Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Phát huy vai trò trọng tâm của Tổ hòa giải cơ sở

H. Thanh - 17:34, 07/12/2022

Những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở đã và đang khẳng định được vai trò trong việc giúp các bên tranh chấp tự giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn trên cơ sở phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội, có ý nghĩa quan trọng góp phần đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm, tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thực hiện Luật hòa giải cơ sở năm 2013 nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân. Theo đó, Tổ hòa giải cơ sở được trú trọng và quan tâm hơn.

(CĐ Bộ Tư Pháp): Phát huy vai trò trọng tâm của Tổ hòa giải cơ sở
Hòa giải viên cơ sở tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào DTTS

Tổ hòa giải cơ sở- nhân tố phát huy đại đoàn kết dân tộc

Sơn La là tỉnh miền núi biên giới với nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa. Hiện, toàn tỉnh Sơn La có 2.505 Tổ hòa giải với 14.947 Hòa giải viên, trung bình mỗi tổ hòa giải có từ 6 - 7 hòa giải viên là những người đang tham gia hoạt động trong các tổ chức đoàn thể của thôn, bản, tiểu khu và những Người có uy tín, có kinh nghiệm, có khả năng vận động, thuyết phục nhân dân và tương đối am hiểu pháp luật trong cộng đồng dân cư. Tổ trưởng tổ hòa giải thường là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hoặc bí thư chi bộ...

Anh Lò Văn Khánh ở xã Mường Bám, huyện Thuận Châu (Sơn La) chia sẻ: “Suốt nhiều năm qua, tổ hòa giải ở các bản đã góp phần quan trọng trong việc đoàn kết thôn bản. Tổ hòa giải đã kịp thời phát hiện, hỗ trợ tư vấn và giải quyết tốt nhiều vấn đề nảy sinh ở cơ sở, qua đó bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương, giúp mọi người yên tâm sản xuất. 

Ưu thế nổi bật của đội ngũ hòa giải viên cơ sở đó là họ thường xuyên gần gũi với người dân, bám sát địa bàn, vì thế, cách họ phân tích, chia sẻ thường dễ được bà con lắng nghe, đồng thuận. Việc phát huy tốt vai trò của lực lượng hòa giải viên cơ sở là yếu tố tiên quyết giúp hóa giải các mâu thuẫn, tranh chấp hay những xích mích trong các mối quan hệ tại cộng đồng dân cư, góp phần làm giảm các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến những lĩnh vực dân sự (hôn nhân gia đình, đất đai, hành chính...); hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp.

Không chỉ ở Sơn La, tại Hà Giang, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng đặc biệt quan tâm chú trọng đến công tác hòa giải ở cơ sở. Là hòa giải viên của Tổ hòa giải thôn Ngài Thầu, xã Thàng Tín, anh Hạng Chúng Lìn cũng thường xuyên tự tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản về luật để tuyên truyền cho nhân dân trong thôn, nhất là các kiến thức liên quan đến Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Đất đai…

“Khi trong thôn xảy ra những vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn, tổ hòa giải tiến hành tập hợp các hòa giải viên đến tìm hiểu nguyên nhân sự việc, lắng nghe ý kiến của các bên rồi họp bàn và đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả nhất. Sau đó, tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn để các bên hiểu và tự thỏa thuận giải quyết với nhau trước sự chứng kiến của tổ hòa giải. Với sự lắng nghe, chia sẻ và cách làm thấu tình, đạt lý như vậy, nên vài năm trở lại đây, các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong thôn đều được giải quyết kịp thời, không phát sinh đơn thư, khiếu kiện làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, tình làng, nghĩa xóm luôn được củng cố, gắn kết…”, anh Hạng Chúng Lìn cho biết.

(CĐ Bộ Tư Pháp): Phát huy vai trò trọng tâm của Tổ hòa giải cơ sở 1
Cuộc thi hòa giải viên cơ sở là một trong những hoạt động nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên cơ sở

Cần nâng cao chất lượng, số lượng hòa cơ sở

Sơn La và Hà Giang chỉ là hai trong nhiều địa phương điển hình đã thực hiện tốt việc phát huy vai trò của Tổ hòa giải cơ sở. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn có một số hạn chế như: Một số địa phương chưa thực sự nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác hòa giải đối với đời sống xã hội, vì vậy thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác này; đội ngũ hòa giải viên còn thiếu phương pháp, kỹ năng hòa giải và kiến thức pháp luật chuyên sâu; một số công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã chưa nắm vững nghiệp vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; một số tổ hòa giải chưa thực hiện đúng quy trình về công tác hòa giải ở cơ sở, còn xem việc hòa giải là đơn giản, chỉ mời các bên tiến hành hòa giải miệng, không vào sổ thống kê hồ sơ, nhất là đối với những vụ việc hòa giải thành, nên việc thống kê, báo cáo tỷ lệ hòa giải thành ở cơ sở chưa đúng so với vụ việc hòa giải trên thực tế. Mặt khác, nguồn ngân sách nhà nước ở cấp huyện, đặc biệt là ở cấp xã còn khó khăn nên việc bố trí kinh phí cho công tác hòa giải chưa nhiều...

Thực tế cho thấy, hòa giải viên ở cơ sở là những cá nhân nhỏ bé trong cộng đồng, nhưng việc làm của họ là điều phi thường, với trách nhiệm, sự tâm huyết, lấy niềm vui của bà con, hạnh phúc mỗi gia đình, sự bình yên cộng đồng, tình làng nghĩa xóm là hạnh phúc của bản thân. Điều đó vô cùng nhân văn và cao quý. Nhiều hòa giải viên ở cơ sở được Đảng tin, dân mến, chính quyền tín nhiệm bởi họ không chỉ đóng góp cho an ninh trật tự, an toàn khu vực mà còn góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vững mạnh, họ là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, giúp người dân gần hơn với chính quyền từ đó tạo sự đồng thuận, đồng lòng xây dựng và phát triển địa phương, đất nước giàu mạnh.

Để phát huy các giá trị đó, công tác hòa giải ở cơ sở cần phải được nâng cao hơn nữa về chất lượng hòa giải. Bên cạnh đó, việc củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực cho hòa giải viên ở cơ sở cũng là một trong những nội dung mang tính quyết định đến chất lượng của công tác hòa giải cơ sở, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Các hòa giải viên cần được tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn về ứng dụng công nghệ thông tin để họ có thể khai thác, tìm hiểu, học tập qua mạng internet…. Có như vậy các hòa giải viên trong mỗi Tổ hòa giải mới có được kỹ năng, nhất là kỹ năng “dân vận khéo” để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, từ đó mới tìm được nguyên nhân sâu xa của mâu thuẫn, giải toả những bức xúc, trở thành chiếc cầu nối để hàn gắn tình cảm giữa các bên, xây dựng tình làng nghĩa xóm ngày một gắn kết hơn.

Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh hoạt động TGPL trong đồng bào DTTS.