Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Phát triển cây dược liệu vùng DTTS và miền núi theo Chương trình MTQG 1719: Tiềm năng lớn, khó khăn cũng không nhỏ

An Yên - 07:23, 10/06/2024

Nhiều chủng loại cây, diện tích lớn, thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp… là những tiềm năng sẵn có để phát triển cây dược liệu vùng DTTS và miền núi. Việc phát triển loại cây này như được tiếp thêm động lực bởi từ Chương trình MTQG 1719. Dẫu vậy, vẫn không tránh khỏi những khó khăn, thách thức trong thực tiễn triển khai.

Nhờ mô hình trồng cây dược liệu mà hàng nghìn hộ dân ở huyện Tây Giang (Quảng Nam) vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Nhờ mô hình trồng cây dược liệu mà hàng nghìn hộ dân ở huyện Tây Giang (Quảng Nam) vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Tiềm năng phát triển dược liệu vùng DTTS và miền núi 

Theo số liệu thống kê, cả nước hiện đã lưu giữ và bảo tồn 1.531 nguồn gene thuộc 884 loài cây thuốc, có nhiều loài quý hiếm thuộc diện có nguy cơ bị tuyệt chủng, loài đặc hữu, loài có giá trị kinh tế; tại 7 vườn cây thuốc vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội); vùng Trung du phía Bắc (Tam Đảo), vùng núi cao phía Bắc (Lào Cai), vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa), vùng Tây Nguyên (Đà Lạt), vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (Phú Yên) và vùng Đông Nam Bộ (Thành phố Hồ Chí Minh).

Tổng diện tích phát triển cây dược liệu cả nước là 357.178ha. Trong đó, diện tích trồng trên đất quy hoạch cho lâm nghiệp, trồng dưới tán rừng là 220.178ha; trồng trên đất nông nghiệp, cả cây lâu năm và cây ngắn ngày là 137.000ha, tổng số loài cây dược liệu gây trồng là 150 loài cây khác nhau.

Trong đó, vùng Tây Bắc Bộ là 46.181ha, bao gồm 57 loài; vùng Đông Bắc Bộ diện tích phát triển cây dược liệu là 270.565ha, bao gồm 59 loài; vùng Tây Nguyên diện tích phát triển cây dược liệu là 13.330ha, bao gồm 24 loài…

Theo thống kê, tổng số loài cây thuốc có nhu cầu sử dụng trong y học cổ truyền khoảng 800 loài, tổng nhu cầu về lượng khoảng 30.000 tấn/năm. Tổng số loài thảo dược có nhu cầu sử dụng trong công nghiệp dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, công nghiệp thực phẩm, đồ uống khoảng 300 loài, tổng nhu cầu về lượng khoảng 30.000 tấn/năm. Tổng giá trị xuất khẩu thảo dược Việt Nam ước khoảng 400 triệu USD/năm, trong đó đóng góp chính là quế, hồi và thảo quả.

Thu hoạch hoa cây cát sâm để làm trà ở huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La
Thu hoạch hoa cây cát sâm để làm trà ở huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La

Trồng cây dược liệu mở hướng thoát nghèo 

Lần đầu tiên phát triển dược liệu trong nước được Chính phủ quan tâm đầu tư bài bản, khoa học, tổng thể… để nhằm phát triển tiềm năng lợi thế gắn với phát triển kinh tế - xã hội thông qua Chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có Nội dung 2: Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Tiểu dự án 2, thuộc Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Thực ra, trước khi có các dự án của Chương trình MTQG 1719, thì cây dược liệu cũng đã được các địa phương quan tâm, đầu tư, phát triển.

Ở nhiều địa phương vùng đồng bào dân DTTS hiện nay đã và đang triển khai nhiều mô hình trồng cây dược liệu, góp phần quan trọng trong việc tạo sinh kế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Kể từ khi có Chương trình MTQG 1719, việc phát triển cây dược liệu như được tiếp thêm động lực bởi hành lang pháp lý rộng lớn.

Ngay tại A Lưới (Thừa Thiên Huế), tuy điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng A Lưới lại có khí hậu mát mẻ trong lành, thích hợp để trồng các cây dược liệu. Theo đó, dự án vùng trồng dược liệu quý được triển khai trên diện tích 363,4ha tại các xã Quảng Nhâm, A Roàng và Hồng Bắc. Các loại dược liệu được trồng bao gồm nhiều loại như: ba kích, bách hộ, cà gai leo, hà thủ ô, hoài sơn, mạch môn, nhân trần, sa nhân tím, sâm bố chính, thiên niên kiện, xạ can... Việc thực hiện dự án của Chương trình MTQG 1719 sẽ sử dụng tối thiểu 50% lao động là người DTTS và thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025.

Giám đốc Phan Xuân Diện (áo đen) giới thiệu về cây dược liệu với chuyên gia nước ngoài
Giám đốc Phan Xuân Diện (áo đen) giới thiệu về cây dược liệu với chuyên gia nước ngoài

Hay tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), huyện đã triển khai đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn gắn với nhiệm vụ giảm nghèo của địa phương. Đề án dựa trên hình thức Nhà nước và người dân cùng làm; trong đó, huyện hỗ trợ và huy động tối đa nguồn lực của Nhân dân để phát triển các loại cây dược liệu thành sản xuất hàng hóa, tổ chức đào tạo đội ngũ làm dịch vụ phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến, đóng gói, trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm các loại cây dược liệu trên thị trường trong và ngoài nước. Dựa vào cây dược liệu, nhiều hộ gia đình từ diện hộ nghèo đã vươn lên thành hộ khá, tạo nên sinh kế bền vững cho người dân.

Đến thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu như: Quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu quế, hồi liên tục tăng, năm 2022, năm 2023 đạt hơn 276 triệu USD, nhưng theo các chuyên gia, con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới. Điều đó càng khẳng định chắc chắn thêm rằng, tiềm năng phát triển, hiệu quả của cây dược liệu là rất lớn, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân vùng DTTS và miền núi.

Đâu là thách thức?

Bảo tồn gắn với phát triển giá trị kinh tế của dược liệu vùng DTTS và miền núi không chỉ gắn liền với tri thức sử dụng của đồng bào DTTS. Muốn cây dược liệu trở thành cây thuốc, là do hai yếu tố dược liệu đơn thuần và phương thức chế biến, thì thực tế là còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Nhờ tham gia vào HTX trồng dược liệu, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đã có thu nhập ổn định, vươn lên khá giả
Nhờ tham gia vào HTX trồng dược liệu, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đã có thu nhập ổn định, vươn lên khá giả

Nhìn từ các địa phương, có thể thấy phần lớn cây dược liệu chưa được chế biến sâu mà chủ yếu bán nguyên liệu thô, nên giá trị thấp. Để phát huy thế mạnh, cần có cơ chế, chính sách khai thác, phát triển phù hợp; nhất là việc thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vào chế biến sâu dược liệu. Ngoài ra, giải quyết bài toán đầu ra cho dược liệu bằng cách phát triển mô hình: gắn kết y học cổ truyền và dược liệu; dùng dược liệu tạo ra ẩm thực và chữa bệnh, gắn với du lịch… xuất khẩu cũng là những tiềm năng vẫn còn “ngái ngủ”.

Muốn giải quyết thực trạng này, các địa phương cần sớm xây dựng quy hoạch vùng dược liệu, biến nguồn tài nguyên này thành tiềm năng, lợi thế chủ lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng mối liên kết “bốn nhà”.

Về vấn đề này, Chương trình MTQG 1719 đã và đang từng bước tháo gỡ thông qua việc đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu quý được triển khai thí điểm theo hình thức dự án liên kết chuỗi giá trị tại 22 huyện của 21 tỉnh, với 18 dự án vùng trồng dược liệu quý và 4 dự án Trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao nhằm góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập cho bà con vùng DTTS và miền núi.

Cùng với những chủ trương, chính sách về phát triển dược liệu của mỗi địa phương, thì Chương trình MTQG 1719 sẽ là đòn bẩy, khắc phục được những khó khăn, thách thức hiện có… để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của cây dược liệu vùng DTTS và miền núi. Khi đó, sinh kế của bà con sẽ càng bền vững hơn./.