Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

"Phải am hiểu phong tục đồng bào thì hòa giải mới đạt kết quả"

Trọng Bảo - 09:52, 07/12/2022

Đó là tâm sự của chị Lục Kim Phương, dân tộc Nùng, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Na Mạ 1, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai khi được hỏi về kinh nghiệm trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Từ sự hòa giải của chị Phương, mâu thuẫn giữa anh Thuận (ngoài cùng bên phải) và ông Phủng (thứ hai từ trái qua) đã được hóa giải
Từ sự hòa giải của chị Phương, mâu thuẫn giữa anh Thuận (ngoài cùng bên phải) và ông Phủng (thứ hai từ trái qua) đã được hóa giải

Cách đây hơn 2 tháng, khi thấy có khoảng đất trống của gia đình, anh Hoàng Văn Thuận đã trồng hơn chục cây quế dọc đường đi. Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu, như giáp đường đi này không phải là bờ ao nhà ông Giàng Seo Phủng. Do lo ngại khi hàng quế lớn lên lá rụng xuống sẽ ảnh hưởng tới cá nuôi, nên ông Phủng kịch liệt phản đối. Mâu thuẫn từ chuyện nhỏ nhưng cứ kéo dài âm ỉ, giữa anh Thuận và ông Phủng đã nhiều lần to tiếng, khiến cho tình làng nghĩa xóm bị ảnh hưởng.

Trước sự việc mâu thuẫn của hai gia đình trong thôn, chị Lục Kim Phương, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Na Mạ 1 đã tìm hiểu kỹ nguyên nhân và gặp gỡ từng hộ phân tích thiệt hơn, sau đó mời hai gia đình đến cùng trao đổi thống nhất hướng giải quyết.

Mâu thuẫn chủ yếu ở thôn Na Mạ 1 đó là ranh giới đất đai
Mâu thuẫn chủ yếu ở thôn Na Mạ 1 đó là ranh giới đất đai

“Trong việc này ai cũng có cái đúng, anh Thuận thì trồng quế trên đất nhà mình, bác Phủng thì lo lá quế rụng xuống sau này sẽ chết cá. Qua nhiều ngày kiên trì thuyết phục, phân tích để hai gia đình hiểu giá trị vật chất trong vụ việc không lớn nhưng tình làng nghĩa xóm bao lâu nay mới đáng quý. Cuối cùng thì bác Phủng cũng đồng ý để anh Thuận trồng hàng quế, còn anh Thuận cũng cam kết trong quá trình trồng quế sẽ chú ý cắt tỉa lá thường xuyên không để lá rụng xuống ảnh hưởng tới ao cá nhà bác Phủng”, chị Phương nhớ lại.

Đây chỉ là một trong hàng chục vụ việc mâu thuẫn giữa các hộ dân trong thôn mà chị Phương đã hòa giải thành công trong thời gian qua. Năm 2016, chị Lục Kim Phương được Nhân dân trong thôn tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Na Mạ 1.

Việc am hiểu phong tục tập quán từng dân tộc giúp cho việc hòa giải của chị Phương đạt kết quả hơn
Nhờ am hiểu phong tục tập quán từng dân tộc giúp cho việc hòa giải của chị Phương đạt kết quả hơn

“Bản thân tôi là phụ nữ cũng muốn dành thời gian để chăm sóc cho gia đình. Tuy nhiên, khi bà con đã tín nhiệm bầu thì mình phải cố gắng để hoàn thành công việc”, chị Phương tâm sự.

Để hoàn thành được công việc “làm dâu trăm họ”, bên cạnh việc tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do huyện, xã tổ chức; chị Phương dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu các quy định của pháp luật về đất đai, Luật Hòa giải cũng như các luật khác có liên quan. Đây là những kiến thức, quy định rất quan trọng để giúp chị có thể làm tốt công tác hòa giải, giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư.

Mỗi năm gia đình chị Phương có thu nhập gần 300 triệu đồng từ chăn nuôi và trồng rừng
Mỗi năm gia đình chị Phương có thu nhập gần 300 triệu đồng từ chăn nuôi và trồng rừng

“Ở thôn chúng tôi thực ra những mâu thuẫn không có gì nó to tát lắm, nhưng vì hiện nay bà con trong thôn đang mở rộng trồng quế, trồng chè, trồng dứa… nên thường xảy ra những tranh chấp ranh giới đất đai giữa các gia đình, từ đó tình làng nghĩa xóm bị sứt mẻ. Công tác hòa giải ngoài việc phải bám sát theo luật thì cũng phải giải quyết theo tình cảm là chính. Bên cạnh đó, vì thôn chúng tôi nhiều dân tộc cùng sinh sống, nên đòi hỏi những hòa giải viên phải hiểu được phong tục, tập quán của từng dân tộc để mình áp dụng khi hòa giải. Có như vậy thì việc hòa giải mới đạt kết quả”, chị Phương chia sẻ.

Thống kê từ năm 2019 đến nay, chị Phương và Tổ hòa giải thôn Na Mạ 1 đã hòa giải thành công 15/16 vụ việc phát sinh mâu thuẫn trên địa bàn quản lý; phối hợp hòa giải thành công 3 vụ việc mâu thuẫn giữa người dân thôn Na Mạ 1 và thôn Na Mạ 2. Ông Dương Hồng Chung - Bí thư Đảng ủy xã Bản Lầu cho biết: Trong những năm gần đây, công tác hòa giải cơ sở được cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm, các tổ hòa giải được kiện toàn củng cố lại. Nhờ đó, kết quả hòa giải ở thôn bản đạt kết quả rất tốt; tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp giảm thiểu, an ninh trật tự thôn bản được giữ vững, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố.

“Riêng đối với thôn Na Mạ 1 thì công tác hòa giải được đánh giá là điểm sáng của xã. Nhiều năm nay, hầu như không có đơn thư người dân trong thôn gửi lên xã, lên huyện. Với vai trò là Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ hòa giải chị Phương đã không quản ngày đêm đi xuống từng nhà khi có các vụ việc phát sinh mâu thuẫn. An ninh trật tự được giữ vững, bà con đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Hiện nay, thôn Na Mạ 1 có 181 hộ thì chỉ còn 27 hộ nghèo theo tiêu chí mới”, ông Chung cho biết thêm.

Với những nỗ lực trong công tác, chị Phương đã vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai. Đặc biệt chị là một trong những điển hình tiên tiến của tỉnh Lào Cai vinh dự được nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tư pháp” năm 2021.

Bên cạnh việc tham gia nhiệt tình công việc của thôn, của xã, gia đình chị Lục Kim Phương cũng là một trong những điển hình phát triển kinh tế. Với mô hình trồng dứa, rừng, chăn nuôi gà vịt và đào ao thả cá. Bình quân mỗi năm gia đình chị có thu nhập gần 300 triệu đồng.

Tin cùng chuyên mục
Những “phiên dịch” tận tâm trong cuộc điều tra 53 DTTS ở buôn làng Tây Nguyên

Những “phiên dịch” tận tâm trong cuộc điều tra 53 DTTS ở buôn làng Tây Nguyên

Đồng hành cùng đội ngũ Điều tra viên, Người có uy tín, trưởng thôn, buôn có nhiều đóng góp trong quá trình thực hiện cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS (cuộc điều tra 53 DTTS), năm 2024. Họ đã cùng cán bộ điều tra đến từng nhà dân, làm “phiên dịch” giúp Điều tra viên và người dân hiểu nhau để có kết quả điều tra chính xác nhất.