Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Phát triển bền vững khu vực đồng bằng trước biến đổi khí hậu: “Bước cùng nhau” để phát triển (Bài 2)

Sỹ Hào - 20:39, 09/04/2020

An ninh lương thực quốc gia đang bị đe dọa khi khu vực đồng bằng đang chịu tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Điều này đòi hỏi phải có một chương trình phát triển tổng thể đồng bằng, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” trong ứng phó BĐKH.

ĐBSCL đang chịu tác động nặng nề bởi BĐKH. (Ảnh minh họa).
ĐBSCL đang chịu tác động nặng nề bởi BĐKH. (Ảnh minh họa)

Thách thức lớn

Báo Dân tộc và Phát triển số 29 (1611), ra ngày 8/4, đã phản ánh khu vực đồng bằng trên cả nước đang chịu tác động nặng nề bởi BĐKH. Cụ thể, theo kịch bản BĐKH, dự báo vào cuối thế kỷ 21, mực nước biển dâng cao 1m sẽ làm 17% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng, 2,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung có nguy cơ bị ngập.

Đặc biệt, nếu nước biển dâng 1m, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ có 39% diện tích bị ngập. Điều này đang đặt ra thách thức rất lớn đối với chiến lược bảo đảm an ninh lương thực (ANLT) quốc gia khi mỗi năm ĐBSCL cung cấp trên 50% sản lượng gạo, 70% lượng trái cây, 40% lượng thủy sản đánh bắt và 74% lượng thủy sản nuôi trồng của cả nước.

Nguy cơ ANLT quốc gia bị đe dọa ngày càng hiện hữu do BĐKH. Năm 2020 này, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến trung tuần tháng 3, ĐBSCL đã kết thúc thu hoạch lúa vụ mùa 2019 - 2020. Sơ bộ cho thấy, diện tích gieo trồng lúa mùa của toàn vùng giảm 2.500ha, năng suất giảm 0,9 tạ/ha, sản lượng giảm 26.600 tấn so với cùng kỳ năm trước. 

Việc sản lượng gạo ở vựa lúa sụt giảm đã tác động đến mục tiêu xuất khẩu ngành hàng này của cả nước. Ngày 6/4, Bộ Công Thương đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ sản lượng gạo có thể xuất khẩu trong tháng 4 - 5/2020 của nước ta sẽ vào khoảng 800.000 tấn. Lượng gạo được phép xuất khẩu này giảm 40% so với tháng 4, 5/2019; giảm 35,7% so với cùng kỳ năm 2018 và giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2017.


Làm thế nào để “thuận thiên”?

Thách thức đối với ANLT quốc gia ngày càng lớn, không chỉ do tác động của BĐKH mà còn bởi “nhân tai”. Các biện pháp làm đê, đắp đập, cống ngăn mặn để giữ ngọt đã được thực hiện trong thời gian dài, dù rất tốn kém nhưng vẫn không chống được hạn, mặn; đồng thời cắt đứt nước lợ - một tài nguyên quan trọng để nuôi trồng thủy sản.

Từ năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH (NQ 120). Dù Nghị quyết “khoanh vùng” thực hiện cho khu vực ĐBSCL, nhưng tinh thần “thuận thiên” (nội dung cơ bản là sản xuất dựa vào các quy luật của tự nhiên để phát triển) của Nghị quyết có thể là “kim chỉ nam” cho tất cả khu vực đồng bằng trên cả nước.

Nhưng thực hiện “thuận thiên” như thế nào hiện vẫn khiến nhiều tỉnh thành khu vực đồng bằng lúng túng. Như kỳ báo trước đã phản ánh, trong ứng phó thiên tai, mỗi địa phương làm mỗi cách khác nhau, thậm chí là “mạnh ai nấy làm”. Đây cũng là một biểu hiện của việc lúng túng trong thực hiện NQ 120.

Từ việc thực hiện NQ 120, nhìn rộng ra để thấy, việc quản lý đồng bằng còn manh mún. Theo đó, mỗi địa phương theo đuổi mục tiêu, kế hoạch của riêng mình, ít chú ý đến tác động và ít liên kết hành động với các địa phương khác.

Để phát triển khu vực đồng bằng trước BĐKH, như cách nói của ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, là các tỉnh phải “bước cùng nhau”. Nhưng để “bước cùng nhau” thì khu vực đồng bằng cần một hành lang pháp lý cho sự phát triển bền vững khu vực đồng bằng trên cả nước, trong đó lấy ĐBSCL làm tiên phong.

Hành lang pháp lý đó có thể ở tầm luật; hoặc là Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL với Chủ tịch Hội đồng là Thủ tướng Chính phủ như đề xuất của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện NQ 120, tổ chức ngày 18/6/2019.

Tin cùng chuyên mục
Tu Mơ Rông (Kon Tum): “An cư lạc nghiệp” nhờ chính sách cho vay xây dựng nhà ở

Tu Mơ Rông (Kon Tum): “An cư lạc nghiệp” nhờ chính sách cho vay xây dựng nhà ở

Thực hiện Nghị định số 28/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã triển khai cho hơn 1.233 hộ đồng bào DTTS vay để sửa chữa và xây dựng nhà ở kiên cố. Qua đó, giúp đồng bào DTTS an cư và yên tâm lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.