Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Phát triển cây sơn tra ở Thuận Châu

PV - 14:57, 03/04/2018

Những năm gần đây, cây sơn tra (táo mèo) đang trở thành cây đem lại thu nhập kinh tế ổn định cho nhiều người dân vùng cao của huyện Thuận Châu (Sơn La). Chính vì vậy, địa phương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp trong quy hoạch, quản lý và phát triển bền vững vùng nguyên liệu đối với loài cây giá trị này.

Đến HTX bản Nặm Búa, xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu (Sơn La) cây sơn tra đang là câu chuyện được bàn thảo nhiều nhất của những người dân nơi đây. Trên những quả đồi rộng lớn bao quanh bản, các thành viên HTX đã phát dọn, đào hố chuẩn bị cho vụ trồng sơn tra 2018.

Sơn Tra là cây ăn quả góp phần xóa nghèo bền vững cho đồng bào vùng cao. Sơn Tra là cây ăn quả góp phần xóa nghèo bền vững cho đồng bào vùng cao.

 

HTX bản Nặm Búa có 121 thành viên, đang có diện tích trồng cây sơn tra lớn nhất của huyện Thuận Châu, với diện tích 177ha, trong đó đã có 79ha cho thu hoạch. Năm 2017, sản lượng thu hoạch sơn tra của HTX khoảng 59 tấn, thu nhập bình quân khoảng 7,8 triệu đồng/năm/thành viên.

Anh Thào A Hồng, Giám đốc HTX bản Nặm Búa cho biết: HTX mới được thành lập tháng 4/2017 nên còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, chưa có trụ sở giao dịch, kho bãi để thu mua quả sơn tra. Các hoạt động của HTX chủ yếu là chăm sóc diện tích sơn tra đã trồng từ nhiều năm trước, hướng dẫn các thành viên kỹ thuật, tiếp cận các chính sách của tỉnh, huyện. Năm 2018, HTX sẽ tiếp tục rà soát diện tích đất phù hợp để trồng mới từ 10 đến 20ha cây sơn tra. Chúng tôi mong muốn các ngành chức năng hỗ trợ cải tạo giống sơn tra chất lượng cao, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ vay vốn ưu đãi để HTX thực hiện tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Được biết, huyện Thuận Châu đang thực hiện trồng, phát triển cây sơn tra trên địa bàn theo quy hoạch được duyệt, tập trung tại các xã vùng cao. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích cây sơn tra toàn huyện là 6.178ha, tăng 2.000ha so với năm 2017.

Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện đã tổ chức hỗ trợ và triển khai trồng cây sơn tra ghép (năng suất dự kiến tăng 1,2-1,5 lần, chất lượng, giá trị sản phẩm cao hơn so với giống hiện tại); duy trì vườn ươm cây giống tại xã Chiềng Pha để cung cấp giống cây cho các hộ.

Huyện cũng đang củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của 2 HTX đã thành lập (HTX bản Nặm Búa và HTX Thanh Sơn), tuyên truyền, vận động các hộ dân tham gia thành viên của các HTX đã thành lập, đặc biệt là các hộ dân trồng cây sơn tra trên địa bàn các xã Co Mạ, Long Hẹ, Co Tòng, Pá Lông, É Tòng...

Bên cạnh đó, UBND huyện đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc triển khai dự án xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm quả sơn tra; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến quả sơn tra.

Tuy nhiên, trong quá trình đưa cây sơn tra thành cây chủ lực phát triển kinh tế, huyện Thuận Châu vẫn gặp không ít khó khăn. Ông Đào Tài Tuệ, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng và chăm sóc của người dân còn hạn chế nên năng suất, chất lượng sản phẩm còn thấp; chưa liên kết được với các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Đồng thời, giá cả thị trường không ổn định; chưa xây dựng được chuỗi cung ứng sản phẩm quả an toàn, chưa có cơ sở sản xuất quả được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP...

Do đó, huyện sẽ tiếp tục tập trung các hoạt động xúc tiến đầu tư, bổ sung các chính sách thu hút đầu tư, nhất là khâu bảo quản, chế biến, xây dựng mối liên kết bền vững đối với sản phẩm quả trên địa bàn huyện. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ quản trị của các HTX; đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất quả an toàn tập trung... để phát triển cây sơn tra trở thành cây xoá đói, giảm nghèo và tiến tới làm giàu cho người dân vùng cao của huyện.

PHONG LƯU

Tin cùng chuyên mục
Áp thuế GTGT 5% đối với phân bón là phù hợp

Áp thuế GTGT 5% đối với phân bón là phù hợp

Tại tọa đàm tham vấn “Ảnh hưởng của việc áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đến ngành phân bón” mới đây, các chuyên gia kinh tế, tài chính đã khẳng định, cần chuyển đổi áp thuế GTGT 5% với phân bón để có dư địa giảm giá bán. Điều này phù hợp về góc độ khoa học, lợi ích kinh tế và hài hòa lợi ích các bên.