phật tử chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình; tham gia bảo vệ an ninh, trật tự; tích cực vận động xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; phát huy tinh thần hiếu học, chăm lo cho con em học tập nâng cao trình độ dân trí.
Trong phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, Người có uy tín trong đồng bào DTTS luôn nêu gương đi đầu thực hiện; đồng thời tích cực vận động đồng bào tập trung làm ăn để vươn lên trong cuộc sống.
“Hiện tại, huyện Giồng Riềng có 32 Người có uy tín. Bằng kinh nghiệm và uy tín của mình, Người có uy tín của huyện đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của vùng đồng bào DTTS nói riêng và của huyện nói chung”, bà Triệu Thị Huyền Trân nhấn mạnh.