Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khuyến nông với đồng bào DTTS

Phát triển cây gai xanh mang lại sinh kế cho người dân Cẩm Thuỷ

Hà Anh - 14:35, 17/10/2023

Nhờ thực hiện chủ chương chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ đã mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân tại huyện Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá). Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Người dân thu hoạch cây gai xanh
Người dân thu hoạch cây gai xanh

Xã Cẩm Tú hiện là xã có diện tích trồng cây gai xanh lớn nhất huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hoá với gần 100ha. Đây cũng là địa phương đi đầu của huyện trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại hiệu quả và thu nhập cho bà con.

Thế nhưng ít ai biết cách đây vài năm, người dân xã Cẩm Tú còn chưa từng nghe đến cây gai xanh. Vì vậy việc vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng gặp muôn vàn khó khăn, thử thách. Đa số người dân đều e dè, không dám mạo hiểm chuyển đổi cây trồng.

Dù được cán bộ địa phương giải thích rất cặn kẽ về quy trình, kỹ thuật chăm sóc và hiệu quả mang lại từ cây gai xanh nhưng người dân vẫn không tin. Chỉ đến khi đại diện công ty thu mua khẳng định cam kết đồng hành và đảm bảo đầu ra cho cây gai xanh thì người dân mới cảm thấy yên tâm.

Thời điểm năm 2017 xã Cẩm Tú mới có 4 hộ đăng ký tham gia mô hình trồng cây gai xanh. Đến nay, toàn xã đã có hơn 30 hộ trồng, với diện tích gần 100ha, trở thành nguồn thu nhập chính cho người nông dân.

Bà Phạm Thị Thanh ở thôn Cẩm Hoa là một trong những hộ đi đầu trong phong trào trồng cây gai xanh ở xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy. Trước đây, gia đình bà trồng nhiều loại cây khác như mía, keo, sắn… nhưng thu nhập bấp bênh.

Nhận thấy cây gai xanh có đầu ra và thu nhập ổn định, bà Phạm Thị Thanh (Cẩm Hoa, xã Cẩm Tú) đã mở rộng diện tích trồng gai lên hơn 19ha.
Nhận thấy cây gai xanh có đầu ra và thu nhập ổn định, bà Phạm Thị Thanh (Cẩm Hoa, xã Cẩm Tú) đã mở rộng diện tích trồng lên hơn 19ha.

Sau nhiều năm trồng mía không đem lại hiệu quả như kỳ vọng, bà Thanh quyết định chuyển đổi sang trồng cây gai. Năm 2018, bà Thanh trồng thử nghiệm cây gai xanh trên diện tích 1ha và được doanh nghiệp chế biến bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Nhận thấy cây gai xanh có đầu ra và thu nhập ổn định nên gia đình bà đã mở rộng diện tích trồng gai lên hơn 19ha.

Bà Thanh cho biết, thời điểm thu hoạch, mỗi ngày, gia đình bà thu về 15 - 20 triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí, tương đương với hàng tỉ đồng mỗi năm. Không chỉ mang về nguồn thu ổn định cho gia đình, bà Thanh còn tạo công ăn việc làm cho 5 lao động địa phương khi vào vụ thu hoạch với thu nhập 300.000 đồng/người/ngày.

Bà Thanh chia sẻ: “Cây gai là cây trồng dễ phát triển, ít tốn công lao động, chỉ cần trồng 1 lần có thể thu hoạch trong vòng 10 năm. Mỗi năm người dân có thể thu hoạch 4 vụ tùy theo cách chăm bón và thời tiết.

Không những thế, toàn bộ các sản phẩm từ cây gai đều được tận dụng sau khai thác. Vỏ cây gai được dùng làm nguyên liệu sản xuất vải, lá cây có thể làm bánh gai, thân có thể làm nấm, mộc nhĩ, phân vi sinh… Riêng lá gai xanh bán thương phẩm để làm bánh gai cũng cho thu nhập khoảng 40 triệu/năm”.

Anh Nguyễn Đình Hùng, Đội 8, xã Cẩm Tú, cho biết: Trước đây diện tích đất canh tác đồi dốc của gia đình trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày hiệu quả thấp, do thiếu nguồn nước, đất bạc màu... Năm 2018, huyện Cẩm Thủy có chủ trương phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh nên anh đã chuyển đổi diện tích đất đồi sang trồng cây gai xanh và được địa phương hỗ trợ tiền chuyển đổi cây trồng. 

Nhờ phát triển vùng trồng gai xanh gắn với chuỗi liên kết đầu ra đã giúp bà con nông dân có sinh kế ổn định
Nhờ phát triển vùng trồng gai xanh gắn với chuỗi liên kết đầu ra đã giúp bà con nông dân có sinh kế ổn định

Đồng thời, Công ty CP Nông nghiệp An Phước cung ứng cây giống, vật tư theo hình thức trừ dần trong 5 năm đầu và ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm. Với diện tích trồng 2 ha cây gai xanh, mỗi năm thu hoạch 4 - 5 lứa, sản lượng đạt 1,4 tấn vỏ khô/lứa, gia đình anh thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Đại diện UBND xã Cẩm Tú cho biết, cây gai xanh đã và đang góp phần quan trọng vào việc tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng trên địa bàn xã; góp phần hình thành các mô hình sản xuất lớn, có hiệu quả, cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm còn 0,61%. Hộ cận nghèo còn 2,7%.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và vận hành Nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho hơn 200 lao động tại địa phương có thu nhập khá và ổn định.

Với thổ nhưỡng phù hợp, đầu ra cho cây gai ổn định, đảm bảo là tiền đề quan trọng để huyện Cẩm Thuỷ tiếp tục mở rộng diện tích gai trên địa bàn huyện trong những năm tới. Đến nay, Cẩm Thủy là huyện có diện tích trồng gai lớn nhất tỉnh Thanh Hoá với tổng diện tích gần 500ha. Quý I/2023, giá trị xuất khẩu cây gai xanh của nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước đạt khoảng 1,2 triệu USD. Việc nhà máy đi vào hoạt động khá hiệu quả đã và đang đồng hành cùng người dân liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo niềm tin cho người trồng cây gai xanh.

Xác định cây gai xanh có tiềm năng, dư địa phát triển, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Xác định cây gai xanh có tiềm năng, dư địa phát triển, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Ông Lê Văn Trung, Bí thư Huyện ủy Cẩm Thủy cho biết: Việc phát triển cây gai xanh trên địa bàn huyện là hướng đi mới mang tính bền vững trong nông nghiệp, là góp phần thay đổi diện mạo nông thôn là cơ sở quan trọng để huyện Cẩm Thủy hoàn thành chương trình xây dựng huyện nông thôn mới vào năm 2025.

Xác định cây gai xanh có tiềm năng, dư địa phát triển, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.Theo đó, các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân thuộc phạm vi Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ nhà máy sản xuất sợi gai An Phước sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng/1 ha để chuyển đổi từ trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh nguyên liệu; hỗ trợ 50% chi phí mua giống cây gai xanh; hỗ trợ chi phí mua máy tước vỏ cây gai xanh với mức 5 triệu đồng/máy. Mức hỗ trợ sẽ được áp dụng với từng đối tượng cụ thể và theo quy mô diện tích khác nhau.

Tin cùng chuyên mục
Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Vào thời điểm giao mùa, sức đề kháng của gà giảm nên dễ mắc phải các bệnh phổ biến do sự thay đổi về thời tiết và môi trường. Bà con cần chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống bệnh để đảm bảo đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh. Để việc nuôi đạt được hiệu quả tối ưu trong chăn nuôi mời bà con tham khảo hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa sau đây.